Singapore có quan hệ tốt với cả Mỹ và Triều Tiên lại nằm trong tầm bay của chuyên cơ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Cuối cùng thì Singapore chứ không phải Bàn Môn Điếm trên biên giới liên Triều sẽ trở thành chứng nhân cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Đây cũng là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo đương nhiệm của hai quốc gia từng đối đầu trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) gặp nhau.
Tổng thống Trump kỳ vọng sẽ có một cuộc gặp “ý nghĩa” với ông Kim Jong Un tại đảo quốc sư tử.
Nói như Washington Post của Mỹ, việc ông Trump gặp ông Kim có thể được ví như “khoảnh khắc Richard Nixon tới Trung Quốc” năm 1972.
Chuyến thăm của ông Nixon khi ấy đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện quan hệ Trung – Mỹ, chuyển từ đối đầu sang hợp tác và làm thay đổi cục diện quan hệ quốc tế theo những hướng khiến người khác bất ngờ vài năm sau đó.
Việc Singapore được chọn khiến nhiều người bất ngờ bởi trên bình diện công khai quốc gia này hầu như lặng tiếng, chỉ hoan nghênh chung chung chứ không ngỏ ý như Indonesia hay Thụy Điển, Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, theo trang Quartz, việc chọn Singapore là hoàn toàn hợp lý bởi các lý do sau:
– Thứ nhất, cả Mỹ và Triều Tiên đều có quan hệ tốt với Singapore
Có khoảng 30.000 người Mỹ đang sinh sống và làm việc tại Singapore. Văn phòng lớn nhất Đông Nam Á của các tập đoàn lớn của Mỹ như Google, Facebook đều đặt tại đảo quốc 5,6 triệu dân này.
Trong khi đó, việc tàu chiến Mỹ thường ghé cảng của Singapore dường như không làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa nước này với Triều Tiên.
“Singapore không phải là đồng minh hiệp ước của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Philippines”, cựu đại sứ Singapore tại Mỹ Chan Heng Chee viết trên Washington Post.
“Việc Singapore cho phép các tàu chiến hay máy bay Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của nước này không phải là sự phản ứng trước những diễn biến gần đây. Nó dựa trên một thỏa thuận có từ năm 1990”, bà Chan nhấn mạnh.
Singapore thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên năm 1975 và là một trong 47 nước có đại sứ quán của Bình Nhưỡng. Cho tới năm 2016, Singapore là một trong 8 nước miễn thị thực cho công dân Triều Tiên, theo Quartz.
– Thứ hai, bề dày kinh nghiệm trên trường quốc tế của Singapore
Năm 2009, Singapore đón ông Barack Obama trong chuyến thăm chính thức đầu tiên với tư cách tổng thống Mỹ. Khách sạn Shangri-La của Singapore được chọn làm nơi lưu trú của nhà lãnh đạo Mỹ.
Đến năm 2015, Singapore lại một lần nữa trở thành chứng nhân lịch sử cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu. Hai nhà lãnh đạo cũng được bố trí ở Shangri-La.
Không kể các lần đột xuất khác, Singapore đã hai lần tổ chức thành công thượng đỉnh ASEAN năm 2007 và 2018 cũng như hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo APEC năm 2009 quy tụ lãnh đạo 21 nền kinh tế, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc…
– Thứ ba, Singapore nằm trong tầm bay của chuyên cơ Triều Tiên
Lý do Bàn Môn Điếm trên bán đảo Triều Tiên nằm ngoài danh sách không được tiết lộ nhưng có thể xuất phát từ lý do đảm bảo an ninh cho Tổng thống Mỹ Trump.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong chuyến thăm bí mật tới thành phố Đại Liên ngày 7 và 8-5 đã sử dụng chuyên cơ, đánh dấu chuyến đi nước ngoài đầu tiên của một lãnh đạo Triều Tiên bằng máy bay.
Chammae-1, chuyên cơ của nhà lãnh đạo Triều Tiên, chỉ đủ hoạt động trong tầm bay khoảng 5.000km.
Về lý thuyết, ông Kim Jong Un có thể đi tới Singapore bằng xe lửa như ông và cha của ông đã từng làm nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian và công tác đảm bảo an ninh. Việc di chuyển bằng chuyên cơ do vậy sẽ tiện lợi hơn.
Singapore cũng không có gì khó khăn cho việc di chuyển của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đảo quốc này chỉ cách Bình Nhưỡng 4.700km, hoàn toàn trong tầm hoạt động của chuyên cơ Chammae-1.
– Thứ tư, cảm giác trước giờ G
Ý tưởng Bàn Môn Điếm từng bị chỉ trích và phản đối gay gắt bởi một số nhà ngoại giao Mỹ cho rằng đó là cử chỉ hạ mình trước Triều Tiên.
Luồng ý kiến này dựa trên lập luận chiến lược gây áp lực tối đa nhắm vào Bình Nhưỡng của ông Trump trong hơn 1 năm qua đã buộc Triều Tiên phải ngồi vào bàn đàm phán.
Vì thế, việc Tổng thống Trump thân chinh tới Hàn Quốc, bước qua ranh giới liên Triều, bắt tay nhà lãnh đạo Kim Jong Un với những người này là khó chấp nhận với tư cách là “người chiến thắng”.
Luồng ý kiến này ủng hộ chọn Singapore trở thành địa điểm cho cuộc gặp, nơi sẽ tạo cảm giác cả hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều cùng đến chứ không phải ai đến vì ai.