Khi Tổ quốc là gia đình

share on:

Lịch sử Không quân thế giới, duy nhất Việt Nam có trường hợp bố và 2 con trai sinh đôi hiện đang là phi công quân sự lái máy bay tiêm kích Su. Rất đặc biệt và tự hào 3 bố con phi công này là người Đất Tổ. Đó là đại tá Nguyễn Ngọc Hiển, phó sư đoàn trưởng không quân 370, Quân chủng Phòng không – không quân (QCPKKQ) và 2 con trai sinh đôi là trung úy Nguyễn Phi Long, thiếu úy Nguyễn Long Phi, trung đoàn 935 (sư đoàn 370). 

3 bố con phi công tiêm kích: Đại tá Nguyễn Ngọc Hiển (giữa), trung úy Nguyễn Phi Long (trái) và em út – thiếu úy Nguyễn Long Phi (phải).

Đại tá phi công cấp 1 Nguyễn Ngọc Hiển năm nay 53 tuổi. Sinh ra lớn lên ở xã Chân Mộng (Đoan Hùng, Phú Thọ), từ nhỏ ông đã học được tính cách quyết đoán- kỷ luật của cha mình là Nguyễn Ngọc Bích. Đầu năm 1979, sĩ quan Nguyễn Ngọc Bích hy sinh tại chiến trường Campuchia trong khi làm nhiệm vụ quốc tế. Cuối năm 1979, cậu bé Nguyễn Ngọc Hiển khi đó mới 14, được Bộ Quốc phòng đưa xuống sân bay Gia Lâm (Hà Nội), nhập đội hình 124 cậu bé lên máy bay vận tải quân sự C130 bay thẳng vào sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) học khóa Dự bay đặc biệt, tạo nguồn cán bộ phi công cho quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau 2 năm học dự bị bay, Nguyễn Ngọc Hiển vào học khóa 3, L39 – Mig21 Trường sĩ quan chỉ huy – kỹ thuật không quân (nay là Trường sĩ quan không quân), đóng tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa). Tốt nghiệp với quân hàm thiếu úy, phi công Nguyễn Ngọc Hiển nhận nhiệm vụ tại trung đoàn không quân 929 (sư đoàn 372) đóng quân tại TP. Đà Nẵng và lái máy bay tiêm kích Mig-21, bảo vệ vùng trời miền Trung của Tổ quốc.

3 bố con trao đổi kinh nghiệm bay biên đội tại sân bay quân sự Biên Hòa.

Đầu tháng 4-1988, Trung Quốc đánh chiếm một số đảo của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Để “tăng cường sức mạnh quân sự cho hướng Biển Đông, bảo vệ Trường Sa, khu vực đặc quyền kinh tế biển và dầu khí phía Nam”, Bộ Quốc phòng chọn lựa 20 phi công và 60 cán bộ kỹ thuật, bí mật sang Liên Xô (cũ) chuyển loại sử dụng máy bay tiêm kích bom Su-22M4. Trung úy Nguyễn Ngọc Hiển nằm trong số đó. Giữa năm 1989, cả đoàn hoàn thành khóa học về nước, nhận máy bay tiêm kích bom Su-22M4 và đóng quân tại trung đoàn không quân 937 ở sân bay Phan Rang (Ninh Thuận), làm nhiệm vụ huấn luyện, trực chiến, tuần tiễu, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Từ cuối năm 1989, phi công Nguyễn Ngọc Hiển thường xuyên bay nhiệm vụ tuần tiễu Trường Sa cùng đồng đội. Tính đến thời điểm này, ông đã có hơn 30 năm bay phản lực, trong đó 30 năm bay Su-22M4 chuyên trách bảo vệ Trường Sa – nhà giàn DK1. Với trên 2.000 giờ bay, ông trở thành phi công cấp 1, đã thực hiện hàng trăm chuyến bay biển và được đánh giá là một trong số ít những phi công tiêm kích bom xuất sắc của lực lượng không quân Việt Nam.

Ngày 14-2-1993, anh Hiển đón nhận 2 cậu con trai sinh đôi và đặt tên là Nguyễn Phi Long, Nguyễn Long Phi. Niềm hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, cuộc sống gia đình của anh Hiển gặp muôn vàn khó khăn, vất vả. Sau khi sinh, vợ anh mắc bệnh tâm thần (hiện nay, chị vẫn đang điều trị trong cơ sở y tế) nên hầu như chỉ một tay anh chăm sóc nuôi dạy 2 con. Thời điểm 1998-2000, anh Hiển ra Hà Nội học, 2 anh em cũng theo ra và về Đoan Hùng học hết lớp 3. Bố học xong về lại miền Nam, cả 2 cũng chuyển về TP.HCM học đến lớp 5, sau đó lên TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) học tiếp dưới sự chăm sóc của bác ruột. Cuối năm 2008, ông Hiển mới đưa 2 cậu con trai Long – Phi (lúc này đang học kỳ đầu của lớp 10) xuống Phan Rang học hết lớp 12.

Bây giờ, bộ đội Trung đoàn không quân 937 đóng ở TP. Phan Rang (Ninh Thuận) vẫn nhớ 2 cậu con trai giống nhau như đúc, ở với phi công Nguyễn Ngọc Hiển suốt 3 tháng hè, nghe kẻng cơm là thoắt ngồi nghiêm trong bếp hoặc khệ nệ bưng suất ăn của bố về phòng, ăn thêm với mấy món cải thiện tự nấu bằng bếp dầu mù mịt khói. Quen cuộc sống quân ngũ nên cả 2 anh em từ bé đã biết tự chăm sóc bản thân, học hành một cách rất kỷ luật.

