Từ tù nhân trại tập trung phát xít trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”
Nguyễn Văn Lập sinh năm 1927 trong một gia đình công nhân ở Athen (Hy Lạp). Khi 16 tuổi, ông bị Đức Quốc xã bắt đi lính và đưa sang Đức. Ông trốn thoát và sống lang thang dọc biên giới Nam Tư – Hy Lạp. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, ông không có giấy tờ tùy thân nên không thể trở về Hy Lạp, sau đó bị bắt đưa vào trại tập trung ở Ý. Không có con đường nào khác, ông gia nhập đội quân Lê dương của Pháp và “được” đưa sang Đông Dương với lời ngon ngọt “giải phóng” các xứ ở đây, chống phát xít Nhật.
Ông cùng với những người lính khác được tàu chiến Pháp đưa đến Sài Gòn rồi từ đó lên xe lửa ra miền Trung. Đi đến đâu, ông cũng thấy những cảnh tượng man rợ do lính Lê dương gây ra với người dân Việt Nam. Đến đây, ông mới biết mình bị lừa vì không có người Nhật để chống lại mà chỉ thấy tội ác của lính Lê dương. Một ngày cuối tháng 2/1946, ông cùng đơn vị đứng trước một cây cầu chờ đến lượt sang sông, thấy một lá cờ Pháp treo trên một chòi canh. Trên hàng rào tháp canh, nhìn thấy bao nhiêu đầu người bị chặt cắm trên các cây cọc. Thật khủng khiếp. Ông tự hỏi: “Tại sao người Pháp đã chịu nhiều đau khổ dưới gót chân phát xít Đức lại có hành động dã man như bọn Hít-le?” Máu trong tim sôi lên, ông dứt khoát tìm mọi cách nhanh chóng rời bỏ quân xâm lược Pháp dã man, đứng về phía người Việt Nam đang chiến đấu giành độc lập, tự do.
Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập. Ảnh Báo Nhân dân.
Và thời cơ đến, khi đóng quân tại đồn Mũi Né (Bình Thuận), ông bắt liên lạc với một điệp viên kháng chiến Mai Lê đóng vai vợ sỹ quan Pháp. Đêm ngày 4/6/1946, ông đã cùng một người lính Lê dương khác tên là Santos Merinos người Tây Ban Nha giải cứu cho 25 tù chính trị và đem theo 1 súng máy, 2 súng trường chạy sang hàng ngũ Việt Minh.
Tại vùng tự do Phan Thiết, ông được đặt tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Lập. Tên ông theo nghĩa tiếng Việt là sự kết hợp của họ Nguyễn, theo họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc), Văn là chữ đệm là văn hoá, còn Lập có ý chỉ sự bắt đầu, xây dựng lại, phát triển lên… Kể từ ngày đó, ông trở thành người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, thuộc Trung đoàn 803, Liên khu 5.
Từ cán bộ địch vận trở thành Tổng Giám thị Trại tù binh lính Âu Phi
Trong thời gian tham gia Mặt trận Việt Minh ở Liên khu 5, Nguyễn Văn Lập luôn được đơn vị và cấp trên tin tưởng giao cho nhiều trọng trách và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập được nhiều chiến công. Thời kỳ đầu làm công tác địch vận ở chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, ông làm chương trình phát thanh vào đồn địch cảm hóa được nhiều lính Lê dương. 40 lính đã đào ngũ mang theo súng đạn về với cách mạng, cứu sống 120 người bị địch bắt.
Là một xạ thủ súng máy, ông đã cùng đồng đội bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay Mo-ran ở gần ga Phú Cang (Quảng Nam) bắt sống 3 tên giặc lái Pháp. Trong trận chống địch đi càn quét ngày 13/4/1948, ông đã cùng Tiểu đoàn 39, Liên khu 5 tiêu diệt hơn 200 lính Âu Phi, bẻ gẫy một cuộc càn quét quy mô lớn của quân Pháp vào vùng tự do của ta ở Hương An – Bà Rén, Quảng Nam. Lập công xuất sắc, năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam ngay tại trung đoàn.
Thượng tướng Ngô Xuân Lịch – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (nay là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) trao bằng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho đồng chí Nguyễn Văn Lập, ngày 30/8/2013. Ảnh Báo Nhân dân.
Năm 1952, tù hàng binh Âu Phi bị ta bắt đưa về trại tập trung ngày một đông. Đồng chí Nguyễn Chánh (Chí Thuần) – Chính uỷ kiêm Tư lệnh Liên khu V lúc đó yêu cầu các đơn vị tìm cho ông một Tổng giám thị trại tù binh Âu Phi. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, đồng chí Nguyễn Chánh đã chọn Nguyễn Văn Lập.
