Nguyên giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc Trần Xuân Dinh lặng người khi nghe tin phi công Chu Quang Minh – đồng đội có trình độ bay xuất sắc gặp nạn.
“Tôi quá đau xót”, đại tá Dinh chia sẻ khi được thông báo trực thăng Bell-505 bay ngắm vịnh Hạ Long rơi chiều 5/4 khiến phi công và bốn du khách thiệt mạng. Từng làm việc cùng đơn vị hàng chục năm, Chu Quang Minh trong ký ức đại tá Dinh là một trong những phi công giỏi chuyên môn, sống chan hòa với mọi người.
Cuối những năm 1980, sau khi hoàn thành khóa học lái máy bay ở Liên Xô, Chu Quang Minh là một trong 4 phi công trẻ được điều về Trung đoàn Không quân Hải quân 954 (Trung đoàn trực thăng săn ngầm). Lúc này, Trung đoàn còn đóng quân ở sân bay Cát Bi, TP Hải Phòng và ông Dinh là Biên đội trưởng, trực tiếp huấn luyện, dìu dắt phi công mới.
Nhờ tác phong nhanh nhẹn, thông minh, Chu Minh nhanh chóng khẳng định năng lực, hoàn thành nhiệm vụ được giao và đạt tiêu chuẩn phi công cấp 1 sớm nhất trong 4 người cùng về trung đoàn. Phi công cấp 1 có thể cất hạ cánh trong mọi điều kiện thời tiết, bay được ngày, đêm, giản đơn, phức tạp.
“Là chỉ huy, kèm cặp bay chuyển loại trực thăng chống ngầm, tôi rất hài lòng về trình độ, năng lực của Chu Minh lúc đó. Cậu ấy nắm bắt kiến thức nhanh, động tác bay chuẩn xác nên thường xuyên được tin tưởng giao bài bay khó, như bay tuần tiễu biển xa, có khi xa bờ tới 200 km”, đại tá Dinh nhớ lại.
Tháng 1/2002, Chu Quang Minh được điều động ra Hà Nội, công tác tại Công ty Trực thăng miền Bắc (Tổng công ty Trực thăng Việt Nam – Binh đoàn 18). Vài năm sau đó, ông Dinh cũng chuyển công tác về công ty này, sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc. Lúc này, đồng đội Chu Minh là Chỉ huy đội bay 2.
Công ty Trực thăng miền Bắc hoạt động khắp miền Bắc và Trung nên Chu Minh ngoài nhiệm vụ bay tìm kiếm cứu nạn phức tạp ở rừng núi, biển đảo, bay phục vụ chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), còn phục vụ hoạt động kinh tế quốc phòng như tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở biển.
Do yêu cầu công tác, đặc biệt là nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, đơn vị có chủ trương trang bị máy bay của các nước Âu – Mỹ vào biên chế và phi công Chu Minh được lựa chọn đi đào tạo. “Ngoài học chuyên môn, Chu Minh rất tích cực rèn luyện tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, khai thác tính năng của máy bay mới và trao đổi, giao dịch với những người nước ngoài làm việc trên các giàn khoan”, đại tá Dinh kể.
Trong hàng chục năm gắn bó, ông Dinh nhớ nhất chuyến bay cứu nạn trong cơn bão Sơn Tinh năm 2012 cùng phi công Chu Minh. 19h ngày 28/10/2012, Công ty Trực thăng miền Bắc nhận được đề nghị cấp cứu từ giàn khoan GSF Key Hawai, phía nam TP Hải Phòng. Lúc này giàn khoan có 35 người, nằm trong khu vực bão Sơn Tinh quét qua.
Thời tiết tại khu vực giàn khoan vượt quá giới hạn cho phép đối với máy bay trực thăng. Những người lính một mặt giữ liên lạc với giàn khoan để nắm diễn biến khí tượng, một mặt triển khai công tác bảo đảm cho hoạt động bay ngay trong đêm, sẵn sàng cất cánh khi điều kiện thời tiết cho phép.
Giàn khoan thăm dò sau gần một đêm đã bị sóng to gió lớn làm đứt neo, trôi cách xa vị trí được định vị ban đầu. Việc xác định điểm đến của phi công lúc này rất khó khăn do mưa bão. Toàn bộ hệ thống điện, thông tin liên lạc trên giàn khoan tê liệt, thiết bị nối liền giàn khoan với Công ty Trực thăng miền Bắc là chiếc điện thoại di động duy nhất còn lại của một công nhân trên giàn.
