Thông tin giả luôn được lan truyền với tốc độ nhanh hơn và được phát tán rộng rãi hơn rất nhiều so với thông tin thật.
Vấn nạn tin giả với dụng ý bóp méo sự thật đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị-xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, thậm chí nó còn đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia.
Tin giả xuất hiện ngày càng nhiều, đe dọa trực tiếp đến an ninh, trật tự xã hội. (Ảnh minh họa: KT)
Trong cuộc đảo chính bất thành của phe đối lập tại Venezuela ngày 30/4 vừa qua, Tổng thống Nicolas Maduro đã bác bỏ thông tin của Mỹ rằng, ông có kế hoạch chạy sang Cuba nhưng được Nga thuyết phục ở lại Venezuela. Theo người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, thông tin này là giả mạo. Trả lời CNN, bà Zakharova nhấn mạnh: “Washington đã cố gắng hết sức để hạ bệ quân đội Venezuela và hiện sử dụng tin giả như một phần của cuộc chiến thông tin”.
Cũng trong tháng 4 này, sau các vụ khủng bố đẫm máu làm hàng trăm người thiệt mạng, các quan chức chính phủ Sri Lanka đã ra thông báo, chặn các trang mạng xã hội lớn, các ứng dụng tin nhắn, bao gồm Facebook và Whatsapp. Quyết định được thực hiện trên toàn lãnh thổ Sri Lanka để ngăn chặn việc lan truyền những thông tin sai lệch và các tin đồn gây hoang mang về loạt vụ đánh bom.
Tin giả trên Internet, cách đây khoảng 10 năm thường chỉ là những sáng tác mang tính hài hước hay giả tưởng thì giờ đây đã là một ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu những “yếu tố gây ảnh hưởng lớn nhất” trong xã hội.
Với 64 triệu người sử dụng Internet, chiếm 67% dân số, đến cuối năm 2018, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Các thiết bị thông minh đã trở nên phổ biến và quen thuộc, gắn với sinh hoạt, học tập, lao động của của hầu hết người dân.
Bên cạnh những lợi ích to lớn, chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức không nhỏ từ không gian mạng, thậm chí đe dọa đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Trong đó, phải kể đến những ảnh hưởng tiêu cực từ các thông tin xấu, độc được lan truyền trên mạng cũng như vấn nạn tin giả – Fake News. Tại một hội thảo gần đây ở Hà Nội, đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao – Bộ Công an nhận định, vấn nạn tin giả hiện nay đang gây “nhức nhối”, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân.
Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. (Ảnh minh họa: KT)
Trên thực tế, hàng loạt vụ việc đăng tải thông tin giả mạo thời gian qua đã làm ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội, gây tâm lý hoang mang, bức xúc như: thông tin “máy bay rơi tại sân bay Nội Bài năm 2017”, “Hàng loạt trẻ em nhập viện vì ngộ độc thịt lợn có chứa thuốc an thần”, thông tin về trường mầm non sử dụng thịt lợn nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh… Gần đây nhất (sau Tết âm lịch), trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xuất hiện tình trạng một số đối tượng tung tin giả, thậm chí làm giả văn bản của lãnh đạo TP. Đà Nẵng nhằm tạo cơn “sốt” đất. Những hành động trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự, khiến dư luận bất an.
Trước đó, trên mạng xã hội facebook còn xuất hiện tài khoản giả mạo mang tên “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam” nhằm đánh lạc hướng dư luận, gây nhiễu loạn thông tin, khiến cư dân mạng không phân biệt đâu là thật, đâu là giả.
Nguy hiểm hơn, tại thời điểm tháng 6/2018, để hà hơi, tiếp sức cho các vụ bạo động tại Bình Thuận nhằm phản đối Dự luật đặc khu và An ninh mạng, một số người đã lợi dụng triệt để mạng xã hội để tuyên truyền, kích động người dân bằng những thông tin, hình ảnh làm giả, cắt ghép. Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong sáng 10/6/2018, một số người tuyên truyền trên mạng rằng, ở khu vực hồ Hoàn Kiếm có đông người biểu tình nhưng thực tế không có việc đó.
Trước mối đe dọa “thật” của nạn “tin giả”, Luật An ninh mạng của Việt Nam cũng như các điều luật tương tự của nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những chế tài nghiêm khắc. Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua vào tháng 6 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, trong đó quy định cấm các “thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế, xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.
Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3/2019 vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TT&TT nghiên cứu, có biện pháp xử lý thông tin giả trên mạng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 8/2019.
Hàng loạt các quốc gia trên thế giới cũng coi “tin giả” là một vấn nạn. Ngay tại quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Chính phủ nước này vừa đề xuất một Dự luật, trong đó quy định “những ai có hành vi phát tán các thông tin sai sự thật có chứa nội dung cố ý gây hại tới lợi ích của công chúng sẽ phải đối mặt với án tù giam lên tới 10 năm”. Malaysia, Campuchia cũng thông qua đạo luật riêng về “tin tức giả”.
Theo luật của Campuchia, bất cứ ai đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội hoặc trên các trang web có thể bị phạt tù lên tới hai năm và bị phạt tới 1.000 USD. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/3/2019 cũng ký ban hành và công bố hai đạo luật, theo đó sẽ phạt nặng các hành vi phổ biến tin giả mạo và xúc phạm biểu tượng Nhà nước trên mạng (online).
Kết quả nghiên cứu của MIT (Viện công nghệ Massachusetts – Mỹ) cho thấy, tin “giả” luôn được lan truyền với tốc độ nhanh hơn và được phát tán rộng rãi hơn rất nhiều so với tin thật. Hệ lụy của việc lan truyền “tin giả” không chỉ dừng lại ở những cá nhân đơn lẻ, những nhóm người ở từng địa phương nhất định mà còn có tác động rộng lớn hơn rất nhiều, đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia.
Bởi vậy, tăng cường kiểm soát thông tin trên không gian mạng là trách nhiệm của Chính phủ nhiều nước trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh mạng quốc gia, việc nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng cho mọi tầng lớp trong xã hội là việc làm hết sức cần thiết./.
Quốc Phong/VOV.VN