Trong một cuộc họp mặt nữ tù chính trị và tù binh chống Pháp, Mỹ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cách đây hơn 25 năm trước có một hình ảnh xoáy buốt vào tim tôi.
Là chị, một phụ nữ mất đi đôi chân, di chuyển thân mình bằng hai chiếc ghế gỗ trong cuộc họp mặt nữ tù chính trị và tù binh. Chị đến đâu, đôi ghế gỗ va vào sàn xi măng vang lên lốc cốc. Bằng đôi tay, chị di chuyển một cách thuần thục và nhanh nhẹn. Và cũng bằng đôi tay, chị quăng thân mình lên chiếc ghế dành cho đại biểu một cách chính xác, gọn gàng.
Mẹ gói khúc chân gánh về trong nước mắt
Năm ấy chị trạc ngoài 40, gương mặt sáng sủa, phúc hậu. Và hơn thế nữa, vượt lên thương tật, mất mát, trông chị có một vẻ tự tin kỳ lạ. Câu chuyện về chị trong cuộc họp mặt làm mọi người ngẩn ngơ, sững sờ…
Chị tên là Phan Thị Mai, sau chiến tranh, tên giấy tờ đổi thành Phạm Thị Mai nhưng đồng bào Hàm Liêm quen gọi chị bằng cái tên thân mật: Tám Tiệm. Những năm chiến tranh chống Mỹ, chị là chính trị viên Xã đội, Hội trưởng Hội Phụ nữ, Đảng ủy viên xã Hàm Liêm. Chị sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em. Bà Lê Thị Hoa, mẹ chị có hai em trai và hai con rể hy sinh. Sự kiện Mậu Thân năm 1968, Hàm Liêm được xem là bàn đạp cho quân giải phóng tấn công vào nội đô Phan Thiết. Mẹ chị là điểm tựa cho đội quân của con bám vào mảnh đất quê hương chiến đấu. 2 giờ chiều ngày 8-3-1968, Tiểu đoàn 4 Sư đoàn 32 quân đội Sài Gòn kéo về bao vây Hàm Liêm. Lúc đó, chị đang viết báo cáo chuẩn bị cho cuộc mít tinh. Nghe động, chị chạy xuống hầm cùng 4 đồng chí khác. Kẻ thù ném lựu đạn xuống hầm bí mật, 4 đồng chí của chị hy sinh. Chị tung hầm, bằng quả lựu đạn cuối cùng, chiến đấu quyết liệt, gây thiệt hại nặng nề cho địch. Chị bị thương ở chân, hai tay và mặt. Địch dùng máy bay đưa chị cùng số binh lính thương vong về Camp ESEPIC (Bệnh viện Đoàn Mạnh Hoạch). Tại đây, chúng tra tấn chị bằng nhiều hình thức, cắt cụt chân trái để chị đau đớn mà khai ra cơ sở nhưng chị thà hy sinh, can đảm vượt qua những trận đòn để giữ gìn bí mật của tổ chức.
Sau đó, địch đưa chị về Bệnh viện Phan Thiết, tiếp tục thủ đoạn 3 lần cưa chân chị đến đùi. Những năm ấy, mẹ chị chắt chiu từng đồng, lặn lội đi thăm con ở bệnh viện, rồi nhà tù. Mỗi lần chứng kiến con bị cưa chân, lòng mẹ như bị xát muối. Mẹ gói khúc chân con gánh về trong nước mắt, lòng quặn đau chôn một phần thân thể của con trên mảnh đất quê hương. Mẹ nghĩ chị không thể sống sót nên chuẩn bị một phần đất để chôn chị.
Không khai thác được gì ở chị, địch ném chị vào nhà xác, không chữa trị. Ở đây, hàng ngày, chị sống cùng những xác chết, hai chân bị giòi đục, lở loét đau đớn khủng khiếp. Mỗi ngày trôi đi, chị lắng nghe cơ thể mình bị giòi đục, rữa nát, đi dần đến cái chết. Một hôm, có đoàn bác sĩ Mỹ đến nhà xác, phát hiện chị còn sống. Vị bác sĩ phản đối cách đối xử tù binh tàn bạo, đưa về Bệnh viện Phan Thiết, chích liều kháng sinh mạnh điều trị cho chị.
