Tuy nhiên, để có được những công trình ấy, ít ai biết rằng, trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt ở Trường Sa, 45 năm kể từ ngày thành lập (6/11/1975-6/11/2020) những người lính Công binh Hải quân đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và cả xương máu mới có thể xây dựng nên những công trình khang trang giữa lòng biển khơi để giữ gìn mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng.
Cuốn Lịch sử Công binh Hải quân ghi lại: “Việc tăng cường sức chiến đấu cho quần đảo Trường Sa những năm sau giải phóng là công việc có ý nghĩa chiến lược và là nhiệm vụ của cả nước mà lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam là nòng cốt. Đây là nhiệm vụ quan trọng, nặng nề, phức tạp và khó khăn, phải làm từng bước, phải làm nhiều năm bởi quần đảo Trường Sa gồm nhiều đảo nhỏ, nằm rải rác trong một vùng biển rộng lớn, xa đất liền, khí hậu lại khắc nghiệt…”
Đại tá Nguyễn Kiều Kinh, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 131 Công binh Hải quân chia sẻ về những ngày đầu cùng đồng đội đi xây dựng đảo: “Đã có những hy sinh vô cùng đáng tiếc khi bộ đội đi tiền trạm. Tàu không cập đảo được, anh em phải chèo xuồng tay để tiếp cận đảo trước. Mới chạm vào mép sóng, những cơn lốc bất ngờ ập đến, xuồng lật, có những chiến sĩ đã lặng lẽ hy sinh nằm ngay mép nước của đảo ở độ sâu không thể cứu được. Mặc dù anh em có những tố chất, những kinh nghiệm để lặn xuống tìm vớt đồng đội lên nhưng vì trời tối, sóng gió nên không còn cách nào… Sáng hôm sau ra vị trí đó để tìm đồng đội nhưng chỉ còn lại đôi giày cao cổ, mấy bộ quần áo nham nhở. Đó là những hy sinh rất thầm lặng, mất mát rất to lớn”.
Trong ký ức của mình, Đại tá Nguyễn Kiều Kinh vẫn hằn in những ám ảnh của năm 1988. Biển Đông cuộn sóng, các thế lực nước ngoài đem quân chiếm đóng trái phép một số bãi san hô ngầm thuộc quần đảo Trường Sa. Bộ đội Hải quân được lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Khu vực biển Trường Sa lúc đó hết sức căng thẳng. Việc xây dựng các công trình và nhà ở trên đảo để bảo vệ vững chắc chủ quyền là vấn đề khẩn trương, cấp bách.
Đại tá Nguyễn Kiều Kinh cho biết: “Lần đầu tiên đi biển, tất cả anh em đều say sóng. Người say ít dìu người say nhiều, cuối cùng cũng ra được đến đảo, đảo- thực chất là bãi san hô giữa mênh mông sóng nước. Lính Công binh Hải quân phải căng bạt dã chiến, ăn ở sinh hoạt trên những chiếc Pông-tông (Pông tông là một cái hộp nổi kín nước, di chuyển do tàu lai dắt đẩy hoặc kéo đi). Xây nhà kiên cố ở đảo chìm vô vàn khó khăn, nhưng gian truân nhất là chuyển đá hộc, đá răm, xi-măng, cát, sắt thép vào nơi tập kết. Tất cả đều bằng sức người với đôi bàn tay trần chuyền tải vật liệu vào đảo. Ðôi bàn tay xây sát, bợt bạt, tróc hết da. Chẳng thế mà thi công ở đảo chìm được ví như “xây thành cổ loa” vậy”.
Có đến Trường Sa mới thấy con người mong manh, nhỏ bé thế nào trước biển nhưng cũng sẽ thấy sức chịu đựng và nghị lực phi thường của những người lính trước biển cả bao la. Những người lính Công binh Hải quân là điển hình cho tinh thần thép nơi đầu sóng ngọn gió. Những ngày đầu, chỉ bằng phương tiện thô sơ nhưng lực lượng Công binh Hải quân đã làm nên những kì tích trong việc xây dựng nên những công trình, làm chỗ dựa cho bộ đội đóng quân trên các đảo cả về vật chất, tinh thần và sức mạnh để giữ đảo.
