Hôm nay (11/12), Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” với 4 bị cáo gồm ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm.
Xét xử kín nhưng tuyên án công khai
Theo quyết định được Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra ngày 30/11, ngày 11/12, sẽ diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Bốn bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, cựu Phó Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội); Phạm Quang Dũng (sinh năm 1983, cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an); Nguyễn Hoàng Trung (sinh năm 1983, cựu cán bộ Công an thành phố Hà Nội, biệt phái công tác tại Phòng Thư ký – Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội); Nguyễn Anh Ngọc (sinh năm 1974, cựu Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, biệt phái công tác và giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Thư ký – Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo quy định tại Điều 337 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh Tòa hình sự) làm Chủ tọa phiên tòa. 2 kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử.
Vụ án được xét xử kín theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong phiên tòa xét xử kín, ngoài Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thực hành quyền công tố và Thư ký phiên tòa, thành phần tham dự còn có những người tham gia tố tụng được mời hay triệu tập.
Cũng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, xét xử kín được áp dụng trong những trường hợp đặc biệt, cần đảm bảo bí mật Nhà nước hoặc giữ gìn đạo đức xã hội nhưng phần tuyên án sẽ được công khai.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Đức Chung và vợ là Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Để nắm được thông tin, tài liệu điều tra của vụ án Nhật Cường, bị cáo Nguyễn Đức Chung liên hệ và đề nghị Phạm Quang Dũng (cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an) cung cấp thông tin, tài liệu về vụ án.
Trong thời gian từ 7/2019- 6/2020, thực hiện đề nghị của bị cáo Nguyễn Đức Chung, bị cáo Phạm Quang Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”, liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường. Trong đó, bị cáo Dũng đã chuyển cho bị cáo Chung 2 lần, gồm 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”.
Đối với 2 bị cáo: Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc, cáo trạng xác định đã một lần tham gia in, chỉnh sửa ba tài liệu “Mật” cho bị cáo Nguyễn Đức Chung.
Ông Nguyễn Đức Chung còn liên quan tới những vụ án nào?
Theo Cổng TTĐT Bộ Công an, ngày 28/8/2020, ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Chung còn liên quan đến vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Trong buổi Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2020, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng – Người phát ngôn Bộ Công an đã lên tiếng làm rõ liên quan của ông Nguyễn Đức Chung tới các tội danh.
Về tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” của ông Nguyễn Đức Chung, ông Tô Ân Xô cũng cho biết: “Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện Gói thầu Số hóa của Sở KH&ĐT Hà Nội và làm rõ hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, gây thiệt hại 19,8 tỷ đồng. Vụ việc có một phần trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung với tư cách Chủ tịch UBND TP Hà Nội”.
Về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” của ông Nguyễn Đức Chung, ông Tô Ân Xô thông tin, tội danh này liên quan đến dự án làm sạch nước sông hồ ở Hà Nội. Cụ thể, người phát ngôn Bộ Công an nói: “Mặc dù TP Hà Nội đã chính thức đàm phán với phía đối tác từ Đức để sản xuất hóa chất Redoxy 3C theo yêu cầu riêng của TP Hà Nội, phía đối tác có trách nhiệm nghiên cứu đặc tính riêng của nước sông hồ Hà Nội để sản xuất ra chế phẩm.
Nếu ký trực tiếp với đối tác này là đúng quy trình, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, TP Hà Nội lại ký mua sản phẩm qua một công ty khác. Cơ quan điều tra xác minh, việc phải ký qua một “đại lý” khác đã gây thất thoát cho Nhà nước 41 tỷ đồng”.
“Trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung, với tư cách Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong vụ việc này đến đâu là điều cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ” – Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng – Người phát ngôn Bộ Công an cho biết thêm.
Theo VTV