Vết thương chưa lành hẳn, địch chuyển chị về tiểu khu tiếp tục tra tấn, hỏi cung. Nhổ máu từ miệng ra, chị nhìn thẳng vào bọn ác ôn, gằn từng tiếng: “Đồ hèn, hành hạ một phụ nữ tàn phế như tao, các người không nhục sao? Tao thà chết, quyết không khai ra đồng chí của mình, phản bội cách mạng”. Địch tống chị vào trại giam Ty cảnh sát, rồi đưa chị xuống nhà tù Bình Thuận.
Đầu năm 1970, địch thả người nữ tù bị cưa cụt đôi chân về địa phương vì cho rằng chị đã tàn phế, không còn sức để hoạt động cách mạng nữa. Nhưng địch đã lầm, với đôi chân bị cưa sát, chị vẫn tiếp tục đánh giặc. Chị làm cố vấn chỉ huy quân sự, tham gia đánh hàng trăm trận. Với thương tật như thế, thêm hai lần nữa, chị bị kẻ thù bắt giam vào nhà tù Bình Thuận rồi đưa ra tòa án quân sự ở Nha Trang. Tháng 11-1974, chị ra khỏi nhà tù, được đưa vào căn cứ làm việc trong một cơ quan dân y cho đến ngày hòa bình.
Hòa bình và khát khao làm mẹ
Ngày hòa bình, mẹ chị ôm chầm đứa con gái thân yêu vào lòng, nghẹn ngào. Cô con gái xinh đẹp, đảm đang của mẹ ngày nào đã mất đi đôi chân. Đó là một thực tế mà bà đã chuẩn bị để đón nhận, nhưng làm sao nước mắt vẫn rưng rưng. Lồng ngực thanh xuân của chị thổn thức trên bờ vai gầy, còm cõi của mẹ. Bà vuốt ve mái tóc dài mượt của con, đau nhói lòng nhận ra con gái mình còn quá trẻ.
Nỗi khát khao có được đứa con nung nấu trong lòng, nên chị dang tay đón đứa bé mới 3 ngày tuổi bị bỏ rơi, dù mỗi ngày phải dùng chiếc xe lắc tay đi hàng chục cây số mua sữa cho con. Mẹ chị giúp con gái nuôi nấng cháu, thức suốt đêm cùng chị khi bé bị bệnh. Trong nhọc nhằn làm mẹ, chị lại mơ thấy mình có được một đứa con do chính chị đứt ruột sinh ra. Giấc mơ lớn dần, ngày càng nung nấu trong lòng chị. Lúc ấy chị đang là Phó bí thư chi bộ, phụ trách hợp tác xã. Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, giằng xé, chị đi đến quyết định trả lại tổ chức quyền lợi và chức vụ. Tình mẫu tử vượt qua đói nghèo, thành kiến, vượt qua cả thương tật của chính mình. Người mẹ là đôi chân cho chị tựa vào để bước qua những tháng năm đầy khắc nghiệt, khó khăn. Vào một đêm mùa xuân năm 1983, ngôi nhà chị vang lên tiếng khóc chào đời của một bé gái. Chị đặt tên cho con là Yến Ly. Tên thân mật của bé là Huệ, còn chị là Lan. Từ đó, ngôi nhà người nữ thương binh ấy rộn rã tiếng khóc, tiếng cười nói bi bô của hai đứa trẻ.
Sức sống, lòng dũng cảm, nghị lực bật lên từ sự mất mát của người phụ nữ ấy cứ làm lòng tôi thao thức. Sự thấu đáo bao dung của người mẹ càng làm tôi khâm phục. Đêm ấy cảm xúc tràn ra giấy, tôi không ngờ mình viết nhanh, những dòng thơ của “Hai đời làm mẹ”:
Con trở về sau cuộc chiến tranh/Không chàng trai nào đưa tiễn
Không còn nữa lời thề non hẹn biển/Mẹ là người duy nhất đón đưa con
Ừ, thì con về với mẹ/Ngôi nhà ta bao năm rồi đơn lẻ…
Mẹ hái hoa bưởi về gội tóc cho con đây/Ôi mái tóc xanh dài dưới bàn tay nhăn của mẹ
Vòm ngực con vẫn căng tràn sức trẻ/Mẹ run lên khi chạm vào đôi chân ngà ngọc của con
Gửi lại chiến trường.
Sự lặng im còn đau đớn hơn ngàn lần tiếng nấc/ Con ơi, làm sao mẹ quen được nỗi mất mát này!
Bầu trời hòa bình quá cao xanh/Vườn nhà ta sum suê hoa trái
– Mẹ thèm khát bồng bế trẻ thơ/Mẹ ơi, ai lấy con nữa bây giờ!