Thông qua chiếc điện thoại này, các phi công được mô tả từ giàn khoan có thể nhìn thấy điểm cao trên 100 m của các đỉnh núi nhỏ nhô lên trên biển. Từ đặc điểm này, vị trí giàn khoan được xác định là khu vực ngoại vi đông nam của vịnh Hạ Long.
Gió bão khoảng 80 km/h, mưa lớn, yêu cầu cứu hộ cứu nạn lại gấp rút, Công ty Trực thăng miền Bắc phải chọn những phi công tốt nhất, có bản lĩnh vững vàng để xử lý tình huống. Bốn người được giao nhiệm vụ là đại tá Trần Xuân Dinh, Đỗ Xuân Hòa và thượng tá Trần Quang Tuấn, Chu Quang Minh.
“Phương án cứu hộ được cấp trên thông qua, chúng tôi bàn bạc phối hợp và cất cánh. Tổ bay Tuấn – Hòa, Dinh – Minh sau đó đã thực hiện bốn chuyến bay, đưa được 35 người ở giàn khoan gặp nạn vào đất liền an toàn”, đại tá Dinh kể.
Ngoài trình độ bay xuất sắc, ông Dinh cũng nhớ rõ hình ảnh phi công Chu Minh vui tính, dễ gần, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Những năm tháng Trung đoàn 954 mới chuyển vào đóng quân tại Đà Nẵng, anh hăng hái giúp đỡ đồng đội dựng nhà, chuẩn bị chỗ ở để đón vợ con vào sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất mới.
Bà Nguyễn Thị Ngân, 55 tuổi, vợ đại tá phi công Chu Quang Minh, nhớ như in những ngày khăn gói cùng chồng chuyển công tác vào Đà Nẵng. Tại đây, vợ chồng sinh con gái đầu lòng năm 1994. Công việc bận bịu, xa nhà biền biệt và cuộc sống khó khăn nên 10 năm sau họ mới dám sinh con thứ hai, hiện học đại học năm nhất.
“Do đặc thù công việc bay cứu hộ nên ngay cả khi không phải đi công tác, chồng tôi cũng không dám đi đâu xa vì có những ca bay cấp cứu đòi hỏi phi công có mặt trong 10 phút. Nhiều hôm đang ăn cơm, có lịch bay là anh bỏ bát bỏ đũa lên đường. Chúng tôi cũng chọn làm nhà cách đơn vị chừng một km để thuận lợi cho công việc của anh”, bà Ngân kể.
Tần ngần nhìn chiếc trực thăng mô hình trưng bày trong nhà, bà nói tin nhắn cuối cùng chồng gửi là thông báo “mai anh bay dưới Hạ Long một tuần”. Trước đó, ông vừa hoàn thành chuyến công tác 10 ngày ở Đà Nẵng, được về nhà nghỉ ngơi hai ngày cuối tuần. “Đến giờ tôi vẫn tự lừa dối bản thân chồng mình chỉ đang đi công tác, nhưng chuyến công tác lần này dài ngày quá, anh ấy sẽ không bao giờ trở về nữa”, bà Ngân òa khóc.
Theo Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, trong 42 năm công tác trong quân đội, phi công Chu Quang Minh là quân nhân mẫu mực, phi công ưu tú, tận tụy trong công việc. Anh sống chan hòa với đồng đội, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp.
“Trong chuyến bay ngày 5/4, khi nhận thấy máy bay gặp sự cố, phi công Chu Quang Minh đã cố gắng đưa máy bay vào đảo Hòn Dép nhưng không thành”, Binh đoàn 18 cho hay.
Do có nhiều cống hiến trong công tác, đại tá Chu Quang Minh đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, huy hiệu 30 năm tuổi đảng, nhiều năm liền được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và các hình thức khen thưởng khác.
Sáng nay, tang lễ của phi công Chu Quang Minh sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Hà Nội.
Phi công Chu Quang Minh nhập ngũ tháng 5/1981, sau đó được đào tạo Phi công tại Trường Fruze, Liên Xô và đào tạo cán bộ chỉ huy tham mưu cấp Trung đoàn tại Học viện Phòng không – Không quân.
Quá trình công tác, ông đã trải qua các chức vụ: Phi công lái chính, Biên đội trưởng thuộc Trung đoàn 954 (Sư đoàn Không quân 372, Quân chủng Phòng không – Không quân); Phi công lái chính, Phó đội trưởng, Đội trưởng Đội bay 2, Công ty Trực thăng miền Bắc; Phó giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc; Trưởng phòng Huấn luyện Binh đoàn 18 kiêm Chủ nhiệm bay Công ty trực thăng miền Bắc.
Theo VNE