Thượng tá Vũ Quang Khoát, Phó Chính ủy Lữ đoàn 131 cho biết: “Xây dựng công trình trên đất liền đã khó, xây dựng công trình trên đảo còn khó khăn gấp nhiều lần. Nếu như ở đất liền, xây một căn nhà cấp 1 thời gian khoảng 2 tháng thì ở Trường Sa phải mất 7 tháng, thậm chí là ròng rã cả năm trời. Bởi ngoài thời tiết khắc nghiệt thì việc chuyển tải vật liệu lên đảo là công đoạn tốn nhiều thời gian và công sức nhất. Sức người là vậy mà có ngày những người lính Công binh Hải quân cõng đến cả trăm tấn vật liệu trên vai chuyển từ tàu vào đảo. Đó là những lý do mà tại sao những người lính Công binh ở Trường Sa trên vai đầy những vết chai sần. Những chiếc áo yếm hải quân bạc màu không chỉ vì dãi nắng dầm mưa theo thời gian mà còn rách bươm vì vết cắt của gạch, đá.”
Với kinh nghiệm hơn mười năm đi xây dựng các công trình trên đảo, Thiếu tá Nguyễn Xuân Tình, Tổ trưởng Tổ sửa chữa với nước da đen nhuốm màu nắng gió biển khơi, đôi bày tay đầy đầy vết chai sạn nhưng anh Tình và biết bao những người lính Công binh Hải quân luôn tự hào: “Trường Sa với chúng tôi là máu thịt thiêng liêng nhất. Từng viên đá xây đảo, từng ngôi nhà lâu bền, những ngôi chùa, công trình dân sinh trên quần đảo đã thấm mồ hôi nước mắt và cả máu của tất cả đồng đội”.
Anh Tình chia sẻ: Để tổ chức thi công được các công trình ở Trường Sa, ngoài yêu cầu về kĩ thuật, yêu cầu về mĩ quan và chất lượng công trình thì đòi hỏi lớn nhất là an toàn cho vật liệu xây dựng – đặc biệt là sắt, thép, cát và xi măng tuyệt đối không được để ngấm nước biển. Thứ hai là công trình phải được xây bằng nước ngọt, nên việc người lính công binh đánh rang, tắm nước biển dài ngày mà không tráng nước ngọt để dành nước cho xây dựng là chuyện hết sức bình thường.
Thiếu tá Phạm Tài Bá, Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 131 bày tỏ: Vất vả, gian nan là thế, nhưng thời tiết Trường Sa không phải lúc nào cũng chiều lòng người. Vác được bao xi măng lội trên bãi san hô cả trăm mét nhưng chỉ sơ xảy 1 chút thôi, cả người lẫn vật liệu bị sóng chùm lên là hỏng. Trường Sa lại mưa nắng thất thường, thế nên những người lính có khi vật lộn với nắng gió cả tháng, mong mưa từng ngày mà không mưa, nhưng khi công trình vừa xây xong, bê tông cũng vừa đổ thì trời lại bất chợt nổi cơn giông, sấm chớp ầm ầm, mưa như trút nước.
Mặc dù huy động tất cả áo mưa và những gì có thể che chắn, song những cơn giông quái ác như thế cũng đã cuốn trôi bao công sức của những người lính thợ. Nhìn bức tường vừa xây xong chưa kịp ráo vữa, bê tông chưa kịp khô bị mưa biển cuốn đi, anh em thẫn thờ, chỉ biết ôm nhau khóc. Mưa tạnh, các chiến sĩ lại khẩn trương bắc giàn giáo, trộn hồ xếp từng viên đá vào lòng biển.
