Human Rights Watch: tổ chức đội lốt nhân quyền

share on:
Tiền thân của Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch) là tổ chức Helsinki Watch do Robert L.Bernstein thành lập năm 1978 với mục đích “giám sát” Liên Xô (trước đây) bằng cách thu thập tư liệu liên quan tới việc Liên Xô thực hiện quy ước của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), hỗ trợ các nhóm bảo vệ nhân quyền tại nước này.

Logo Human Rights Watch

Năm 1988, Helsinki Watch hợp nhất với một số tổ chức quốc tế khác có cùng tôn chỉ, mục đích, từ đó đổi tên thành Human Rights Watch (HRW). Tuy nhiên, căn cứ vào hoạt động của HRW lại thấy tổ chức này đang đi lệch tôn chỉ, mục đích ban đầu và trở thành “con rối” đội lốt nhân quyền phục vụ mục đích chính trị.

Một trong những “sứ mệnh” HRW tự phong cho mình là “điều tra và đưa ra ánh sáng các vi phạm nhân quyền và buộc những đối tượng vi phạm phải thừa nhận trách nhiệm”; “tiến hành nghiên cứu thực tế và điều tra các vi phạm nhân quyền, báo cáo một cách công tâm về tình hình nhân quyền tại khoảng 90 quốc gia”. Tuy nhiên, không hiểu HRW “nghiên cứu thực tế” như thế nào, các báo cáo có độ tin cậy đến đâu, khi tổ chức này ngày càng phải chịu sự chỉ trích từ chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức truyền thông và ngay cả nhà sáng lập là cựu Chủ tịch HRW Robert L.Bernstein về phương pháp, năng lực nghiên cứu. Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch cũng đã từng chỉ trích đội ngũ chuyên gia của HRW không đủ kiến thức chuyên sâu, trong khi đó thì Robert L.Bernstein, người sáng lập HRW, lại cáo buộc tổ chức này áp dụng phương pháp nghiên cứu “nghèo nàn”, dựa vào các nhân chứng mà không kiểm chứng những lời kể của họ, hoặc có đưa ra bằng chứng thì cũng vì mục đích chính trị. Viện nghiên cứu Monitor cáo buộc HRW áp dụng phương pháp luận sai lầm, hiểu sai luật pháp quốc tế.

HRW luôn tự khẳng định là tổ chức phi chính phủ độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ chính phủ nào và các báo cáo nhân quyền của mình là công tâm, không vì mục đích chính trị. Tuy nhiên, cách đưa tin thiên lệch, có dụng ý nhằm vào các nước đang hướng theo các giá trị trái ngược với ý thức hệ tư bản, các nước theo chủ nghĩa xã hội, và các nước theo đạo Hồi…; đồng thời tâng bốc các giá trị “tự do, dân chủ” kiểu Mỹ khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về tính “công tâm”, “độc lập” của HRW. Nhiều học giả Mỹ la-tinh cho rằng, về hình thức, HRW không lệ thuộc vào Chính phủ Mỹ nhưng các báo cáo của tổ chức này về tình hình nhân quyền tại Mỹ la-tinh, đặc biệt là tại Vê-nê-xu-ê-la, chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những toan tính của Washington. Bằng chứng là tháng 9-2008, Vê-nê-xu-ê-la đã trục xuất hai nhân viên HRW là Jose Miguel Vivanco và Daniel Wilkinson với lời cáo buộc họ tiến hành “các hoạt động chống phá nhà nước”. Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Hugo Chavez cho rằng, HRW đã câu kết với chính quyền Bush tiến hành một chiến dịch nhằm lật đổ chính quyền của ông, đồng thời phủ nhận các thành tựu mà chính phủ của ông đã đạt được trong cuộc chiến chống đói nghèo. Bộ trưởng Ngoại giao Vê-nê-xu-ê-la cáo buộc HRW là tổ chức đội lốt bảo vệ nhân quyền được Mỹ tài trợ nhằm thực hiện chính sách tấn công các nước đang xây dựng các mô hình kinh tế kiểu mới. Ngày 17-9-2008, trong một thư ngỏ gửi Ban giám đốc HRW để phản đối báo cáo của tổ chức này về tình hình nhân quyền tại Vê-nê-xu-ê-la, đã có 118 học giả của Ác-hen-ti-na, Ô-xtrây-li-a, Bra-xin, Mê-hi-cô, Vê-nê-xu-ê-la, Mỹ, Anh cùng một số quốc gia khác đã chỉ trích HRW đưa thông tin sai lệch để chống Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la. Theo các học giả, báo cáo của HRW “không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu nhất về phương pháp nghiên cứu, sự công bằng, chính xác và tin cậy”; cáo buộc người chắp bút chính cho báo cáo này, Jose Miguel Vivanco, có “động cơ chính trị”. Cáo buộc trên càng có cơ sở khi báo cáo tài chính của HRW năm 2009 cho thấy, 75% mức đóng góp đến từ Bắc Mỹ, 25% đến từ Tây Âu và chỉ chưa đầy 1% từ các khu vực khác. Mặc dù HRW đã phải “rào đón”, trấn an dư luận rằng tổ chức này “chỉ nhận đóng góp từ các nguồn tư nhân, không nhận bất cứ đóng góp của chính phủ nào, trực tiếp hay gián tiếp” nhưng có ai dám chắc các tổ chức tư nhân ủng hộ tài chính cho HRW không chịu sự thao túng từ chính phủ của một số nước lớn vì mục đích chính trị?

