Nhận diện đúng bản chất vụ việc ngày 9-1-2020 tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức

share on:

Vụ việc nghiêm trọng xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức vào ngày 9-1-2020, làm 3 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT việc thi công tường rào xung quanh sân bay Miếu Môn đang khiến dư luận bàng hoàng, bức xúc trước hành vi hung hãn, côn đồ, coi thường pháp luật của các đối tượng. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những lời lẽ xuyên tạc

Thứ nhất, có thể khẳng định hàng chục héc-ta đất đồng Sênh, xã Đồng Tâm là đất quốc phòng

Mà đã là đất quốc phòng thì mọi dự án đất đai đều phải đặt lợi ích này lên trên và người dân, các tổ chức có nghĩa vụ phải chấp hành khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh.

Theo hồ sơ, năm 1980, Bộ Quốc phòng được giao xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn các xã Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc của huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Tại thời điểm đó, tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) đã bàn giao số diện tích 208ha đất sân bay Miếu Môn cho Bộ Quốc Phòng. Do có sự buông lỏng việc quản lý, nên một số hộ dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đã lấn chiếm đất canh tác, xây dựng công trình trên diện tích này. Sau khi có sự tranh chấp, khiếu kiện đất đai tại Đồng Tâm, Thanh tra Chính phủ và thành phố Hà Nội đã thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm và khẳng định toàn bộ đất sân bay Miếu Môn (địa giới xã Đồng Tâm) là đất quốc phòng.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp đất xây dựng sân bay Miếu Môn năm 1980.

Thứ hai, chính quyền không bao che cho cán bộ để xảy ra sai phạm

Từ sau vụ việc bắt giữ người trái pháp luật tại Đồng Tâm năm 2017, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, các bộ, ban, ngành đã thanh tra, giải quyết tất cả các nội dung người dân kiến nghị, tố cáo về quản lý đất đai ở xã Đồng Tâm. Đối với việc giải phóng mặt bằng một số hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng, Thanh tra thành phố Hà Nội đã kết luận những sai phạm trong việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 14 hộ dân. Đồng thời, xử lý trách nhiệm của gần 30 cán bộ để xảy ra sai phạm, buông lỏng quản lý, trong đó có 14 cán bộ đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các cựu cán bộ xã Đồng Tâm bị xét xử tại tòa án.

Thứ ba, các cơ quan chức năng luôn đối thoại nhằm tạo tiếng nói, sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân để giải quyết vấn đề Đồng Tâm trên cơ sở các quy định pháp luật

Từ năm 2017 đến nay, chính quyền các cấp đã thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân, để thống nhất cách giải quyết bức xúc của người dân liên quan các khiếu nại về đất Đồng Sênh. Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm để có cơ sở pháp lý giải quyết dứt điểm các khiếu nại, thắc mắc.

Ngay trong sự kiện người dân Đồng Tâm bắt giữ trái pháp luật 38 công an và cán bộ tháng 4-2017; mặc dù có thể xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nhưng vì đại cục không để biến thành điểm nóng; chính quyền và công an đã tích cực đối thoại giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Thế nhưng có những người mang danh là tri thức, đại diện cho tiếng nói của nhân dân không biết vô tình hay cố ý lại có những phát ngôn vô cảm, mị dân như “chính quyền phải trả tiền cơm cho dân Đồng Tâm” tức là trả tiền cho các hành vi vi phạm pháp luật. Ở đây cần nhận thức rõ việc bắt giữ công an, cán bộ là hành vi chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật.

Riêng trong năm 2019, thành phố Hà Nội và Thanh tra Chính phủ đã 3 lần tổ chức công bố công khai kết luận thanh tra và kết luận kiểm tra, rà soát, khẳng định toàn bộ đất sân bay Miếu Môn (địa giới xã Đồng Tâm) là đất quốc phòng. Tháng 11-2019, Thanh tra Chính phủ phối hợp với thành phố Hà Nội tổ chức đối thoại với người dân các xã tiếp giáp với sân bay Miếu Môn, trong đó có xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Tại cuộc đối thoại, hầu hết người dân đồng tình với kết luận thanh tra là đất sân bay Miếu Môn (địa giới xã Đồng Tâm) là đất quốc phòng.

Cũng qua đối thoại mà 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng đã nhất trí với kết luận thanh tra và toàn bộ di dời khỏi đất quốc phòng.

Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo thành phố Hà Nội đối thoại với người dân xã Đồng Tâm.

