Trong chuyến sang Nga tri ân đồng đội hồi tháng 6-2017, chúng tôi rất cảm động được gặp Đại tá Chernesov Andrey Vasylievich (gọi thân mật là Andrey). Đại tá là con trai Trung tá Chernesov Vasyly Grigorievich, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 62, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam thời kỳ 1965-1966.
Qua trò chuyện, chúng tôi biết Đại tá Andrey đang là Trưởng khoa Xạ kích Trường Đại học Tên lửa Phòng không Bộ Quốc phòng Nga. Đại tá còn được Ban Giám hiệu nhà trường phân công phụ trách công tác quản lý học viên Việt Nam. Trường đại học này tọa lạc ở TP Yaroslavsk, cách Moskva gần 300km.
Theo lời kể của Đại tá Andrey, hằng năm, trường đại học này đã làm lễ tốt nghiệp hàng chục học viên Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam. Đại tá tâm sự với chúng tôi: “Cháu rất vui mừng khi nhận được tin các chú là những học trò đồng thời cũng là những người bạn cùng chung chiến hào với bố cháu bắn máy bay Mỹ cách đây đã hơn nửa thế kỷ, nay các chú sang Nga tri ân đồng đội.
Rất tiếc bố cháu đã qua đời cách đây hơn 10 năm vì sức khỏe và tuổi cao. Hôm nay, cháu cùng với 4 học viên Việt Nam lên Moskva thăm các chú và chúc mừng các chú có một chuyến đi đầy ý nghĩa. Cháu cũng muốn thưa với các chú rằng, cháu rất vui mừng được tiếp tục sự nghiệp của bố cháu là dạy các chiến sĩ QĐND Việt Nam trở thành những chiến sĩ Bộ đội Tên lửa Phòng không tài giỏi, mưu lược trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc bầu trời hòa bình, trong xanh của Tổ quốc”.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quang Hùng, Trưởng đoàn Cựu chiến binh Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 đã thay mặt Đoàn cảm ơn Đại tá Andrey và các học viên quân sự Việt Nam đã dành thời gian quý báu trong giảng dạy và học tập để đến với chúng tôi. Nguyên là trắc thủ cự ly cách đây hơn nửa thế kỷ, đồng chí Nguyễn Quang Hùng đã kể lại cho Đại tá Andrey và các học viên quân sự Việt Nam nghe những ngày, tháng người cha của Đại tá Andrey công tác và chiến đấu ở Việt Nam:
Trung tá Chernesov Vasyly Grigorievich (gọi thân mật là Vasyly) là thành viên đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên được Bộ Quốc phòng Liên Xô cử sang Việt Nam từ tháng 4-1965 đến tháng 2-1966 để giúp đỡ Việt Nam trong việc đào tạo Bộ đội Tên lửa Phòng không. Các đồng chí chuyên gia quân sự Liên Xô lúc bấy giờ đã phải gác lại tình cảm thương vợ, nhớ con, xa rời cuộc sống đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần để sang Việt Nam làm việc trong điều kiện có rất nhiều khó khăn cả về thời tiết, cả về điều kiện sinh hoạt và làm việc trong thời chiến.
Dưới sự chỉ huy của Trung tá Vasyly, các chuyên gia quân sự Liên Xô trong đoàn đã vượt qua những khó khăn đó, làm việc không kể thời gian, luôn luôn có mặt trong cả thời gian học viên tự học, kịp thời giải đáp những vấn đề mà học viên chưa nắm vững.
Nhờ đó, chỉ sau gần 3 tháng huấn luyện, ông và các chuyên gia trong đoàn đã trực tiếp cùng với các học viên của mình triển khai khí tài trên các trận địa để đánh trả các cuộc không kích của máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời miền Bắc Việt Nam. Ông là người chỉ huy trận đánh ngày 8 tháng 8 năm 1965 tại trận địa Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ và đã bắn rơi 2 máy bay F105 của Mỹ.
Với chiến công đó, ông Vasyly đã được Chính phủ Liên Xô tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ. Ông và các chuyên gia trong đoàn của ông được đồng chí Shelepin, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô sang thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 1-1966 trao tặng phần thưởng cao quí đó. Trước khi rời Việt Nam về nước, ông Vasyly được Chính phủ Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất.
Cuộc trò chuyện, giao lưu của chúng tôi bắt đầu từ 11h đến 14h mà vẫn chưa hết chuyện. Ngày hôm sau, Đại tá Andrey có giờ lên lớp nên chúng tôi phải chia tay nhau. Tất cả chúng tôi tay nắm tay, nghẹn ngào nói lời tạm biệt và hẹn ngày được gặp lại.
Kể từ buổi gặp đó đến nay, tôi và Đại tá Andrey vẫn thường xuyên ghi thư cho nhau. Chúng tôi tuy ở rất xa nhau về địa lý, song lại rất gần nhau về mặt tình cảm.
Tôi viết bài này để một lần nữa được bày tỏ lòng tri ân của tôi, của các đồng đội tôi đối với những người con Xô Viết đã và đang dành cho Việt Nam sự giúp đỡ rất quý hiếm và có hiệu quả.