Không thể vin cớ “góp ý” để đả phá dự thảo Nghị định thi hành Luật An ninh mạng

share on:

Như đã thông tin, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng. Dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 30 điều và chính thức được đăng trên Cổng Thông tin điện tư Bộ Công an ngày 2-11-2018 cùng với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian 2 tháng kể từ ngày đăng.

Thông tin trên Cổng điện tử của Bộ Công an cũng ghi rõ: “Các ý kiến đóng góp xin gửi về Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, địa chỉ 40A Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, email: luatanm@gmail.com”.

Như vậy, việc đăng tải toàn văn bản dự thảo Nghị định và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được lấy ý kiến công khai, rộng rãi trong toàn dân với thời hạn 2 tháng.

Đáng nói, thời điểm đăng tải để lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 2-11-2018, thế nhưng từ đầu tháng 10-2018, trên mạng internet xuất hiện một số bản chụp không rõ nguồn gốc, có nhiều nội dung sai lệch, được các đối tượng xấu viện dẫn, từ đó tung ra các bài viết phê phán, chỉ trích.

Một số người còn vin vào những bản sao chụp trôi nổi này rồi chỉ trích rằng, dự thảo Nghị định đã không được đăng tải công khai, lấy ý kiến theo quy định pháp luật mà được làm theo kiểu “thậm thụt, mập mờ”. Họ đã vội vàng dùng những ngôn từ thiếu văn hoá phê phán cơ quan soạn thảo, đặt ra những câu hỏi nhằm kích động người dân phản đối việc ban hành các quy định đưa Luật An ninh mạng vào cuộc sống.

Thực tế, việc soạn thảo, ban hành các nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn thi hành các luật, bộ luật do Quốc hội ban hành đều được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng thực hiện theo đúng quy định, trình tự pháp luật. Đối với Luật An ninh mạng, việc soạn thảo, ban hành dự thảo Nghị định hướng dẫn và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng được thực hiện theo đúng quy định, trình tự trên, hoàn toàn không có việc “úp mở”, “che giấu” như các thông tin bịa đặt.

Đối với các dự thảo này, trước khi đăng tải công khai để lấy ý kiến nhân dân thì cơ quan soạn thảo phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo chặt chẽ, khoa học. Do đó, khi Bộ Công an chưa đăng tải dự thảo lấy ý kiến theo quy định pháp luật thì các bản thảo mà nhiều người sao chụp, lan truyền trên internet rõ ràng là không chính thống, không rõ nguồn gốc, do đó không thể dựa vào đó để chỉ trích, phê phán.

Thực tế thời gian qua cho thấy, số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước liên tục xuyên tạc nội dung Luật An ninh mạng, kích động quần chúng nhân dân xuống đường biểu tình.

Ngoài viện cớ như đã nêu trên, số đối tượng này tập trung cổ suý dư luận trên không gian mạng vào việc liệu các doanh nghiệp nước ngoài có lưu trữ dữ liệu và thực hiện yêu cầu xóa thông tin chống Nhà nước; so sánh chính sách quản lý không gian mạng của Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên và cho rằng, Luật An ninh mạng đã “bóp nghẹt” quyền tự do dân chủ, quyền tự do trên không gian mạng của nhân dân.

Khi thấy một số trang tin chống Nhà nước trên mạng xã hội Facebook và một số video trên Youtube bị xóa, số này liên tục viết bài, kích động người dùng mạng xã hội rời bỏ Facebook, chuyển sang dùng mạng xã hội Minds…

Một số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước dựa vào bản dự thảo nghị định không rõ nguồn gốc, không được kiểm chứng đã liên tục viết bài xuyên tạc nội dung dự thảo, cho rằng Bộ Công an có nguy cơ lạm quyền khi trở thành “một bộ máy siêu quyền lực trên không gian mạng”, có khả năng can thiệp vào đời sống riêng tư của công dân, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ gặp khó trong kinh doanh tại Việt Nam.

Thậm chí, để tỏ ra “khách quan, khoa học”, các tổ chức chống đối này còn mời một số người là kỹ sư công nghệ ở nước ngoài viết bài, tỏ thái độ không đồng ý với nội dung dự thảo, chỉ trích, phê phán Chính phủ.

Cần lưu ý rằng, việc đóng góp ý kiến dựa vào bản dự thảo chính thống đã công bố và đóng góp với tinh thần xây dựng, vì an ninh, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, vì trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật, sẽ có hiệu lực thi hành từ năm 2019, các ý kiến đóng góp là đối với dự thảo Nghị định hướng dẫn của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng ban hành Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, chứ không phải là việc xới lại nên hay không nên ban hành Luật An ninh mạng, phê phán luật và kích động đòi tẩy chay luật.

Bởi việc ban hành luật đã được Quốc hội khẳng định rõ tính tất yếu khách quan. Bên cạnh những lợi ích mang lại, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ còn đặt ra nhiều nguy cơ đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Quốc gia đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ to lớn, thách thức có thể ảnh hưởng tới sự bền vững của chế độ tới từ không gian mạng như diễn biến hòa bình, phá rối an ninh, kích động biểu tình, bạo loạn…; tấn công mạng gây thảm họa môi trường, suy yếu nền kinh tế; khả năng tác động, thay đổi nhận thức một cách nhanh chóng theo chiều hướng tiêu cực.

Nguy cơ bị tấn công mạng, bị chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, bí mật nội bộ, sở hữu trí tuệ, nguy cơ bị khủng bố mạng đang thường trực và đe dọa hàng ngày. Đối với tổ chức, cá nhân, thiệt hại về kinh tế đã được thống kê, việc tống tiền, lừa đảo qua mạng ngày càng phức tạp với nhiều hình thức tinh vi, nguy hiểm hơn; các thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, làm nhục, phát ngôn thù địch, phỉ báng dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng, không chỉ làm mất uy tín, danh dự mà còn gây nguy hiểm tới tính mạng; các hành vi tội phạm như kinh doanh đa cấp trái pháp luật, lừa đảo qua điện thoại, đăng tải văn hóa phẩm đồi trụy, cài cắm phần mềm nghe lén, theo dõi ngày một nhiều hơn. Không gian mạng giúp cuộc sống trở lên tiện ích hơn nhưng cũng mang tới các nguy cơ thường trực, có khả năng tác động trực tiếp và thường xuyên tới đời sống của con người.

Trước tình hình an ninh mạng trong và ngoài nước diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước đã xác định, an ninh mạng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tộc; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.

Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng.

Điều đó có nghĩa rằng, việc bảo vệ an ninh mạng phải gắn liền với quá trình phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và thành tựu khoa học kỹ thuật. Đây là hai mặt của một vấn đề, không thể tách rời nhau. (còn nữa)

Theo Báo CAND
Facebook Comments