Thứ tư, ông Lê Đình Kình và cái gọi là “Tổ đồng thuận” không đại diện cho người dân Đồng Tâm

Từ năm 2017, ông Lê Đình Kình cùng một số đối tượng luôn tìm cách phá hoại, chống đối chính quyền, kích động người dân hòng trục lợi. Họ tự xưng danh “Tổ đồng thuận” đại diện người dân Đồng Tâm, đấu tranh “đòi đất cho nhân dân” nhưng thực chất vì lòng tham đã lợi dụng việc đòi đất để kêu gọi tiền đóng góp của người dân nhẹ dạ, cả tin, thậm chí móc nối, tìm kiếm và nhận sự hỗ trợ tài chính từ các thế lực thù địch. Đánh đổi với đó chính là các hoạt động gây mất ANTT như: Liên tục sử dụng mạng xã hội để phát tán thông tin quy chụp “chính quyền cướp đất của dân”, cho rằng người dân bị lấy đất canh tác vô cớ, kiện cáo không được giải quyết, bị đẩy đến đường cùng; yêu cầu quốc tế can thiệp, giúp đỡ; họ lập lờ đổi trắng thay đen, biến việc lấn chiếm đất quốc phòng thành đất tranh chấp; biến việc xây dựng trong khu đất quốc phòng thành “cướp đất nhân dân”…

Nhưng thực tế những người này chưa bao giờ có đất ở, đất canh tác trong diện tích đất mà xã Đồng Tâm bàn giao cho Bộ Quốc phòng, nhưng vì lòng tham họ đã cố tình kiện tụng, chống đối. Trong khi đó đây là đất quốc phòng, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bản thân “Tổ đồng thuận” là ai, chính là con cháu, anh em họ hàng nhà ông Kình như Lê Đình Công, Lê Đình Chức là con trai ông Kình; Lê Đình Doanh, Lê Đình Uy là cháu nội ông Kình; Lê Đình Quang là con cháu trong họ ông Kình… Đây mới là lợi ích nhóm, vì lợi ích của phe cánh ông Lê Đình Kình mà hoạt động chống đối.

Thứ năm, các đối tượng chống đối đã lên kế hoạch tấn công lực lượng làm nhiệm vụ từ trước

Khi lực lượng chức năng bắt đầu xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, các đối tượng đã lên kế hoạch, chuẩn bị bom xăng, lưu đạn và hung khí tự chế nhằm tấn công lực lượng chức năng; thậm chí chúng còn hung hăng tuyên bố chấp nhận đổ máu, giữ đất đến cùng ngay trên mạng xã hội Facebook. Có đối tượng còn manh động mang dao đến nhà, đe dọa Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, dọa chém cán bộ Ban Chỉ huy quân sự xã hay đe dọa, chửi bới, lăng mạ những hộ dân chấp nhận di dời.

Số vũ khí, hung khí nguy hiểm mà cơ quan công an thu giữ của các đối tượng.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Tuyển khai nhận: “Cụ Kình (tức Lê Đình Kình) bảo cứ cho 3 thằng chết là chúng nó phải chạy hết”; và “ông Công (tức Lê Đình Công – con của Lê Đình Kình) bảo không cần phải bàn nhiều, đứa nào cứ xông vào là chiến…”. Sau vụ việc, bước đầu lực lượng chức năng thu giữ 8 quả lựu đạn, 38 chai bom xăng, 20 lít xăng, 12 tuýp sắt đầu gắn dao nhọn, 3 hộp pháo sáng, 1 khẩu súng bắn điện, 1 thanh kiếm, 1 búa tại nhà các đối tượng.

Ngoài ra, các đối tượng chống đối còn thu nhận số đối tượng nghiện hút, tiền án, tiền sự làm “đệ tử” để lợi dụng số này phục vụ cho các hoạt động gây rối, mất ANTT tại địa phương, thậm chí là đe dọa, khống chế những người không đồng tình với “Tổ đồng thuận”.

Như vậy, việc tấn công lực lượng công an đã được các đối tượng chuẩn bị, chứ không phải là bị “đàn áp phải vùng lên” như những lời lẽ kích động trên mạng internet.

Thứ sáu, việc tiêu diệt đối tượng chống người thi hành công vụ là hết sức cần thiết và là biện pháp cuối cùng

Rạng sáng ngày 9-1-2020, lực lượng công an tinh nhuệ với trang bị vũ khí hiện đại triển khai đội hình bảo vệ việc thi công tại Đồng Tâm thì các đối tượng đã dùng lựu đạn, bom xăng, quả nổ tấn công nhưng lực lượng công an vẫn kiên trì, tuyên truyền, thuyết phục, kêu gọi các đối tượng không chống đối, hợp tác với lực lượng chức năng trong khi có thể nhanh chóng trấn áp các đối tượng.

Chỉ khi có đổ máu, đánh đổi bằng tính mạng của 3 cán bộ, chiến sĩ công an và các đối tượng điên cuồng chống trả, tiếp tục dùng lựu đạn để tấn công, buộc lực lượng công an phải nổ súng tiêu diệt nhằm bảo đảm an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ cũng như an toàn của người dân xung quanh.

Vụ việc ở Đồng Tâm một lần nữa cho thấy ý đồ, hành vi của những con rối dưới tay các thế lực xấu tìm cách lợi dụng kích động người dân gia tăng sức ép, chống đối Nhà nước, tác động vào tâm lý gây bất ổn xã hội. Cái gọi là “Tổ đồng thuận” không còn là người dân Đồng Tâm mà là băng nhóm tội phạm đi ngược lại lợi ích quốc gia; trong khi hầu hết người dân Đồng Tâm ủng hộ việc thu hồi đất của Bộ Quốc phòng. Bởi vậy, sự tỉnh táo nhận diện và hành động đúng trong vấn đề này là hết sức cần thiết.

Tùng Vân – Trung Kiên/Công an Hà Nội

 

Facebook Comments