Tiếng thở dài theo gió bay xa/Đêm đêm ánh trăng ngập tràn căn phòng trinh nữ
Ngực trần tắm hương đồng cỏ nội/ Bầu vú cong như dấu hỏi
Mẹ già quá thì sinh nở/Con còn trẻ sao không lấy được chồng
Bất chấp mất mát/Bất chấp tủi hổ
Và đôi mắt trinh nữ đầm đìa dòng lệ/Lóng lánh dưới trăng khuya…
Rồi một đêm/Có người đàn ông đến với căn phòng trinh nữ kia
Lặng lẽ lẫn vào bóng tối/Bí mật như lời thề
Ngôi nhà không có trẻ thơ/Sợ nỗi cô đơn và lụi tàn hơn búa rìu dư luận
Ừ, thì có chi đâu mà sợ/Con còn trẻ mẹ lành lặn đôi chân
Mẹ con mình tựa nhau mà sống/Con mang thai chín tháng mười ngày
Mẹ mang giùm con suốt đời gánh nặng.
Xứng danh anh hùng là thế nhưng danh hiệu Anh hùng đến với chị chậm hơn sau mấy mươi năm, vì một nguyên nhân thật khắc nghiệt, bởi do chị một mình can đảm nuôi con và những đứa con chị mang họ mẹ!
21 tuổi bị kẻ thù cưa sát đôi chân, chỉ còn 8% cuộc đời, chị đã vươn lên, sống xứng đáng, nuôi con ăn học, thành nhân, rồi nuôi cháu cho con có thời gian lo việc nước. Mãi đến năm 2000, chị mới được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT.
Trận chiến chống bạo hành
Thấm thoát mà Lan, Huệ lớn lên, đã bước vào tuổi thiếu nữ. Lan học hết lớp 8, bỏ học lấy chồng sớm. Huệ tốt nghiệp phổ thông, làm việc trong ngành địa chính ở Hàm Liêm. Giờ đây, từ đôi chân bị cưa sát của chị đã nảy lộc thêm 6 thành viên. Lan có một cô con gái, Vợ chồng Huệ, có 2 cậu con trai. Tôi hỏi về sự vắng mặt của con rể đầu. Chị nói: “Đó là một câu chuyện dài…”. Người nữ anh hùng trong thời bình quyết liệt dang tay che chở cho con gái, khi biết Lan thường xuyên bị chồng đánh đập. Sau nhiều lần khuyên giải không thành, chị mời đại diện chính quyền lập biên bản, làm thủ tục ly hôn. Chị nói với chồng Lan: “Mẹ nuôi con cực lắm. Con không thương vợ nữa thì mẹ đưa nó về với mẹ, đừng hành hung nó”. Lan đưa con gái về sống chung với mẹ.
Chị Phạm Thị Mai (Tám Tiệm) ngồi trên ghế cùng bà Nguyễn Thị Định sau ngày hòa bình
Ngôi nhà chị giờ đây tràn ngập nguồn năng lượng của những người trẻ. Tiếng ghế gỗ vẫn vang lên trên nền xi măng nhưng ngôi nhà tôi trở lại sau hơn 20 năm đã khác xưa. Âm thanh ấy thật tự tin, tràn ngập sự sống. Nếu như mấy mươi năm trước, bằng đôi tay còn lại, chị nỗ lực xây dựng cho mình một tổ ấm. Với đôi ghế gỗ quăng về phía trước, chị làm cỏ lúa, cho heo ăn, giặt giũ, phơi lúa… thì hôm nay, chị quăng người lên chiếc xe tự chế cho người khuyết tật đưa chúng tôi ra vườn thanh long hơn 12.000m2, tự hào nói rằng mình đã xây nhà bằng vườn thanh long này, hàng năm tiết kiệm vài trăm triệu đồng lo tương lai cho các cháu.
Đời tôi đã nhiều lần được đọc thơ nhưng hôm đó, được đọc bài thơ Hai đời làm mẹ giữa vườn thanh long bát ngát của chị, tôi thấy mình hạnh phúc tràn ngập vì kết thúc rất có hậu của chị. Từ đôi chân bị cưa cụt của chị đã nảy lên 6 chiếc chồi khỏe mạnh, tràn đầy sức sống, ước mơ. Tôi không cầm được nước mắt khi chạm vào đôi vai rắn như sắt của chị. Hơn 40 năm sau chiến tranh, chị đã dồn sức lên đôi cánh tay để chống đỡ, là điểm tựa cho đàn con cháu. Sức sống của người phụ nữ Việt Nam thật mãnh liệt.
Facebook Comments