Ông Hồ Ngọc Thắng là người Ðức gốc Việt Nam, là cộng tác viên của Báo Nhân Dân các năm gần đây. Ðó là một trong những lý do để ông trở thành mục tiêu vu cáo, bịa đặt của một số địa chỉ truyền thông và cá nhân thiếu thiện chí ở nước ngoài. Ðáng tiếc là căn cứ vào các vu cáo, bịa đặt đó, tháng 8-2017, ông bị nơi làm việc sa thải. Song ông quyết tâm bảo vệ mình trước tòa án. Và tháng 3-2018, quyết định sa thải đã được thu hồi, mọi quyền lợi của ông được khôi phục. Bài viết dưới đây được chính tác giả Hồ Ngọc Thắng gửi đến Báo Nhân Dân cho thấy một số nét chính của sự việc từng được các thế lực thù địch với Việt Nam coi là một… “thắng lợi”!
Ông Hồ Ngọc Thắng trong lần ra thăm đảo Trường Sa
Ngày 9-8-2017, tôi nhận quyết định tạm dừng làm việc, nhận giấy triệu tập đến Cơ quan Liên bang phụ trách di cư và tị nạn (BAMF) của CHLB Ðức vào ngày 10-8-2017. Tại BAMF, tôi được biết lý do triệu tập là hai trạng thái (status) tôi công bố trên facebook cá nhân, một số bài báo và thư của một số người tố cáo tôi, với nội dung như: cho rằng tôi bình luận phiến diện theo ý của Chính phủ Việt Nam; trả lời phỏng vấn của Tổng Giám đốc Ðài Tiếng nói Việt Nam (VOV), là cộng tác viên Báo Nhân Dân, được trao nhiều giải thưởng; so sánh đường lối đối ngoại của Chính phủ Ðức với chiến tranh ở Việt Nam; không che giấu sự trung thành đối với Việt Nam, đăng bài trên Báo Nhân Dân để phê phán dân biểu Ðức Patzelt (Pát-xê) và Vũ Quốc Dụng; trong các bài viết đã sử dụng kiến thức thu thập từ công việc tại Cơ quan Liên bang, tức là không tôn trọng nguyên tắc trung lập về chính trị…
Ông Hồ Ngọc Thắng cùng đồng đội thăm lại Thành cổ Quảng Trị
Các câu hỏi của đại diện BAMF đều được tôi trả lời thấu đáo. Tuy nhiên, ngày 23-8-2017 qua đường bưu điện, tôi nhận quyết định sa thải, với lý do là các cáo buộc mà ban lãnh đạo cho tôi biết hôm 10-8-2017. Tình huống này làm tôi hiểu rằng, cơ quan không có cách hành xử nào khác, họ không thể chỉ tiếp nhận phản biện của tôi thông qua lời nói.
Như vậy, sự việc phải được một bên thứ ba độc lập tiến hành kiểm tra nghiêm túc để bảo đảm tính chất một nhà nước pháp quyền. Và bên thứ ba chỉ có thể là tòa án, quan tòa. Ngày 28-8-2017 tôi đệ đơn khiếu nại tại Tòa án Gera (bang Thüringen – Ðức). Sau khi thụ án, Tòa án yêu cầu nơi ra quyết định sa thải tôi trình bày chi tiết lý do dẫn đến quyết định sa thải với chứng cứ cụ thể. Ðầu tháng 12-2017, tôi nhận được phần trình bày tỉ mỉ lý do sa thải, xem thư tố cáo của các cá nhân. Về cơ bản, những cáo buộc đưa ra hôm 10-8-2017 vẫn được nhắc lại, được coi là bằng chứng của thủ tục kiện tụng. Dự kiến phiên tòa sẽ tiến hành ngày 22-2-2018.
