Nhà xuất bản Mỹ mua bản quyền ‘Gạc ma – Vòng tròn bất tử’

share on:

Tác phẩm được chuyển ngữ sang tiếng Anh và dự kiến phát hành toàn cầu trong năm nay.

Hôm 8/7, ông James G. Zumwalt – con trai Đô đốc Hải quân Mỹ Elmo Zumwalt Jr. – đại diện NXB Fortis, Florida (Mỹ) đến TP HCM trao đổi việc chuyển thể sách sang tiếng Anh. Toàn bộ tiền từ chuyển nhượng bản quyền Gạc Ma – Vòng tròn bất tử  sẽ dùng để hỗ trợ gia đình của các cựu binh và liệt sĩ Gạc Ma.

Nhà xuất bản Mỹ mua bản quyền 'Gạc ma - Vòng tròn bất tử'

Bìa sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”.

Gạc Ma – Vòng trong bất tử gồm bốn chương. Chương một mang tên Tháng Ba bi tráng. Chương hai là Nén lặng những nỗi đau. Chương ba nói về Ký ức người lính Gạc Ma và cuộc đời hậu chiến. Chương cuối cùng có tên Sự thật lịch sử không thể lãng quên. Hiện, sau chín ngày phát hành 10.000 cuốn sách của đợt in đầu đã đến với độc giả trong nước. Ngày 10/7, Gạc Ma – Vòng tròn bất tửđược tái bản 20.000 cuốn.

Nhà xuất bản Mỹ mua bản quyền 'Gạc ma - Vòng tròn bất tử'

Ông Võ Văn Thưởng (phải) – Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương – mua một cuốn “Gạc ma – Vòng tròn bất tử” ở Đường sách TP HCM vào cuối tuần qua.

Cuốn sách đầu tiên về liệt sĩ Gạc Ma nhằm giúp bạn đọc hình dung rõ nét về diễn biến trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988, cùng chia sẻ nỗi đau, sự mất mát không gì bù đắp của thân nhân những người lính. Những người thực hiện mong ấn phẩm là nén tâm hương của thế hệ hôm nay tưởng nhớ các chiến sĩ hải quân Việt Nam, những người con đã hy sinh thân mình bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc.

Năm 2014, công ty First News đã tổ chức bản thảo sách về sự kiện Gạc Ma. Sau bốn năm theo đuổi với 48 lần biên tập, chỉnh sửa, qua 14 nhà xuất bản, cuối cùng, sách được Nhà xuất bản Văn học cấp quyết định phát hành. Năm 2015, nhiều đơn vị phối hợp thực hiện cuộc đấu giá bức tranh cùng tên cuốn sách Gạc Ma – Vòng tròn bất tử do họa sĩ Bùi Lệ Trang vẽ.

Sáng 14/3/1988, khi bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma – Len Đao – Cô Lin, Trung Quốc ngang ngược đưa tàu chiến đến ngăn cản.

Tại Gạc Ma, lính Trung Quốc có vũ trang cướp cờ, xả súng vào các chiến sĩ hải quân, bắn chìm tàu HQ 604. Tại Cô Lin, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu HQ 505 lao thẳng lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền. Tàu HQ 605 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Len Đao cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy, chìm vào sáng 15/3/1988. 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh, chín người bị Trung Quốc bắt. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma rơi vào tay quân xâm lược từ đó.

Tháng 4/1988, tổ thợ lặn của tàu Đại Lãnh qua khảo sát biết được tàu HQ 605 chìm ở độ sâu 40 m gần bãi đá Len Đao. Việc xác định vị trí của HQ 604 không thể tiến hành do bị quân Trung Quốc liên tục ngăn cản. Hàng chục năm sau, Trung Quốc vẫn không hợp tác để Việt Nam tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Trọng Trường/VNE

Facebook Comments