“Mùa xuân Arab” – 10 năm nhìn lại – Bài 3: Những bài học về lựa chọn con đường cách mạng

share on:

“Mùa xuân Arab” đã quét qua lịch sử nhân loại những luồng gió u ám và lạnh giá. Nhưng khát vọng muôn đời của con người vẫn là hướng tới hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc và phát triển. Suy ngẫm từ thực tiễn 10 năm biết bao đau thương trên một vùng trái đất đầy tài nguyên ấy giúp chúng ta tự rút ra nhiều bài học trong lựa chọn con đường, hướng đi của đất nước Việt Nam.

Bài học nhãn tiền của sự đa nguyên, đa đảng

Nói về “Mùa xuân Arab”, ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam ở một số nước Trung Đông, đã nêu hiện tượng để mất vai trò của đảng cầm quyền như tại Algeria. Trước năm 1989, Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria (FLN) là đảng chính trị hợp pháp duy nhất cầm quyền, đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi năm 1962 và chủ trương thực hiện các biến đổi xã hội sâu sắc trên cơ sở “nguyên tắc xã hội chủ nghĩa” và các giá trị Hồi giáo Arab, tiến hành công nghiệp hóa đất nước, thu được nhiều thành tựu to lớn. Các đảng đối lập đều bị cấm hoạt động. Thế nhưng vào đầu những năm thập niên 1990, các đảng đối lập lại được cho phép hoạt động, trong đó có cả đảng đòi thành lập một nhà nước Hồi giáo cực đoan, thậm chí đòi quyền tự trị. Nhiều đảng phái mọc lên khiến cho cạnh tranh giành quyền lực ngày càng gay gắt. Cộng với việc nội bộ FLN thiếu đoàn kết, chậm đổi mới trong lãnh đạo kinh tế-xã hội khiến đảng này ngày càng bị mất niềm tin trong nhân dân…

 

Người đàn ông bế một em bé bị thương do trong một cuộc giao tranh diễn ra ở đông Aleppo, Syria vào tháng 7-2016.Ảnh: AFP.
Ở Liên Xô, tháng 2-1990, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tán thành xóa bỏ Điều 6 Hiến pháp, chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Đầu năm 1990, trong đảng hình thành 20 phe nhóm có quan điểm, cương lĩnh khác nhau. Nhiều đảng cộng sản ở các nước cộng hòa tuyên bố tách ra khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô. Cuối năm 1990, đầu năm 1991, trong thể chế đa nguyên, thông qua bầu cử, các đảng phái chính trị đối lập đã nắm giữ chính quyền ở một loạt nước cộng hòa và thành phố lớn, được phương Tây hậu thuẫn đẩy mạnh các hoạt động chống đối, vô hiệu hóa chính quyền trung ương. Đến đầu năm 1991, quyền lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa và đến cuối năm, sau một cuộc chính biến, Tổng Bí thư Mikhail Gorbachyov đã ký sắc lệnh giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô, giải thể Liên bang Xô viết.Kinh nghiệm tại “Mùa xuân Arab” cũng cho thấy, các quốc gia được chia thành 5 nhóm: Nhóm bị lật đổ chính quyền không bằng bạo lực; nhóm bị lật đổ chính quyền bằng biện pháp vũ trang, thông qua nội chiến và sự can thiệp quân sự; nhóm ngăn chặn thành công “Mùa xuân Arab” nhưng phải khẩn cấp cải cách; nhóm bị rơi vào vòng xoáy nội chiến; nhóm không để Phong trào “Mùa xuân Arab” diễn ra trên nước mình. Riêng các nước ngăn chặn thành công “hiệu ứng sụp đổ domino” đều không có các tổ chức chính trị đối lập hoặc nếu có thì bị kiểm soát chặt chẽ.

Thực tế trên cho chúng ta bài học không bao giờ cũ là phải luôn giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng tới đây, khi đánh giá 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã tiếp tục khẳng định một chân lý từng được tổng kết nhiều lần: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam!