Ngày 28-12-2017, tôi gửi tới Tòa án lời phản biện và chứng cứ. Tôi khẳng định status bày tỏ suy nghĩ, bình luận mà tôi công bố trên facebook cá nhân là một ý kiến khách quan, bảo đảm tính trung lập, nguồn thông tin sử dụng là từ Báo miền Nam Ðức và hãng DPA. Bản dịch tiếng Ðức của status này mà bị đơn đưa ra rất không chính xác, câu chữ sử dụng để “kết tội” tôi đều được dịch không đúng nội dung. Tiếp đó tôi khẳng định chưa bao giờ trả lời phỏng vấn của ông Tổng Giám đốc VOV. Trong văn bản giải thưởng báo chí đối ngoại của Việt Nam ghi Hồ Ngọc Thắng là cộng tác viên, nhưng khái niệm cộng tác viên ở Việt Nam hoàn toàn không tương ứng với khái niệm này ở Ðức. Vì ở Ðức, người được gọi là cộng tác viên phải ký hợp đồng, ký cam kết, thỏa thuận về thù lao… Trên thực tế, tôi là tác giả tự do, hoạt động độc lập, không ký hợp đồng, không ký cam kết, thỏa thuận thù lao,… với bất kỳ tờ báo nào ở Việt Nam. Xem xét hai bài báo tôi được trao giải thưởng sẽ thấy tôi đã tuyên truyền cho Nhà nước CHLB Ðức. Bài được trao giải A của Báo Nhân Dân năm 2015 là tổng thuật giới thiệu về công trình nghiên cứu của Viện Institut der deutsche Wirtschaft Köln – một viện nghiên cứu danh tiếng ở Ðức, với bạn đọc Việt Nam. Bài được trao giải thưởng báo chí đối ngoại năm 2015 ca ngợi chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Ðức, ca ngợi quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, vạch rõ thủ đoạn của Vũ Quốc Dụng lợi dụng cái gọi là phiên điều trần của Quốc hội Ðức để xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Tôi có lý khi phê phán dân biểu Ðức ông Patzelt. Tôi công khai tỏ thái độ trung thành với Tổ quốc Việt Nam, song điều đó không có nghĩa tôi không trung thành với nước Ðức. Vì với tôi, Việt Nam là mẹ đẻ, Ðức là cha nuôi, một người con nghiêm túc phải yêu cả mẹ đẻ và cha nuôi của mình. Tôi công bố các bài báo và status trên facebook với tư cách một công dân bình thường, chỉ có người khác coi tôi là chuyên gia luật, cho dù tôi đã học luật, từng nghiên cứu khoa học về luật, nhiều năm nay vẫn xuất hiện trước tòa án với tư cách luật sư đại diện quyền lợi của một cơ quan thuộc Chính phủ Ðức.
Đầu tháng 1-2018, BAMF cho tôi biết: Kết quả kiểm tra, ý kiến phản biện, chứng cứ tôi đưa ra cho thấy những lý do dẫn đến quyết định sa thải tôi là không có cơ sở, BAMF muốn hủy quyết định sa thải. Như vậy, nếu hủy quyết định sa thải, tôi sẽ tiếp tục làm việc hơn một năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, BAMF cho rằng, việc tôi tiếp tục đi làm là bất cập với cả hai bên, cho nên BAMF kêu gọi tôi chấp nhận đề nghị và kết thúc công việc tại BAMF vào ngày 31-3-2018, Chính phủ sẽ trả cho tôi một khoản tiền đền bù bảo đảm đầy đủ thu nhập như tôi vẫn làm việc; tuy nhiên tôi phải cam kết tuyệt đối giữ bí mật về con số cụ thể; đồng thời tôi sẽ nhận được một đánh giá tốt về cống hiến trong 27 năm làm việc, lời cảm ơn của BAMF, bộ phận nơi tôi làm việc sẽ tổ chức chia tay với tôi trong tháng 3-2018. Nếu đồng ý với đề nghị, tôi chỉ cần thông báo đến Tòa án Gera về thỏa thuận, Tòa án sẽ không ra phán quyết. Và tôi chấp nhận đề nghị này, vì qua đó tôi đã được phục hồi 100% về phương diện pháp lý, chính trị, tài chính. Và ngày 1-2-2018, Tòa án Gera ra nghị quyết xác nhận thỏa thuận giữa hai bên, và kết thúc thủ tục kiện tụng.