Đồng chí Nguyễn Chánh trực tiếp nói: “Lúc này tạm gác binh nghiệp mà tham gia một nghề khác gọi là hoạt động chính trị. Nếu trên cương vị sỹ quan chiến đấu, tôi có thể thay thế anh bằng một người khác, nhưng trên cương vị mới này, không thể tìm một ai thích hợp hơn anh…”, “Hãy cải thiện cách sống của tù binh trên phương diện nhân đạo, theo hết khả năng cho phép trong hoàn cảnh chiến tranh…”. Và thế là Nguyễn Văn Lập trở thành Tổng giám thị Trại tù binh Âu Phi số 3 ở Quảng Ngãi với tên mới “Sếp Linh”. Từ bản thân mình rút ra, ông hiểu rằng phải nắm chắc đường lối khoan dung, độ lượng của Bác Hồ, không được đối xử thô bạo, xúc phạm đến nhân phẩm của tù binh. Phải tỏ rõ sự thông cảm, không phải là thương hại…
Với cách quản lý “tù binh không cần bị gác mà cần được giáo dục”, quán triệt chính sách nhân đạo của Đảng và Bác Hồ, ông đã giác ngộ cho tù binh nhận thức rõ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa… Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, tù binh Âu Phi được trao trả đều bày tỏ lòng biết ơn đến Nhà nước Việt Nam và tình cảm với Tổng giám thị Nguyễn Văn Lập. Họ đều chung một cảm nhận: “Chúng tôi đã sống ở trại tù binh không dây thép gai bao quanh, không có đèn chiếu sáng, không có lính tuần tra mà không một tù binh nào bỏ trốn có thể thoát thân. Đúng là trại tù binh có một không hai trên thế giới!”.
Trở thành công dân Việt Nam, Anh hùng Việt Nam
Năm 1954, ông cùng bộ đội tập kết ra miền Bắc, công tác tại sân bay Gia Lâm. Năm 1956, ông chuyển ngành về Bộ Giao thông Vận tải, sau đó chuyển về Nhà in Tiến Bộ làm phiên dịch tiếng Đức rồi lái xe tải ở mỏ thiếc Cao Bằng, mỏ than Na Dương (Lạng Sơn). Ông từng tham gia đóng vai lính Pháp trong nhiều bộ phim truyện của Việt Nam, đặc biệt trong bộ phim về Anh hùng Cù Chính Lan.
Nguyễn Văn Lập trong lần gặp và trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh Tư liệu.
Năm 1965, ông làm đơn được trở về quê hương và được Chính phủ Việt Nam đồng ý. Trong những năm trở về Tổ quốc, ông gia nhập Đảng cộng sản Hy Lạp, làm nòng cốt thành lập Hội Việt kiều yêu nước ở Hy Lạp, là cầu nối hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Hy Lạp. Ông luôn nhớ đến Việt Nam, nhớ đến nhưng người đồng đội năm xưa. Ông tâm niệm: “Tôi đã học được những phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ, coi nhau như anh em ruột, cùng ăn một mâm, ngủ một chiếu…” và nhấn mạnh: “20 năm ở Việt Nam là quãng đời đẹp nhất của tôi…”
Ngày 9/11/2010, ông được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết trao quyết định công nhận là công dân Việt Nam. Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập được Chính phủ Việt Nam tặng nhiều huân, huy chương cao quý. Mỗi lần sang Việt Nam ông đều đeo huân chương trên ngực áo với niềm tự hào là người Việt Nam, là “Bộ đội Cụ Hồ” và nhiều lần ông vinh dự được gặp Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Ngày 23/5/2013, Nguyễn Văn Lập được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định số 934-QĐ/CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân với thành tích: “Chiến sĩ quốc tế quốc tịch Hy Lạp Kostas Sarantidis – Nguyễn Văn Lập, nguyên chiến sỹ Trung đoàn 803, Trung đoàn 108, Liên khu 5 có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”. Ông là trường hợp đặc biệt, người nước ngoài duy nhất được phong tặng danh hiệu cao quý này ở Việt Nam.Lễ phong tặng được tổ chức trọng thể tại Bộ Quốc phòng ngày 30/8/2013. Ông thật sự cảm động khi được Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (nay là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) gắn huy hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trên ngực áo. Ông xúc động bày tỏ: “Thành tích và vinh dự lớn lao này trước hết thuộc về các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các cấp của tôi, thuộc về tập thể đồng chí, đồng đội, thuộc về nhân dân các địa phương nơi tôi từng công tác và tôi chỉ có một phần trong đó. Tôi tự hào là người Việt Nam, khâm phục bản lĩnh anh hùng của nhân dân Việt Nam”./.
Theo Bảo tàng quân sự Việt Nam