Ngày 7/8, Trường ĐH Y khoa Tokyo đã thừa nhận việc làm thay đổi điểm thi đầu vào của các thí sinh nữ. Đồng thời, lãnh đạo trường cũng lên tiếng xin lỗi vì sự phân biệt đối xử này.
“Chúng tôi đã phản bội lòng tin của xã hội. Chúng tôi muốn chân thành xin lỗi vì điều này” – lãnh đạo Trường ĐH Y khoa Tokyo, ông Tetsuo Yukioka cúi gập người nhận lỗi trong buổi họp báo.
“Xã hội đang thay đổi nhanh chóng và chúng ta cần thích nghi với điều đó. Bất kỳ tổ chức nào không coi trọng vai trò của phụ nữ sẽ trở nên yếu kém” – GS Yukioka, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị trường thừa nhận. Những sự việc như vậy “không bao giờ nên xảy ra nữa”, GS Keisuke Miyazawa, Phó Chủ tịch của Trường ĐH Y khoa Tokyo khẳng định.
Đồng thời ông cũng cam kết, kỳ thi tuyển sinh năm sau sẽ được tổ chức thực sự công bằng.
Các lãnh đạo trường nói rằng họ không hay biết gì về sự việc sửa điểm thi đã diễn ra.
Tuy nhiên, họ sẽ sẵn sàng cân nhắc bồi thường cho những thiệt hại không đáng có.
Truyền thông Nhật Bản tuần trước cũng đã hé lộ, trường đại học này nhiều năm nay đã giảm điểm số của các thí sinh nữ nhằm giữ tỷ lệ phụ nữ trong trường ở mức bằng hoặc thấp hơn 30%.
Lãnh đạo ĐH Y khoa Tokyo cúi đầu xin lỗi vì bê bối sửa điểm thi. Ảnh: SBS
Những thông tin ban đầu cho thấy việc chỉnh sửa điểm bắt đầu được thực hiện từ năm 2011.
Tuy nhiên, theo hãng tin Kyodo News, trong một cuộc khảo sát khác lại cho thấy những thay đổi bắt đầu vào đầu năm 2006. Các nhà điều tra phát hiện ra vụ bê bối này khi nhận thấy một thí sinh nam là con trai của quan chức cấp cao trong Bộ Giáo dục được cố ý chấm cao hơn nhằm giúp anh ta có thể nhập học
Truyền thông địa phương cho biết, các trường hợp khác được phát hiện đã nâng điểm cho các thí sinh nam, bao gồm cả những người từng thi trượt 1-2 lần. Trong khi đó, điểm số của những thí sinh nữ đã bị hạ xuống. Mức điểm được nâng khoảng 49 điểm/ một trường hợp.
Những luật sư này cũng kết luận rằng, việc nâng điểm số cho nam giới và giảm điểm của nữ giới là vì các viên chức trong nhà trường cảm thấy phụ nữ có nhiều khả năng bỏ nghề sau khi có con hoặc vì những lý do khác.
“Điều này đã cho thấy sự phân biệt đối xử rất nghiêm trọng đối với phụ nữ” – Luật sư Kenji Nakai nói trong cuộc họp báo.
Các luật sư cho biết thêm hiện không thể ước tính có bao nhiêu phụ nữ bị ảnh hưởng bởi việc gian lận điểm thi tại Trường ĐH Y khoa Tokyo.
Năm 2018, tỷ lệ phụ nữ được nhận vào trường sau vòng kiểm tra đầu tiên là 14,5%, tỉ lệ ở nam giới là 18,9%.
Ở vòng thứ hai và cuối cùng, chỉ có 2,9% người nộp đơn là nữ được nhận vào.
Trong khi đó các thí sinh nam chiếm 8,8%.
Câu chuyện này đã gây ra sự phẫn nộ ở Nhật Bản.
Đại diện Phụ nữ liên hiệp quốc, bà Seiko Noda chia sẻ: “Thực sự đáng lo ngại nếu trường đại học không cho phép phụ nữ vượt qua các kỳ thi vì nghĩ rằng thật khó để làm việc với các bác sĩ nữ”.
Phụ nữ Nhật Bản dù có trình độ học vấn cao nhưng nhiều người thường được yêu cầu từ bỏ công việc sau khi kết hôn để dành toàn bộ thời gian ở nhà chăm sóc gia đình. Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra chính sách “Womenomics” nhằm khuyến khích phụ nữ tham gia lao động và thúc đẩy phụ nữ đến các vị trí cấp cao.
Thúy Nga (Theo Straits Times)/Vietnamnet