“Rò rỉ nhân sự” – chiêu trò tung hỏa mù trước thềm Hội nghị Trung ương 7

share on:
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII khai mạc ngày 07/5/2018 nhưng các “nhà quan sát” thì đã vào cuộc từ lâu và liều lượng tăng dần. 
 

Nhiều người tự gắn cho mình cái mác tri thức, học giả, chuyên gia nghiên cứu, chuyên gia phân tích, bình luận, thậm chí gắn cả mác giáo sư, tiến sĩ dường như để tạo dáng cho lời nói trọng lượng hơn!?

Tại sao Hội nghị Trung ương 7 của Đảng Cộng sản Việt Nam lại hút nhiều “chuyên gia”, “học giả” đến vậy? Điều này xuất phát từ tính chất quan trọng của Hội nghị trong đó có nội dung bàn thảo và quyết định về công tác cán bộ cấp chiến lược của Đảng, Nhà nước.

Có thể nói, xen giữa hai kỳ đại hội Đảng thì Hội nghị Trung ương 7 vào mỗi khoá (hội nghị giữa nhiệm kỳ) thường dành một phần thời gian để Trung ương quyết định công tác nhân sự. Đây là công việc rất quan trọng của Đảng và vì thế luôn thu hút sự quan tâm của người dân.

Cũng bởi vậy, các thông tin đưa ra liên quan đến nhân sự cấp cao dù thông tin không rõ nguồn, chưa được kiểm chứng, thông tin thất thiệt và có cả thông tin bịa đặt lại được truyền tai người này sang người kia với tốc độ chóng mặt, người nghe không rõ thực hư nhưng vì là chuyện “hậu trường” nên nó luôn có sức hút.

Các thế lực thù địch nắm được đặc điểm tâm lý này của người dân nên luôn tìm cách nhào nặn thông tin, gây chú ý, tò mò nhất và tạo ra một kịch bản để người nghe tin là thật.

Những chiêu trò được các đối tượng tung ra trước thềm Hội nghị Trung ương 7 không khó nhận biết chủ yếu là: “rò rỉ thông tin” – cái mà chúng gọi là hậu trường như thư tay, thư tố giác Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương.

Nội dung tố giác dựa vào tiểu sử cá nhân các nhân vật mà chúng biết dư luận đang “hóng”, suy diễn các vụ việc nóng gần đây rồi tìm cách lắp ghép sao cho người nghe, người xem cảm nhận sự logic. Những văn bản này thậm chí còn được đóng dấu đỏ, ký bút màu và cả bút phê bên lề, dấu “tuyệt mật” phía đầu khiến nhìn qua thấy y như thật.

Kỳ thực, nhiều tài liệu được sử dụng bằng kỹ thuật vi tính, soạn thảo theo công thức, biểu mẫu văn bản của cơ quan Nhà nước rồi đóng dấu giả, chữ ký giả hòng lừa bịp dư luận. Chiêu trò nữa là “sắp đặt nhân sự” trong bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể Trung ương. Các đối tượng dựa vào nhân thân các nhân vật, việc quy hoạch cán bộ cũng như nắm bắt xu hướng bố trí cán bộ của Đảng ta để “đón đầu”.

Họ triệt để lợi dụng những thông tin sơ hở trong quá trình hoạt động của các cơ quan, đoàn thể, địa phương để từ đó các đối tượng nhân cơ hội nhào nặn, tung hoả mù.

Từ đó mới có chuyện, Trung ương chưa họp nhưng “ghế” lại được các mạng này bố trí sẵn rồi mặc nhiên mở “hội nghị bàn tròn”, bình phẩm về nhân vật mà họ gọi “sẽ thay thế”. Đáng nói, trong câu từ bình phẩm, có rất nhiều nội dung có tính chọc ngoáy, dụng ý xấu tác động không tốt tới tư tưởng, tình cảm của người dân với cán bộ.

Họ cũng bình luận tính cách cá nhân, xem sự thể trong quá khứ ông đã làm được gì, còn khuyết điểm nào đưa ra rồi mặc nhiên phán hay dở nếu sắp xếp người này vào vị trí (theo dự kiến).

