Ông Kim Nhật Thành năm 1958 và 1964 đến Việt Nam, hội đàm với Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm trường quân sự, bảo tàng.
Ông Kim Jong-un dự kiến đến Hà Nội để họp với ông Trump ngày 27-28/2, đánh dấu chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một lãnh đạo tối cao Triều Tiên trong hơn 50 năm.
Kim Nhật Thành, người sáng lập Triều Tiên đồng thời là ông nội của lãnh đạo hiện nay Kim Jong-un, từng hai lần đến Việt Nam năm 1958 và 1964. Ông giữ chức thủ tướng Triều Tiên năm 1948 – 1972 và chủ tịch nước năm 1972 -1994.
Vào những năm 1950, Triều Tiên và Việt Nam có quan hệ thân thiết do có nhiều điểm tương đồng. Cả hai nước vào thời điểm này đều bị chia cắt, cùng chung kẻ thù là Mỹ và nhận được sự ủng hộ từ các nước như Trung Quốc và Liên Xô. Triều Tiên là một trong những nước thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam, vào năm 1950, chỉ sau Trung Quốc và Liên Xô.
Triều Tiên đặc biệt quan tâm đến cuộc kháng chiến của Việt Nam. “Đài phát thanh Bình Nhưỡng và báo chí Triều Tiên luôn có những bài giới thiệu về Việt Nam, đăng tin tức về hoạt động của phái đoàn Việt Nam”, ông Hoàng Quốc Việt, phó chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc, người dẫn đầu phái đoàn Việt Nam đi thăm Triều Tiên mô tả trên báo Cứu Quốc tháng 2/1952, theo bản lưu trữ của Thư viện Quốc gia.
“Quân đội Triều Tiên kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh một khẩu tiểu liên do một xưởng công binh Triều Tiên chế tạo theo kiểu Liên Xô”, ông Hoàng Quốc Việt viết.
Trên tinh thần mối quan hệ tốt đẹp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm Triều Tiên tháng 12/1957, họp với Thủ tướng Kim Nhật Thành và thăm phòng triển lãm công nghiệp, nông trường nước này. Người dân Triều Tiên đứng dọc hai bên đường chào đón khi chiếc xe mui trần chở Chủ tịch Hồ Chí Minh đi qua.
Một năm sau, Thủ tướng Kim Nhật Thành thăm Việt Nam ngày 27/11 – 3/12/1958. Nhiều người dân Việt Nam đổ ra đường vẫy cờ hai nước và vỗ tay chào mừng ông. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông tại Phủ Chủ tịch và sau đó cùng ông đến khu nghỉ Hồ Tây, đến nhà máy dệt Nam Định và thăm huyện Từ Liêm, nơi có dự án hữu nghị Việt – Triều. Ông Kim Nhật Thành còn đến thăm trường Sĩ quan Lục quân ở Sơn Tây và bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Tháng 6/1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm chính thức Triều Tiên. Ba năm sau, ông Kim Nhật Thành thăm Việt Nam lần hai vào tháng 10/1964. Lần này ông và đoàn đại biểu đã đến thăm Vịnh Hạ Long.
Trong cả chuyến thăm, ông đều đến Việt Nam bằng tàu bọc thép chuyên dụng, theo Yonhap. Vì sợ đi máy bay, ông Kim Nhật Thành chủ yếu sử dụng tàu để công du. Tàu có phòng họp và phòng ngủ, hoạt động như một văn phòng làm việc di động. Nó gồm khoảng 17 – 21 toa, di chuyển với tốc độ không quá 60 km/h và được cho là mang theo xe bọc thép và trực thăng nhỏ để đề phòng trường hợp khẩn cấp.
Để đảm bảo an ninh, tàu chở lãnh đạo Triều Tiên đi giữa hai đoàn khác. Tàu đi đầu có nhiệm vụ kiểm tra độ an toàn của tuyến đường sắt và tàu đi cuối chở các nhân viên an ninh, theo AFP.
Sau hai chuyến thăm của ông Kim Nhật Thành, Việt – Triều tiếp tục có các cuộc trao đổi cấp cao như Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công dự quốc khánh Triều Tiên và trao Huân chương Sao vàng cho Chủ tịch Kim Nhật Thành năm 1988 hay Tổng bí thư Nông Đức Mạnh thăm Triều Tiên năm 2007. Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Kim Yong Nam và Thủ tướng nội các Triều Tiên Kim Yong Il lần lượt thăm Việt Nam năm 2001 và 2007.
Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Kim Nhật Thành năm 1958 là sự kiện thường xuyên được kỷ niệm ở cả hai nước. Năm 2013, trong dịp kỷ niệm 55 năm, một buổi lễ được tổ chức ở trường mẫu giáo hữu nghị Việt – Triều Kyongsang tại Bình Nhưỡng, trưng bày ảnh của Thủ tướng Kim Nhật Thành và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 26/12/2018, buổi triển lãm “Tình hữu nghị Việt Nam – Triều Tiên” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh diễn ra để kỷ niệm 60 năm sự kiện này.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành đặt nền tảng cho mối quan hệ hợp tác và hữu nghị lâu dài giữa hai quốc gia”, trang web của trường mẫu giáo Việt Triều Hữu Nghị tại Hà Nội viết vào năm 2013.