Một tuần qua, một số fanpage đã tranh thủ “ăn theo” sự kiện VinFast công bố ôtô và xe máy điện để thực hiện chiêu lừa tặng xe. Những trang này cố tình đặt tên dễ gây nhầm lẫn như “VinFast – xe của người Việt” rồi chia sẻ thông tin “tặng 10 xe LUX A 2.0 cho những khách hàng may mắn”. Để được tặng, người xem phải bấm thích (Like) fanpage, bình luận màu sơn yêu thích kèm số điện thoại di động và chia sẻ công khai lên trang cá nhân.
Một status “tặng” xe VinFast có hàng nghìn bình luận và chia sẻ.
Dù chiêu lừa không mới và từng được cảnh báo, đoạn trạng thái vẫn nhận được hơn 3.000 lượt thích, hơn 1.800 lượt chia sẻ cùng 2.100 bình luận. Chỉ một số nhỏ các bình luận cảnh báo đây là trò lừa đảo, trong khi đa số vẫn làm theo yêu cầu.
Hồi tháng 6, fanpage “chính chủ” của VinFast (có kèm dấu tích xanh) cũng khuyến cáo người dùng về những tài khoản mạo danh công ty, khẳng định họ chỉ có một trang duy nhất.
Theo Thế Lạng, một người làm lĩnh vực marketing trên Facebook tại TP HCM, chiêu lừa này đã xuất hiện nhiều năm nhưng vẫn tái diễn. Điểm chung là kẻ lừa đảo đăng một bài viết về chương trình khuyến mãi đặc biệt, kêu gọi mọi người bình luận chia sẻ thông tin để có cơ hội trúng thưởng. “Chúng đánh vào sự nhẹ dạ cả tin, mong trúng thưởng và tâm lý “không mất gì” của người dùng mạng”, anh Lạng giải thích.
Khi đạt một tượng like nhất định, giá trị của fanpage cũng tăng lên. Lúc đó, người tạo trang sẽ đổi tên và bán lại cho người khác, hoặc đăng quảng cáo kiếm tiền. Trong một số trường hợp, fanpage còn được dùng để phát tán tin giả hoặc các nội dung không lành mạnh.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, những trang này còn có nguy cơ đánh cắp dữ liệu người dùng, nhất là với những tài khoản có mức bảo mật lỏng lẻo, không kích hoạt bảo vệ hai lớp. “Chỉ cần một đường link lạ dẫn đến website đánh cắp dữ liệu có giao diện đăng nhập tương tự Facebook hoặc có đính kèm virus, kẻ xấu có thể khiến người dùng “dâng” tài khoản. Sau đó, chúng có thể dùng nó để đi lừa đảo”, ông Thắng giải thích. “Nếu thông tin thu thập được nhiều hơn, như số điện thoại, kẻ gian sẽ dùng nó cho mục đích quảng cáo”.
Chuyên gia này cho rằng, trước khi chia sẻ nội dung nào đó, người dùng cần tìm hiểu về độ uy tín của nó. “Thông thường, trang cá nhân hoặc fanpage uy tín sẽ có dấu tích màu xanh để xác nhận. Nếu không, tốt nhất không nên làm theo các yêu cầu, không cung cấp bất cứ thông tin gì để tránh bị lợi dụng”, ông Thắng đưa ra lời khuyên.
Theo VNE