Thời gian gần đây, người dân xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy rất bức xúc trước những hành vi, việc làm sai trái của một số đan sĩ Đan viện Thiên An, như: lấn chiếm đất rồi ngang nhiên đặt tảng đá có nội dung không đúng sự thật, bôi nhọ, xúc phạm chính quyền và Nhân dân; ngăn cản, phá hoại việc xây dựng hợp pháp của người dân… Điều đáng nói là những hành vi này có tính hệ thống và đã diễn ra từ nhiều năm trước.
Người dân xã Thủy Bằng bức xúc khi nói về những việc làm sai trái của những người trong đan viện Thiên An
Sáng 2/1/2016, trong lúc thực hiện nhiệm vụ, cán bộ Lâm trường Tiền Phong phát hiện có 61 cây thông tự nhiên ở độ tuổi 50 đến 70 tuổi bị đốn hạ với tổng diện tích hơn 1.000 m2, thuộc Tiểu khu 153, thửa đất số 16, tờ bản đồ số 8, thuộc sự quản lý của UBND xã Thủy Bằng. Đây là số cây thông nằm trong khu vực rừng thông đặc dụng do Nhà nước quản lý, có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh du lịch của địa phương.
Ông Lê Quang Tuấn – cán bộ phụ trách bảo vệ rừng của Lâm trường Tiền Phong cho biết: “Trong lúc phối hợp tuần tra cùng với lực lượng của UBND xã Thủy Bằng, chúng tôi đã phát hiện có dấu hiệu chặt phá rừng đặc dụng tại khoảnh 5, 6, tiểu khu 153”.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Công an tỉnh đã phối hợp cùng các đơn vị, địa phương có liên quan tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ. Do địa điểm xảy ra nằm ở vị trí tiếp giáp giữa đất rừng của Nhà nước do UBND xã Thủy Bằng quản lý và đất của đan viện Thiên An nên các cơ quan chức năng đã có thông báo và đề nghị phía đan viện Thiên An hợp tác cùng điều tra, truy tìm đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi nhận được thông báo, một số đan sĩ đan viện Thiên An không những không phối hợp, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ mà ngược lại đã huy động hơn 40 tu sĩ kéo đến gây áp lực, cản trở. Cụ thể, thời điểm đó, một số đan sĩ đan viện đã dùng dao rựa đe dọa, truy đuổi lực lượng làm nhiệm vụ, đồng thời sử dụng xe múc đất đá chặn đường nhằm ngăn cản các hoạt động tìm kiếm các dấu vết phục vụ công tác, điều tra.
Tại hiện trường, các cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ được 43 khúc gỗ thông, ước tính khoảng hơn 1,437 m3 gỗ có dấu vết cưa mới đang được tập kết tại vườn cam của đan viện, tiếp giáp với Tiểu khu 153. Khi được lực lượng chức năng hỏi về nguồn gốc số gỗ thông này, đại diện đan viện Thiên An liên tục quanh co, trốn tránh, không chịu thừa nhận việc chặt hạ cây, đồng thời còn có thái độ coi thường, công khai thách thức pháp luật.
“Năm 2016, Nhà dòng thuộc đan viện Thiên An lén lút chặt phá trên dưới 64 cây thông, UBND xã đã tiến hành làm việc, lập biên bản để tham mưu báo cáo với cấp trên xử lý nhưng phía đan viện không phối hợp. Cũng từ năm 2016 đến năm 2017, phía đan viện Thiên An tiếp tục có hành vi đào phá, tạo mặt bằng để hòng chiếm đất tại vị trí này. Nguyên khu vực này có trên dưới 200 cây thông, UBND xã rất cố gắng giữ cảnh quan, nên với hành vi đào phá cây, san lấp mặt bằng của phía đan viện, UBND đã nhiều lần lập biên bản, đề nghị phía đan viện ngưng hành vi này nhưng phía đan viện không chấp hành”- ông Tôn Thất Quý Bảo – cán bộ địa chính xã Thủy Bằng cho biết.