Những năm qua, trong các nước mà HRW “quan tâm” một cách đặc biệt có Việt Nam. Một trong những thủ đoạn HRW thường triển khai là tuyên truyền, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam qua báo cáo nhân quyền thường niên, hoặc ra thông cáo báo chí, gửi thư tới lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức quốc tế. Hằng năm, HRW công bố cái gọi là “báo cáo nhân quyền” phản ánh tình hình nhân quyền tại gần 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Gần đây nhất, trong báo cáo năm 2012, HRW xuyên tạc, vu cáo “Chính phủ Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa”. HRW trắng trợn vu khống Việt Nam sử dụng các điều luật “mơ hồ” (Ðiều 79, Ðiều 87, Ðiều 88 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam) để bắt giữ, xét xử các “nhà bất đồng chính kiến”, “nhà vận động tôn giáo và chính trị” mà thực chất là các đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam một cách có hệ thống như Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Bá Ðăng, Phan Thanh Hải,… Lần nào cũng vậy, báo cáo của HRW luôn phủ nhận các thành tựu phát triển nhân quyền ở Việt Nam; và thực chất các thông tin đó chỉ là sự cóp nhặt những thông tin sai sự thật, một chiều và có dụng ý xấu về tình hình nhân quyền ở Việt Nam do các thế lực thù địch với Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tán phát trên mạng in-tơ-nét hoặc rêu rao trên vài tờ báo lá cải ở hải ngoại. Rồi mỗi khi các cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ hay xét xử một số đối tượng với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”, “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”, hoặc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” HRW lại nhanh chóng ra thông cáo báo chí chỉ trích, lên án, yêu cầu Chính phủ Việt Nam thả ngay lập tức và vô điều kiện các đối tượng này! Không dừng lại ở đó, HRW còn gửi thư cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và một số tổ chức quốc tế để kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền, thả các “tù nhân lương tâm”, những “nhà bất đồng chính kiến”, các blogger.

Cùng với chiêu bài tuyên truyền, xuyên tạc tình hình “dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận” ở Việt Nam, HRW còn hậu thuẫn tài chính, kích động một số đối tượng chống Nhà nước Việt Nam dưới hình thức trao “Giải thưởng Hellman – Hammett” vắng mặt. “Giải nhân quyền Hellman – Hammett” do HRW lập ra cách đây hơn 20 năm để hỗ trợ về tài chính cho các nhân vật được gán cho nhãn hiệu là “nhà văn đấu tranh cho nhân quyền phương Tây”. Nhưng gần đây, HRW đã lái việc trao “giải” này cho cả những nhân vật chống chính quyền, gây mất an ninh trật tự ở Việt Nam. Ðọc danh sách những người được HRW “trao giải thưởng” từ năm 2001 đến 2011 sẽ thấy mục đích của HRW cụ thể là gì, bởi từ Thích Quảng Ðộ, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Chính Kết, Nguyễn Văn Ðài,… đến Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Khắc Toàn,… đều là công dân Việt Nam có nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Trong số họ chẳng có người nào là “nhà văn” như tiêu chí để xét trao “Giải thưởng nhân quyền Hellman – Hammett”. Những người này có điểm chung là bán rẻ danh dự, nhân phẩm, tự nguyện trở thành công cụ trong tay thế lực xấu để chống phá đất nước, chống phá chế độ. Vì thế, “Giải thưởng nhân quyền Hellman – Hammett” chẳng qua chỉ là một màn kịch dựng sẵn một cách vụng về trên sân khấu chính trị, mượn cái lốt “dân chủ, nhân quyền” để phá hoại xu hướng phát triển tiến bộ của các quốc gia luôn giữ vững độc lập và tự chủ, tự chọn con đường phát triển của mình, trong đó có Việt Nam. Ðó cũng là lý do để khẳng định HRW chưa bao giờ quan tâm đến nhân quyền, tổ chức này chỉ quan tâm đến lợi ích của những người đang muốn chi phối thế giới này bằng các giá trị do họ sản xuất và áp đặt mà thôi.

Facebook Comments