Đầu năm học lớp 12, anh Hiển hỏi con: “Thi trường nào?”. 2 cậu con một mực: “Sĩ quan Không quân, làm phi công tiêm kích như bố”. Tháng 10-2011, 2 cậu con trai vào trường nhập học. Đơn vị quản lý học viên lập tức làm biển tên ngực áo cho 2 anh em với lời dặn: “Lúc nào cũng phải mặc quân trang cấp phát để thầy cô không nhầm”.


Chào các đồng đội đang chuẩn bị cất cánh.

Thiếu úy Nguyễn Long Phi kể với tôi: Trong trường, khi đã hoàn tất huấn luyện trên máy bay Yak-52, chuẩn bị tham gia tuyển chọn vào chuyên ngành phi công (phản lực, vận tải, trực thăng), cậu chỉ sợ không đủ tiêu chuẩn sức khỏe vào phản lực nên ròng rã mấy tháng trời luyện tập, chiều nào cũng xỏ giày chạy bộ dọc đường băng sân bay.

Giữa năm 2018 về trung đoàn 935 bay chuyển loại máy bay tiêm kích Su-30MK2, thiếu úy Phi được trung tá Vũ Đình Thi, chủ nhiệm chính trị trung đoàn kèm cặp. Tiếp đó, các phi công kỳ cựu của 935 thay nhau hướng dẫn, bay kèm cậu thiếu úy, mỗi tuần khoảng 3-4 ban bay, bắt đầu từ những bài đơn giản, nên qua 3 tháng, giờ bay tiêm kích Su-30MK2 của thiếu úy Phi cũng đã tích lũy gần 10 giờ. “Ngoài được bay và bay tốt, còn thích gì nữa?”. Nghe tôi hỏi vậy, Phi cười lỏn lẻn: “Ước được đi du lịch mọi miền Tổ quốc” và bảo: “Nhiệm vụ của mình là canh giữ cho mọi người yên ấm hạnh phúc vui chơi, nên xem qua phim ảnh sách báo cũng được” – Phi lại cười, hàm răng trắng bóc, mắt sáng trong trẻo, như 1 cậu bé chứ không phải 1 sĩ quan, đảng viên.

Trung úy Nguyễn Phi Long thì kể: Hồi bé, nghỉ hè ra sân bay Phan Rang ở với bố, mỗi sáng bố đi bay đều chạy theo ngắm máy bay phản lực to lớn, tua tủa tên lửa, gầm gào tiếng động cơ và dần ý thức “phi công lái máy bay phản lực giỏi nhất, đàn ông nhất”.


Trung úy Nguyễn Phi Long trao đổi nghiệp vụ với nhân viên đảm bảo kỹ thuật trước lúc bay huấn luyện.

Kỳ thi tuyển sinh năm học 2011-2012, sau khi đã vượt qua vòng tuyển chọn sức khỏe, thi đầu vào sĩ quan không quân đạt 15/13,5 điểm, cả 2 anh em Nguyễn Phi Long – Nguyễn Long Phi vào nhập học, cùng ở tiểu đoàn học viên nhưng khác trung đội và nhà ở. Sinh trước em chỉ 5 phút nhưng Long luôn ý thức vai trò người anh, hàng ngày đều tìm gặp em hỏi han chỉ bảo. Cuối năm 2015, Nguyễn Phi Long ra trường, nhận nhiệm vụ tại sư đoàn không quân 370. Tháng 4-2017, Long ra Hà Nội học tiếng Nga chuyên ngành và từ tháng 2-2018 về lại trung đoàn không quân 935 chuyển loại lái máy bay tiêm kích Su-30MK2. Đến nay, trung úy Nguyễn Phi Long đã có gần 300 giờ bay trên các loại máy bay Yak-52, L-39, Su-30MK2 và đảm nhận nhiệm vụ trực chiến đấu trên máy bay Su-30MK2. “Rất vất vả áp lực và có thể hy sinh, nhưng em được thỏa ước mơ làm chủ bầu trời. Trước mỗi ban bay, được mặc đồ kháng áp, đội mũ bay, đeo vòi thở và ngồi trong buồng lái của chiếc máy bay cả triệu đô la, thấy mình được trao gửi quá nhiều, nên phải làm tròn nhiệm vụ của phi công quân sự” – Nguyễn Phi Long thành thực vậy và lại cười: “Đàn ông phải mạnh mẽ, bản lĩnh và phiêu du chút. Nhàn nhã quá, không hợp với em”.

“Các con khát khao chinh phục bầu trời nhưng tôi luôn căn dặn phải trách nhiệm với bầu trời. Phi công tiêm kích không đơn giản là thứ hạng mà còn là niềm kiêu hãnh và danh dự của gia đình, của bao người đi trước nên phải tuyệt đối giữ gìn phẩm chất, làm tròn nhiệm vụ để bảo vệ danh dự, ước mơ” – Đại tá Nguyễn Ngọc Hiển tâm sự.

Riêng với 2 anh em Nguyễn Phi Long – Nguyễn Long Phi thì lại ước một ước mơ rất giản dị nhưng lại rất đỗi thân thương: Một ngày gần nhất được ra thăm lại quê nội Phú Thọ, nơi đã gắn bó 3 năm thơ ấu với bà nội, chú bác và thăm lại Đền Hùng ngày còn bé được đưa đi thăm để cảm nhận sâu sắc hơn về nguồn cội. Trung úy phi công Nguyễn Phi Long bảo: “Mỗi lần cất cánh bay bảo vệ vùng biển trời miền Nam, trước khi ra biển lướt qua những cửa sông toàn dừa nước, đều nhớ đến những tàu lá cọ quê nội” và đăm chiêu: “Ngoài đó, dù xa xôi cũng là Tổ quốc, của gia đình em và của những người thân yêu”.

Mai Thanh Hải/Báo Phú Thọ

Facebook Comments