Hồi hương tranh vua Hàm Nghi vẽ khi bị lưu đày

share on:

Thừa Thiên Huế đón nhận bức tranh vua Hàm Nghi vẽ lúc bị lưu đày ở Algérie – do hậu duệ của vua sống tại Pháp hiến tặng.

Ngày 24/12, ông Hoàng Việt Trung – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế – cho biết một tuần trước đơn vị đã tiếp nhận bức tranh vua Hàm Nghi vẽ lúc bị lưu đày. Tranh hiện cất giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. “Bức tranh được Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp – Đinh Toàn Thắng – thay mặt trung tâm tiếp nhận từ hậu duệ của vua Hàm Nghi sống tại Pháp hiến tặng”, ông Trung nói.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng (giữa) tiếp nhận tranh. Ảnh: Hoàng Việt Trung

Bức tranh cao khoảng 30 cm, dài khoảng 45 cm, vẽ phong cảnh vùng quê ở châu Âu với sông, núi. Tác phẩm đã được một bảo tàng nổi tiếng ở Pháp kiểm chứng. Theo ông Hoàng Việt Trung, trung tâm dự kiến trưng bày tranh tại triển lãm Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế vào ngày 10/1/2023. Tại sự kiện, bà Amandine Dabat – hậu duệ của vua Hàm Nghi – từ Pháp trở về, sẽ có buổi nói chuyện về cuộc sống của vua ở xứ người.

Trung tâm Bảo tồn cũng dự định thực hiện một không gian trưng bày các kỷ vật vua Hàm Nghi. Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam nhiều năm qua cũng mong muốn đưa hài cốt của vua về Việt Nam.

Bức tranh của vua Hàm Nghi vẽ. Ảnh: Hoàng Việt Trung

Vua Hàm Nghi có tài năng, tình yêu với nghệ thuật. Khi ở Algerie, vua học vẽ ở xưởng của họa sĩ Maurius Reynaud. Sau này qua Pháp, ông học điêu khắc với nghệ sĩ Rodin. Vua theo đuổi trường phái chủ nghĩa hiện thực. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông như Không đề (1889), Algerie (1900), Phong cảnh (1903), Cây ô liu cổ (1905), Chiều tà (1915)… Năm 2010, bức Chiều tà của vua được bán trong phiên của nhà đấu giá Millon với giá 8.800 euro (221 triệu đồng). Người mua là bác sĩ Gérard Chapuis – người Pháp gốc Việt hiện sống tại Marseille, Pháp.

Bức “Chiều tà”. Ảnh: Millon

Vua Hàm Nghi (1871-1943) húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch, lên ngôi năm 1884, khi mới 13 tuổi. Ông là hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn. Năm 1885, sau khi kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết rời khỏi kinh thành Huế và phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp. Năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt và bị Pháp đưa đi lưu đày ở Alger (thủ đô xứ Algérie). Vua qua đời vào năm 1943 vì bệnh ung thư dạ dày.

Theo VNEXPRESS

Facebook Comments