Không một quốc gia nào có thể dung thứ những thành phần cố tình phá hoại sự ổn định, phát triển của nước mình.
Kể từ đầu tháng 8 đến nay, Tòa án nhân dân các địa phương đã đưa ra xét xử 3 vụ án liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, kích động, tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng. Mức án cao nhất là 20 năm tù, thấp nhất là cho hưởng án treo. Hành vi của các bị cáo trong các vụ án trên được xác định là “đặc biệt nghiêm trọng”, “nguy hiểm cho xã hội”, trực tiếp xâm phạm đến sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Dư luận cho rằng, việc truy tố các bị cáo trên là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không thể dung thứ những kẻ muốn “lật đổ chính quyền nhân dân”.
Gần 20 bị cáo đã bị đưa ra xét xử tại thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An và Ninh Thuận, trong đó 13 người được xác định là thành viên của những tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài như “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” và Việt Tân. Thủ đoạn của chúng là triệt để sử dụng không gian mạng để tuyên truyền, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm gây tâm lý hoang mang, hoài nghi trong quần chúng nhân dân, rải truyền đơn, kêu gọi biểu tình, kêu gọi ủng hộ chế độ Việt Nam cộng hòa, ủng hộ Việt Tân, xúc phạm lãnh tụ, phỉ báng Đảng, Nhà nước và kêu gọi lật đổ chính quyền nhân dân; tẩy chay cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp…
Không chỉ kêu gọi trên không gian mạng, chiêu mộ người tham gia tổ chức, chúng còn trực tiếp nhúng tay vào các vụ khủng bố gây dư luận xấu trong xã hội. Điển hình như vụ dùng bom xăng tấn công trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình, TPHCM ngày 20/6 vừa qua. Các cơ quan chức năng xác định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, huy động nhiều lực lượng để nhanh chóng phá án. “Tác giả” của vụ khủng bố này được xác định là tổ chức phản động lưu vong “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”. Tổ chức này được thành lập năm 1990 tại Hoa Kỳ, do Đào Minh Quân cầm đầu với nhiệm vụ tuyên truyền, kích động biểu tình, phá hoại nhân dịp các ngày lễ, tết của đất nước nhằm lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Trước đó, cũng chính tổ chức này đã đốt kho xe vi phạm giao thông số 1 của Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và đặt bom xăng ở sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, TPHCM, lên kế hoạch phá rào, đột nhập các cơ quan phát thanh địa phương dịp 30/4 và 1/5 năm 2017 để chèn sóng phát thanh những nội dung tuyên truyền phản động…
Vi phạm pháp luật Việt Nam thì phải bị xử lý. Không một quốc gia nào có thể dung thứ những thành phần cố tình phá hoại sự ổn định, phát triển của nước mình, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tiến tới lật đổ chính quyền. Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh sau vụ khủng bố ở phường 12, quận Tân Bình đã khẳng định, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ đấu tranh ngoại giao với các nước về việc dung dưỡng, chứa chấp các đối tượng khủng bố để chúng gây án ở Việt Nam mà hành vi này cả thế giới cùng lên án.
Không thể gọi những thành phần như vậy là những nhà “hoạt động dân chủ” hay “bất đồng chính kiến”, lại càng không thể gọi những kẻ bị pháp luật xử lý là “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm” hay “tù nhân tôn giáo”. Bất kể họ là ai, thuộc thành phần nào trong xã hội, đều bình đẳng trước pháp luật. Việc đưa ra xét xử một người công giáo tại Nghệ An vừa qua là hoàn toàn dựa trên những hoạt động chống phá của đối tượng này – người được xem là “đại diện” của tổ chức khủng bố Việt Tân tại khu vực miền Trung. Ông ta đã bị tuyên 20 năm tù- mức án cao nhất từ trước đến nay cho tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Lợi dụng triệt để các vấn đề bức xúc về kinh tế- xã hội để tạo ra những điểm nóng hay kêu gọi “tổng biểu tình toàn quốc” trong các dịp lễ, tết là chiêu trò đã được sử dụng từ nhiều năm nay. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cơ quan chức năng đã vô hiệu hóa rất nhiều âm mưu bạo loạn, lật đổ trong những dịp như vậy để giữ gìn sự bình yên của đất nước. Ngay như dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, bằng nhiều hình thức khác nhau, các đối tượng phản động đã và đang kêu gọi “tổng biểu tình” với ý đồ tạo ra một sự kiện có màu sắc chính trị gắn với cái gọi là “cách mạng tháng Tám lần thứ hai”. Chúng gọi đây là “cách mạng mùa hè ở Việt Nam”, bắt đầu từ sự kiện ngày 10/6/2018.
Rõ ràng “sự kiện ngày 10/6” vừa qua là một bài học đắt giá. Từ việc bày tỏ thái độ không đồng tình với một vài dự luật, nhiều cá nhân đã bị lợi dụng để tham gia vào các hoạt động gây rối. Cơ quan chức năng xác định có bàn tay đạo diễn của các phần tử phản động ở nước ngoài. Chúng hân hoan khi tạo ra được những “điểm nóng” gây chú ý trong dư luận. Trong khi những kẻ cầm đầu vẫn ở trong bóng tối thì hàng trăm người dân quá khích đã phải nhận những bản án nghiêm khắc vì vi phạm pháp luật. Nhiều người trong số đó chưa từng có tiền án tiền sự, thực sự ăn năn vì hành động bột phát của mình.
Ngay trong tháng 8 này, tiếp tục 4 đối tượng gây rối bị khởi tố và 6 đối tượng khác bị đưa ra xét xử. Cuộc sống bình yên của hàng trăm gia đình bỗng chốc bị đảo lộn, rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi người thân vướng vào vòng lao lý. Bình Thuận-Ninh Thuận, nơi gắn với những địa danh du lịch nổi tiếng bỗng chốc ghi “dấu ấn” không đẹp vì những cuộc xuống đường bạo loạn. Vụ việc này cũng mang đến cho các cơ quan chức năng ở đây nhiều bài học xương máu trong xử lý “điểm nóng”. Chắc chắn, họ sẽ chủ động hơn, cảnh giác hơn để không tái diễn những hành động tương tự.
Tháng Tám của 73 năm về trước, cả dân tộc đã bừng dậy trong niềm tự hào vô bờ bến vì đất nước thoát khỏi ách nô lệ, lầm than. Nhân dân có được độc lập- tự do để xây dựng tổ quốc, xây dựng quê hương và xây dựng từng mái ấm gia đình. Mỗi dịp thu sang, mỗi dịp Tết độc lập, khắp dải đất hình chữ S lại được nhuộm đỏ sắc cờ- sắc đỏ của hy sinh, sắc đỏ của tự hào. Càng trân quý những thành quả khi chính quyền về tay nhân dân, chúng ta càng phải bày tỏ thái độ dứt khoát, không khoan nhượng, dung thứ những kẻ muốn phá hoại sự bình yên, muốn “lật đổ chính quyền nhân dân”./.