Đảng ta như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, phải luôn nhận thức rõ vai trò là một đảng cầm quyền, người cầm lái con thuyền cách mạng của dân tộc. Đảng phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, thật sự xứng đáng với trọng trách của mình; luôn làm tốt sứ mệnh, luôn giữ được niềm tin và chỗ đứng trong lòng nhân dân.

Giải quyết tốt vấn đề kinh tế và quản lý phát triển xã hội

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã nêu phải xử lý tốt 10 quan hệ lớn, trong đó có rất nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, như: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường… Dự thảo cũng khẳng định: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người”.

Nhìn lại “Mùa xuân Arab”, càng cho thấy những chủ trương đó là hết sức đúng đắn. Trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, chỉ quan tâm tăng trưởng kinh tế là chưa đủ nếu không hướng tới sự phát triển bền vững, cân bằng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến bùng phát “Mùa xuân Arab” chính là từ những vấn đề xã hội âm ỉ trong lòng nhiều nước. Bất bình đẳng về thu nhập, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, có khoảng 2/5 dân số ở các nước Arab mỗi ngày sống chỉ với 2USD hoặc ít hơn. Ở Ai Cập, có tới 40% dân số thu nhập bình quân chưa đạt 2USD/ngày. Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) năm 2005, 20% dân số nghèo nhất của Tunisia chiếm 7,8% thu nhập cả nước, ngược lại, 20% dân số giàu chiếm 42,6% thu nhập cả nước. Các số liệu tương ứng ở Ai Cập là 8,6% và 43,6%; của Morocco là 6,6% và 46,6%; của Yemen là 7,4% và 42,3%. Tháng 8-2010, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính khoảng 18-23% thanh niên ở độ tuổi lao động không có việc làm. Hầu hết lương thực của khu vực này có được là nhờ nhập khẩu. Kinh tế khá phát triển, song một bộ phận người lao động ở Tunisia lại phải sống trong tình cảnh thất nghiệp, nghèo khổ.

Ở Việt Nam hiện nay, sự nghiệp đổi mới đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, công cuộc phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả; tuy nhiên vẫn còn không ít vấn đề xã hội cần giải quyết, trong đó nổi lên là vấn đề lao động, việc làm, giải quyết nạn thất nghiệp, chống tham nhũng… Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội năm 2019 cho thấy: Chênh lệch giàu nghèo chưa được thu hẹp, hiện tượng phân hóa giàu nghèo gia tăng… Do đó, việc xử lý mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường là hết sức cấp thiết.

Mùa xuân Arab đã làm nhiều chính phủ phải thay đổi nhưng điều mà người dân cần là thay đổi kinh tế-xã hội thì lại không có. Ảnh: VOX.
Cảnh giác với chủ nghĩa dân túy quốc tế và âm mưu kích động giới trẻDự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng có điểm mới đáng chú ý khi nhận định: “Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân túy trong quan hệ quốc tế gia tăng”. Dân túy giờ đây không còn là một thủ đoạn chính trị mà đã trở thành một thứ chủ nghĩa nguy hiểm, là thứ men say có thể dễ dàng kích động giới trẻ.

Một nhà phân tích chính trị Mỹ đã viết: Ở trung tâm của những cuộc biểu tình lớn là lớp dân số trẻ với số lượng ngày càng gia tăng. Trước các cuộc nổi dậy ở Trung Đông và Bắc Phi, 2/3 dân số dưới 18 tuổi. Quỹ Carnegie Endowment vì hòa bình quốc tế (Mỹ) ghi nhận: “Những bất ổn chính trị trong thế giới Arab đã đẩy tầng lớp dân số trẻ lên tuyến đầu trong các cuộc xung đột chính trị và kinh tế”. Các nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ dân số trẻ thất nghiệp thuộc hàng cao nhất thế giới với khoảng 30%. Ở Ai Cập, có đến quá nửa trong số 2,5 triệu người thất nghiệp ở độ tuổi 20-24, đồng nghĩa với việc có khoảng hơn 1 triệu thanh niên thất nghiệp. Một thống kê cho biết, từ năm 1970 đến 2007, 80% các cuộc xung đột xã hội đã nổ ra tại các quốc gia có hơn 60% dân số ở độ tuổi dưới 30.