Trong khi đó, những cá nhân chúng tung tin là sẽ thôi chức thì lại nhắm vào các vụ việc gần đây, tự ý suy diễn, gán ghép rất chủ quan để khiến người nghe, người xem tin là có sự liên đới giữa vụ án đang xảy ra, cho rằng đấy là hệ lụy của cuộc “thanh trừng nội bộ”…

Chúng tung ra các video, hình ảnh được lắp ghép với dụng ý xấu nhằm hướng lái người đọc từ vấn đề của cá nhân, của vụ án sang vấn đề chính trị nội bộ trong Đảng, Nhà nước.

Âm mưu của kẻ địch luôn mượn chuyện Đảng ta chống tham nhũng, chống suy thoái, từ việc khởi tố, bắt giam, điều tra, xử lý các vụ việc nổi cộm (như vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ ông Đinh La Thăng, “Vũ nhôm”, “Út trọc”, vụ đánh bạc nghìn tỉ… để xoay ngược, phê phán, suy diễn kiểu quy chụp hòng gây chia rẽ nội bộ, gây hoài nghi trong nhân dân về chuyện “phe cánh”.

Một số hình ảnh, clip còn được cài đặt tự động trên các trang zalo, facebook, you toube… có tốc độ lan truyền lớn. Mục đích của các đối tượng chính là gây hoài nghi giữa người dân với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Chẳng hạn, khi Trung ương quyết định thi hành kỷ luật, cho thôi Ủy viên Bộ Chính trị đối với ông Đinh La Thăng, trên mạng lan tràn các thông tin xuyên tạc, nói rằng đây là minh chứng cho cuộc “ẩu đả”, “đả hổ” giữa các phe phái trong Đảng.

Một số trang mạng lại chế giễu hình thức xử lý kỷ luật này và nói rằng, đó là kiểu kỷ luật quá nhẹ, “vuốt ve”, “mị dân” chỉ xử lấy cớ chứ sự thực “Đảng vẫn bao che, dung túng”.

Nhưng khi ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam, rồi ra toà, cũng chính những trang mạng đó lại trở bút, đưa ra giọng điệu rằng “có biến trong Đảng”, “thanh trừng nội bộ”, “ẩu đả phe phái”…

Tương tự, khi bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, không ít trang mạng suy diễn rằng truy nã chỉ là “cái cớ” còn thực tế ông Thanh đã được thế lực “bật đèn xanh” cho trốn. Tuy nhiên, khi Trịnh Xuân Thanh về đầu thú, rồi đưa ra xét xử, những thông tin sai lệch nhằm vào nội bộ Đảng, Nhà nước lại tiếp diễn với chiều hướng khác…

Cần thấy rằng, chống tham nhũng, suy thoái là cuộc đấu tranh khó khăn, gian khổ, lâu dài bảo vệ cái đúng, cái tích cực, loại trừ cái xấu, các ác diễn ra ngay trong nội bộ, ngay trong đồng chí, ngay trong cấp lãnh đạo của tổ chức đảng, đụng chạm rất nhiều vấn đề về quan hệ giữa con người với con người.

Do đó, việc kiểm tra, kết luận tuân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước với nguyên tắc khách quan, thận trọng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc chúng ta phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn gần đây thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, thể hiện rõ sự thống nhất, đoàn kết trong nội bộ và quyết tâm trong toàn Đảng.

Hiện thực đó là minh chứng hiển nhiên, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bịa chuyện phe cánh, đấu đá trong nội bộ Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ với cử tri, không hay ho gì khi phải xử lý cán bộ, đồng chí của mình nhưng vì sự tồn vong của chế độ, của Đảng đòi hỏi phải làm nghiêm, xử lý nghiêm.

Mong muốn của người dân, đảng viên là công cuộc phòng, chống tham nhũng phải mạnh mẽ, triệt để hơn nữa với các hình thức xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, đây là công cuộc chống “giặc nội xâm” nên không thể nóng vội, các công việc phải làm từng bước, thận trọng, chắc chắn.

Trong cuộc đấu tranh đó, báo chí phải nâng cao tính định hướng, thông tin khách quan, chính xác các vấn đề nảy sinh, tạo sự đồng thuận trong xã hội đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, tạo môi trường ổn định, lành mạnh để phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống cho nhân dân.

ĐĂNG MINH
Facebook Comments