Tính đến ngày 25-7, Việt Nam đã nhận 5 triệu liều vắcxin Moderna viện trợ từ Chính phủ Mỹ qua cơ chế COVAX và 2 triệu liều vắc xin AstraZeneca viện trợ từ Chính phủ Nhật Bản.
Hai cường quốc khác, Nga và Trung Quốc, cũng viện trợ vắc xin cho Việt Nam.
Đây là món quà ý nghĩa của cộng đồng quốc tế, cũng là thành quả từ những nỗ lực của lãnh đạo Việt Nam và ngành ngoại giao nói riêng trong thời gian qua.
Như để minh chứng cho điều này, tháng 7 căng mình chống dịch của Việt Nam sôi động hơn với hai chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Anh và Mỹ.
Hôm 21-7, ông Ben Wallace trở thành vị bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland tới thăm chính thức Việt Nam. Ngày
28-7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ tới Việt Nam cho chuyến công du Đông Nam Á, vốn bị trì hoãn vì tình hình dịch bệnh hồi tháng 6.
Đối với Việt Nam, ý nghĩa của hai chuyến thăm này vượt xa khuôn khổ hợp tác quốc phòng đơn thuần.
Thứ nhất, họ thể hiện sự tôn trọng dành cho hệ thống chính trị Việt Nam và chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Trong khuôn khổ quốc phòng, đó là sự tôn trọng dành cho nguyên tắc “4 không”, bao gồm việc không liên kết với nước này để chống nước kia.
Thứ hai, sự tôn trọng ấy là minh chứng cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng, phù hợp với xu thế vận động của thế giới.
Điều này được Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace minh họa một cách rõ ràng trong buổi nói chuyện của ông tại Học viện Ngoại giao Việt Nam ngày
22-7. “Điều khiến tôi ấn tượng khi ấy, như cách nó đang lặp lại ở chuyến thăm này, chính là sao chúng ta lại có nhiều điểm chung đến vậy, bất kể chúng ta rất khác biệt về hệ thống quốc gia.
Chúng ta chia sẻ rất nhiều giá trị, bao gồm niềm tin rằng mọi quốc gia đều có quyền vạch ra một lộ trình cho riêng mình, thương mại trên toàn cầu, và nắm bắt thời cơ mà những điều ấy mang lại”.
Khi người Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), đó là lúc họ chọn lối đi riêng.
Một cánh cửa khép lại sẽ là lúc những cánh cửa khác mở ra. Anh vẫn hợp tác cùng EU theo một cách thức khác, một cách thức trong chiến lược “Nước Anh toàn cầu” (Global Britain), nơi họ tái xác lập vị trí và vị thế của mình trên bản đồ thế giới.
Trong chiến lược ấy, Việt Nam và Đông Nam Á nói chung là một sự lựa chọn. Điều này cũng tương tự chính sách của Mỹ trong Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Nói cách khác, khi Việt Nam xem đa phương hóa, đa dạng hóa là lựa chọn, các mối quan hệ hợp tác được củng cố một cách tự nhiên.
Việt Nam không nhất thiết phải chọn phe. Sự song trùng về mặt lợi ích và niềm tin vào trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là chất keo kết dính mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước.
Vị thế của Việt Nam tạo ra sự tôn trọng. Nhưng vị thế của Việt Nam cũng sẽ đi kèm những kỳ vọng lớn lao hơn.
Kỳ vọng này có thể được nhìn thấy trong một câu chuyện khiến báo chí bối rối hồi giữa năm 2020, liên quan tới Việt Nam và “Bộ tứ kim cương” (QUAD, gồm: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc).
Thời báo Ấn Độ (Times of India) đã sử dụng cụm từ “QUAD Plus” (Bộ tứ kim cương mở rộng) cho một bản tin về cuộc họp trực tuyến về dịch bệnh COVID-19 giữa “Bộ tứ kim cương” với 3 quốc gia khác gồm Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand.
Trên thực tế, chưa có thông tin chính thức xác nhận đây là “Bộ tứ kim cương mở rộng” hay không.
Nhưng dù đúng hay sai, điều này góp phần cho thấy dư luận quốc tế đang đặt nhiều sự chú ý lên vai trò của Việt Nam – vốn nằm ở vị trí không thể đứng ngoài các cọ xát, cạnh tranh địa chính trị.
Trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ hôm cuối tuần, TS Satoru Nagao (nghiên cứu viên khách mời tại Viện Hudson, Mỹ) cho rằng nhiều nước đang kỳ vọng Việt Nam đóng một vai trò lớn.
“Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của hai thủ tướng Nhật Bản gần nhất (Abe Shinzo và Suga Yoshihide) đều là ở Việt Nam. Cả hai bộ trưởng quốc phòng Anh, Mỹ cũng thăm Việt Nam. Tất cả các nước như Úc, thành viên EU, Ấn Độ… cũng ủng hộ Việt Nam vì họ kỳ vọng Việt Nam giữ một vai trò lớn” – TS Nagao nói.
Nhật Đăng/Tuổi Trẻ