Những câu chuyện như thế, khi thi công ở Trường Sa không phải hiếm nhưng “vượt nắng, thắng mưa”, các anh vẫn bền gan, vững chí, quyết tâm chinh phục những khó khăn nơi đầu sóng. Là một trong những người gắn bó với Công binh Hải quân từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Đại tá Đào Văn Bạn, Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 131 Công binh Hải quân đã có hơn 30 năm gắn bó với Trường Sa. Ông không thể nhớ đã đặt chân bao nhiêu lần đến các điểm đảo, vượt qua bao khó khăn thử thách cùng đồng đội thi công các công trình. Mỗi công trình thường kéo dài hàng năm, mỗi lần đi là một chiến dịch.
Song điều đặc biệt là không ai thoái thác nhiệm vụ mà bằng mọi giá vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.Xây công trình ở Trường Sa không có giờ, ngày nghỉ cố định, ngày lễ hay Chủ nhật mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự đỏng đảnh của thời tiết và thi công theo con nước thủy triều. Trong điều kiện sóng cấp 5, cấp 6, các cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 131 vẫn cố gắng khắc phục “át gió, đè sóng” thi công cho kịp tiến độ và thuộc lòng phương châm “bão trong, nắng ngoài”, nghĩa là nếu sóng to, gió lớn thì làm những phần việc trên đảo, trong nhà; khi thời tiết đẹp thì dồn sức, nhanh chóng thi công những hạng mục ngoài biển.
Dân gian có câu “thợ xây không có nhà để ở” – những người lính Công binh Hải quân cũng vậy. Công trường của họ ở Trường Sa là những căn nhà tạm, chỉ có nắng, gió và sóng nên những người lính thợ lặng thầm quanh năm đằm mình trong nắng gió biển khơi. Họ có thể ở nhà tạm bị mưa nắng bủa vây nhưng vật liệu thì luôn được che chắn cẩn thận để xây nên những ngôi nhà khang trang bàn giao cho bộ đội ở rồi lại đến với các công trình khác, lại bắt đầu với những căn nhà tạm nóng nực được dựng vội trên bờ kè, xung quanh là ngổn ngang cát, đá, xi măng…để rồi từ đó, Trường Sa mọc lên những công trình sừng sững, hiên ngang, trường tồn cùng năm tháng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
45 năm qua, câu chuyện xây đảo ở Trường Sa vẫn được các thế hệ cán bộ chiến sĩ Công binh Hải quân ví như truyền thuyết xây “Loa thành của An Dương Vương” thuở trước. Việc xây Loa thành bao năm trời ròng rã, thành xây đến đâu đổ đến đó, đến khi được thần Kim Quy trợ giúp mới xong. Vậy mà giữa Trường Sa đầy bão tố và nắng gió, chẳng cần một sức mạnh thần linh nào, chỉ có tình yêu biển đảo, bàn tay, khối óc và nghị lực phi thường, những người lính Công binh đã dựng nên những “Loa thành” vững chãi trên biển Đông.
Nhiều năm qua, những bước chân không nghỉ, lặng thầm – những người lính Lữ đoàn 131 Công binh Hải quân vẫn và sẽ tiếp tục xây dựng các công trình trên đảo chìm, đảo nổi của quần đảo Trường Sa cũng như các đảo gần bờ từ Bắc vào Nam. Dẫu còn nhiều gian khó, nhưng bằng trách nhiệm, tình cảm của những “người lính thợ” với Trường Sa cùng tinh thần và ý chí thép, các anh luôn luôn mang trong lòng một ngọn lửa, niềm tin, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để luôn xứng đáng và tự hào với tên mà nhà thơ Đỗ Trung Lai đã gọi lính Công binh Hải quân chinh phục biển là: “Những người kê cao Tổ quốc”./.
45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (06/11/1975-06/11/2020), các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, QNCN của Lữ đoàn 131 Công binh Hải quân đã xây đắp lên truyền thống vẻ vang “Anh dũng sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 huân chương Quân công hạng Ba, 1 huân chương Chiến công hạng Nhất, hai Huân chương Chiến công hạng Nhì; 1 Huân chương Chiến công hạng Ba; Lẵng hoa của chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, đặc biệt là danh hiệu 2 lần Anh hùng LLVTND, nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương các loại. Đây chính là niềm tự hào của lớp lớp cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 131 Công binh Hải quân hôm nay và mai sau.