Ngày 15-3-2018, cơ quan đã tổ chức gặp mặt chia tay, và tại đó, trước cán bộ và nhân viên, thủ trưởng chi nhánh đã cảm ơn tôi về những cống hiến trong 27 năm làm việc. Các đồng nghiệp chúc mừng, chia sẻ thắng lợi của tôi. Ngày 6-4-2018, tôi đã nhận được bản nhận xét của lãnh đạo cơ quan về quá trình làm việc, trong đó viết rõ: “Trong khi thực hiện các công việc trong chức trách của mình, ông Hồ (Hồ Ngọc Thắng – người dịch) tỏ ra có kiến thức chuyên môn vượt trội và đã vận dụng thành công các kiến thức này. Thể hiện qua việc ông nhanh chóng nhận biết và phân tích vấn đề một cách kỹ lưỡng. Ông thường xuyên làm việc một cách đáng tin cậy, chuẩn xác, chủ động từ sáng kiến và sẵn sàng nhận nhiệm vụ với chất lượng cao. Ông Hồ (Hồ Ngọc Thắng – người dịch) có thể diễn đạt rõ ràng các sự việc và truyền tải một cách thuyết phục. Khả năng phán đoán của ông được thể hiện qua tư duy rõ ràng và hợp lý, điều đó đã giúp ông có thể đưa ra các phán quyết chắc chắn. Ông cũng luôn linh hoạt, thích nghi có hiệu quả với những điều mới mẻ, và đã làm việc với cống hiến to lớn, theo đuổi mục tiêu với sự kiên trì, đạt được kết quả tốt ngay cả khi khối lượng công việc nặng nề. Chúng tôi luôn thấy rất hài lòng với những thành quả mà ông đã đạt được. Tinh thần làm việc của ông Hồ (Hồ Ngọc Thắng – người dịch) luôn ở mức hoàn hảo, đồng thời ông luôn đồng cảm và lắng nghe một cách cầu thị. Vì thế, ông đã được cấp trên và đồng nghiệp đánh giá rất cao. Bên cạnh đó, ông Hồ (Hồ Ngọc Thắng – người dịch) còn thể hiện tinh thần hỗ trợ, hợp tác trong cơ quan, luôn sẵn sàng hỗ trợ người khác, và chấp nhận sự phê bình. Qua Bản nhận xét này, chúng tôi cảm ơn ông Hồ (Hồ Ngọc Thắng – người dịch) vì đã cùng làm việc lâu năm, chúc ông tiếp tục đạt nhiều thành tích, có mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống riêng tư và sự nghiệp của ông trong thời gian tiếp theo”.
Vậy là tới tháng 8-2017, tôi đã làm việc hơn 27 năm tại BAMF. Vào ngày làm việc đầu tiên, tôi được giao nhiệm vụ là một quyết định viên độc lập (tiếng Ðức: Einzelentscheider), sau 5 năm tôi đã được giao thêm vai trò là một đại diện của BAMF trong các thủ tục xét xử trước tòa án hành chính. Ngoài ra, trong hơn hai thập kỷ qua, tôi vẫn được giao trách nhiệm giúp đỡ về chuyên môn với một số nhân viên mới vào làm việc. Trước năm 2012, do quy định của cơ quan, tôi không được xuất hiện trên phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Sau khi có quy định mới, từ năm 2013 tôi tham gia facebook và bắt đầu viết báo. Nhiều bài báo, ý kiến đã thể hiện rõ ràng thái độ của tôi với một số người lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí để xuyên tạc Việt Nam. Vì thế, tôi trở thành “cái gai” trước mắt họ, và sự phối hợp giữa một số người làm báo bất lương tại một số địa chỉ truyền thông ở Ðức và phương Tây, kết hợp một số trang facebook cá nhân tổ chức chiến dịch bịa đặt, dựng chuyện để vu cáo, vu khống, thóa mạ tôi vừa qua là cách họ tiến hành nhằm “nhổ cái gai Hồ Ngọc Thắng”, rồi qua báo chí, họ đã thể hiện sự hỉ hả như thế nào khi tôi bị sa thải. Nhưng như người Việt Nam vẫn nói, “bàn tay không che nổi mặt trời”, rốt cuộc mọi cố gắng của một liên minh ma quỷ đã thất bại thảm hại, sự thật đã được chứng minh, công lý được thực hiện. Có thể nói, sự kiện liên quan đến tôi vừa qua càng cho thấy điều hiển nhiên là trên trái đất này, cái xấu không bao giờ có cơ hội cản bước những người lương thiện!
HỒ NGỌC THẮNG (CHLB Ðức)/Báo Nhân dân