Cuốn sách “Người thầy” của Thượng tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Vịnh viết về cuộc đời thầy của ông là Thiếu tướng Đặng Trần Đức, người được mệnh danh là một trong những “át chủ bài” của lực lượng tình báo quân đội.
Cuốn sách viết về một trong những “át chủ bài” của lực lượng tình báo quân đội. Ảnh: Hà Trần
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức (1922-2004), sinh tại Thanh Trì, Hà Nội; bí danh Ba Quốc, Nguyễn Văn Tá; nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Cục trưởng Cục 12, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, phụ trách lực lượng tình báo phía Nam.
Với 24 năm hoạt động trong hàng ngũ địch, nhà tình báo lỗi lạc đã thu được nhiều tài liệu, tin tức có giá trị của địch cho cách mạng. Trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, ông luôn giữ vững ý chí, phẩm chất đạo đức người cách mạng và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Giai đoạn sau năm 1975, ông có những đóng góp to lớn cho ngành tình báo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thượng tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Vịnh đã ấp ủ viết cuốn sách về thầy của mình – Thiếu tướng Đặng Trần Đức trong nhiều năm qua. Tác giả chia sẻ: “Tôi có một cơ may hiếm hoi trên đời là gặp được một người thầy kiệt xuất, vừa nghiêm khắc, vừa ân cần, dạy dỗ tôi nên người khi mới bước chân vào ngành tình báo, đến khi ông mất 20 năm sau đó”.
“Người thầy” do Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, dày 450 trang, gồm 7 chương với nhiều câu chuyện về ông Ba Quốc từ khi ông hoạt động tình báo ở Campuchia cho tới lúc ông nghỉ hưu ở quân hàm Thiếu tướng tình báo, dưới góc nhìn của người trò Nguyễn Chí Vịnh.
Cuốn sách không nói nhiều về công lao của Anh hùng Đặng Trần Đức (Ba Quốc), mà kể về những trăn trở, hy sinh, những khó khăn phải vượt qua, về đạo đức, tình cảm của ông, đặc biệt là tình vợ chồng, cha con, thầy trò… Đó là những bài học giúp thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ trong quân đội, vững bước hơn trên chặng đường phía trước.
Cuốn sách “Người thầy” chính thức ra mắt ngày 10-2, tại Hà Nội.
Theo Hà Nội mới