Các cơ quan chức năng làm việc với những người của đan viện Thiên An (2 người ở giữa) về hành vi chặt thông trái phép trước đó
Tiếp đó, trong khoảng thời gian cuối tháng 2, đầu tháng 3/2017, một số đan sĩ đan viện đã cưa hạ trái phép 9 cây thông khác trên khu vực đất do UBND xã Thủy Bằng quản lý, giáp ranh với ngôi nhà Tứ giác của đan viện Thiên An, đây đều là những cây thông có tuổi đời trên 60 năm. Sau khi cưa xong các gốc thông, số đan sĩ này lấy lá thông lấp gốc, che giấu hành vi vi phạm. Không chỉ dừng lại việc chặt phá, một số đan sĩ của đan viện còn khoan thân cây để bỏ hóa chất, hay đẻo vỏ thân cây; nhóm lửa đốt quanh gốc khiến những cây thông dù lâu năm nhưng vẫn chết đứng.
Ngày 25/4/2017, một số đan sĩ đan viện Thiên An dùng xe múc để múc đất ở khu vực vườn rau tiếp giáp với con đường dân sinh và phục vụ chữa cháy do UBND xã Thủy Bằng quản lý, dựng 4 trụ bê tông mục đích để làm chòi canh gác lực lượng của chính quyền. Việc làm này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại hàng ngày của người dân địa phương và công tác phòng cháy chữa cháy, nhất là trong mùa hanh khô.
Ngày 18/10/2017, một số đan sĩ đan viện Thiên An dùng xe múc tiến hành múc đất, đào phá thay đổi hiện trạng tuyến đường dân sinh liên thôn Cư Chánh 1 và thôn Kim Sơn do UBND xã Thủy Bằng quản lý, đã lấn vào nền đường 2,5m, chiều dài 12m, chiều sâu 1,5m, lấn chiếm đất của UBND xã khoảng 80m2.
Ông Ngô Viết Chính, người dân xã Thủy Bằng bức xúc: “Người dân chúng tôi bất bình, phản đối phía đan viện Thiên An phá đường dân sinh, đường chống cháy rừng. Chúng tôi đề nghị phía đan viện Thiên An phải làm đường lại để đi cho dễ, nếu không khi cháy rừng thì không có đường nào mà chạy hết”.
Trước những việc làm nhằm phá hoại rừng thông, lấn chiếm đất trái phép của một số đan sĩ đan viện, chính quyền địa phương rất nhiều lần đến lập biên bản, yêu cầu chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật; tuy nhiên phía đan viện luôn tỏ ra bất hợp tác. Nguy hiểm hơn, một số đan sĩ còn tỏ thái độ thách thức, khiêu khích, thậm chí thả chó becgie, dùng hung khí tấn công người thi hành công vụ khiến nhiều người bị thương phải cấp cứu.
Gần đây nhất, do mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai, cùng với việc các đan sĩ thuê xe chở tảng đá… đặt trên phạm vi ngoài vùng đất do đan viện được phép quản lý đã làm dấy lên bức xúc, phản ứng trong cộng đồng Nhân dân xã Thủy Bằng. Chính quyền xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy đã tích cực tiến hành các hoạt động để làm dịu sự bức xúc của người dân cũng như tìm các giải pháp để giải quyết tranh chấp theo đúng quy định của pháp luật.
Nếu các đan sĩ đan viện Thiên An không chấm dứt các hoạt động lấn chiếm đất đai, phá rừng, gây bất an trong khu vực, và nếu việc tranh chấp đất đai giữa đan viện Thiên An với người dân cũng như các đơn vị đã được giao đất, giao rừng quanh khu vực này chưa được giải quyết một cách thấu đáo thì những sự việc đáng tiếc đã xảy ra vẫn có thể còn tiếp diễn, làm ảnh hưởng đến hoạt động tu hành của đan viện, sự ổn định cuộc sống của người dân, cũng như sự bình an của vùng quê thơ mộng này.
Trách nhiệm này thuộc về chính quyền xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, các đơn vị liên quan cũng như của chính đan viện Thiên An.
Bài, ảnh: Anh Khánh Linh/Báo Thừa Thiên Huế