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, cân bằng chiến lược

Nhiều nước nơi “Mùa xuân Arab” đi qua, chính quyền đều quá phụ thuộc vào nước ngoài hoặc giải quyết không tốt cân bằng quan hệ với các nước lớn. “Gót chân Asin” đó khiến nhiều nơi dù có tiềm lực kinh tế, quốc phòng rất mạnh nhưng vẫn không thể trụ vững khi mất đi sự độc lập, tự chủ, bị rơi vào vòng xoáy của những chiến lược từ bên ngoài hoặc rơi vào các cuộc xung đột, chiến tranh ủy nhiệm. Có lúc, do không nhận diện kịp thời đối tượng-đối tác hay gặp sai lầm trong xử lý những tình huống chiến lược có thể đẩy vấn đề “sai một ly đi một dặm”, khiến cả dân tộc, cả đất nước phải trả cái giá quá đắt.

“Mùa xuân Arab” với diễn biến 2.0 còn cho thấy tính chất phức tạp ngay cả với những quốc gia từng ngăn chặn thành công sự xâm chiếm của nó ở giai đoạn 1.0, nay vẫn có thể đổ vỡ bởi những cuộc “thập tự chinh” kéo dài với nhiều thủ đoạn tinh vi. Có nhà nghiên cứu đã đánh giá: Bản chất của “Mùa xuân Arab” chính là những biến động chính trị-xã hội nhằm thực hiện hóa đề án “Đại Trung Đông” của một số thế lực phương Tây. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, khi các cường quốc can thiệp vào các nước khác thì họ sẽ sử dụng rất nhiều chiêu bài chứ không thể tường minh rằng đó là chiến tranh xâm lược hay chiến tranh kinh tế, núp bóng dưới các hình thức một cách tinh vi, phức tạp nên cần có sách lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, cho biết: “Bài học kinh nghiệm rút ra qua gần 10 năm của “Mùa xuân Arab” cho ta thấy trước hết, không để ai từ bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước mình. Chúng ta phải tự giải quyết các vấn đề của mình, luôn luôn đề cao chủ trương bảo vệ độc lập, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong dân tộc mình, tìm đến lợi ích của dân tộc mình thì mới phát triển thành công. Quá trình giành độc lập dân tộc của Việt Nam không phải là một quà tặng của ai đó, mà là thành quả của cuộc đấu tranh trường kỳ, lâu dài, nhiều hy sinh, thử thách. Do đó, giá trị của độc lập dân tộc đối với người Việt Nam có khác so với những quốc gia được Liên hợp quốc hoặc các nước lớn trao tặng cho độc lập. Vì vậy theo tôi, việc bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ là điều mà mỗi người dân Việt Nam từ trước đến nay luôn coi trọng. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, điều này càng được đề cao, để Việt Nam tiếp tục là một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế”.

Thực tế ấy một lần nữa là bài học sinh động để Đảng, Nhà nước ta tiếp tục khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ”; “có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 nêu rõ: Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế… Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế…

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, cho biết: “Bài học kinh nghiệm rút ra qua gần 10 năm của “Mùa xuân Arab” cho ta thấy trước hết, không để ai từ bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước mình. Chúng ta phải tự giải quyết các vấn đề của mình, luôn luôn đề cao chủ trương bảo vệ độc lập, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong dân tộc mình… thì mới phát triển thành công”. 

Bài 1: “Mùa xuân” biến thành… “mùa đông”

Bài 2: Nhận diện “mùa xuân” dưới góc nhìn cách mạng xã hội

Bài 4: Bài học về xây dựng quân đội

Bài 5: Mạng xã hội, “điểm nóng” và cái giá hòa bình, độc lập

 

NGUYÊN MINH, NGỌC HƯNG, VĂN DUYÊN, VĂN HIẾU, NGỌC THẠCH/Báo QĐND

Facebook Comments