“Thứ trưởng của chúng ta” và ghế hạng thương gia

share on:

Trong khi Trung ương đề cao tinh thần nêu gương, liệu ai trong số những người đang hưởng thứ quyền lợi riêng tự giác làm gương

“Tôi có biết trong một chuyến công tác từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh, thứ trưởng của chúng ta thì ngồi hạng thương gia, trong khi lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) họ đều ngồi ghế hạng phổ thông, trao đổi với nhau những câu chuyện bên lề rất vui vẻ”.

Vị trí ghế ngồi hạng Thương gia trên máy bay Vietnam Airlines – Ảnh: Zing

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh đã phát biểu như thế tại cuộc thảo luận bàn tròn về dự thảo dự toán ngân sách năm 2019, tổ chức hôm 29/10 tại Hà Nội.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, từng phát hiện những góc khuất trong bức tranh kinh tế đất nước, và hơn hết, ông là người thẳng thắn nói ra, không ngại va chạm.

Hình ảnh “Thứ trưởng của chúng ta” và lãnh đạo của những định chế tài chính hàng đầu thế giới WB, IMF sử dụng hai hạng ghế khác nhau trên cùng một chuyến bay nội địa chưa đến 2 giờ bay, mà “những người ngồi hạng ghế phổ thông trao đổi với nhau những câu chuyện bên lề rất vui vẻ” là những hình ảnh tương phản, những chi tiết biết nói, chuyển tải thông điệp thú vị, nhưng chẳng hề vui.

Nhìn người, trông ta, ngẫm ra nhiều chuyện. Tiến sỹ Lê Đăng Doanh kiến nghị, cần nghiêm túc cân nhắc, quyết định các khoản chi thường xuyên, cắt giảm những khoản chi không cần thiết, vượt khỏi thông lệ quốc tế.

Nhưng ai sẽ là người làm việc này?

Nhiều người nước ngoài từng nhận xét người Việt Nam còn nghèo nhưng thích chơi sang. Đó là một thực tế không hề tích cực. Nhà giàu chơi sang, đã đành, dù chưa hẳn đã hay. Nhà nghèo chơi sang thì chẳng khác mấy kẻ xắn tay đốt nhà táng. Quan chức chơi sang lại là chuyện khác nữa. Một bộ phận trong giới quan chức nước nhà, không chỉ là trong hàng những “Thứ trưởng của chúng ta”, hình thành thói quen thụ hưởng, xài sang hơn là hết lòng cống hiến. Mà họ chơi sang, xài sang hơn người trong bối cảnh nước còn nghèo, dân còn khổ, đồng vốn dành dụm cho đầu tư phát triển thiếu trước hụt sau. Hiệu suất công việc của họ, so với quan chức các nước trong khu vực chưa hẳn bằng ai. So với lớp người đi trước họ hơn hẳn sự hưởng thụ mà kém hẳn tinh thần phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Vốn lẽ của đau, con xót, nhưng với họ, chẳng hề đau, không hề xót, vì đồng tiền mà họ xài sang ấy không phải từ mồ hôi nước mắt của cá nhân họ. Tiền nhà nước, tức tiền của dân, xưa nay vốn được xem là tiền chùa, mặc sức tiêu xài. Đáng lý, đồng tiền của dân, mọi việc chi tiêu phải thận trọng, liệu cơm gắp mắm, xét đoán thái độ của dân. Oái oăm, người đề ra những chính sách liên quan đến chi tiêu thường xuyên từ nguồn ngân sách -những hạn mức, chế độ, tiêu chuẩn dành cho việc đi lại, tiếp khách, ăn ngủ… – gắn với chức tước, lại đồng thời là đối tượng được thụ hưởng chính sách đó. Như thế thật khó để có chính sách phù hợp, khách quan, phản ánh nền công vụ hướng tới liêm chính, vì dân. Như thế, không khó để lý giải vì sao việc khoán chi phí phương tiện đi lại cho quan chức được nhìn nhận là “ích nước lợi nhà”, lại khó trở thành hiện thực đến thế. Không hiếm cơ quan, bộ, ngành, địa phương không chỉ tận dụng triệt để chế độ chính sách chung, mà còn lạm dụng, vận dụng, “vẽ” thêm chính sách theo hướng có lợi cho quan chức. Chưa đủ tiêu chuẩn thì vận dụng “tương đương”, “hàm”… Thích đi xe sang, đắt tiền thì nại lý do “đối ngoại”, “thể diện quốc gia” để lách chính sách, dễ bề mua sắm hoặc gợi ý doanh nghiệp biếu tặng. Quyền lợi thì “kém miếng khó chịu”, nhưng khi đụng đến trách nhiệm thì quay lưng, đánh trống lảng. Quan chức càng nhiều đặc quyền đặc lợi thì bệnh ham hố quyền chức, tham quyền cố vị càng nặng nề, tình trạng tham ô, nhũng nhiễu càng khó bề ngăn chặn và đôi gánh trên vai người dân vốn đã nặng càng nặng thêm.

Trở lại với “Thứ trưởng của chúng ta” ngồi ghế hạng thương gia trong khi lãnh đạo WB, IMF ngồi ghế hạng phổ thông. Có thể ai đó nói rằng, đó là tiêu chuẩn, chế độ, vị “Thứ trưởng của chúng ta” có quyền được hưởng, không cần bàn cãi. Điều đó không sai. Tôi biết, có vị hàm cấp Thứ trưởng hoặc tương đương cũng suy nghĩ, đắn đo, không có nhu cầu sử dụng những tiêu chuẩn không thực sự cần thiết, muốn từ chối, nhưng thật không dễ. Điều nên bàn là khi sinh ra tiêu chuẩn, chế độ đã cân nhắc có phù hợp với đời sống người dân, thực tiễn đất nước và tương xứng với sự cống hiến của quan chức chưa? Tại sao lãnh đạo các định chế tài chính hàng đầu thế giới “mạnh vì gạo bạo vì tiền” lại khiêm nhường, chọn cách tiết giảm nhu cầu cá nhân đến thế, còn quan chức chúng ta thì không thể?

Trong khi Trung ương Đảng đề cao tinh thần nêu gương, liệu có ai trong số những người đang hưởng thứ quyền lợi riêng kia tự giác làm gương, ví như vui vẻ từ chối hạng ghế thương gia trở về hạng ghế phổ thông?

Tôi cứ hay nghĩ vẩn vơ: Bấy lâu cán bộ, đảng viên chúng ta ra sức học tập và cổ vũ toàn dân học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng rốt cuộc, thực chất, chúng ta học được những gì? Nếu thực tâm học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, thì tình trạng tham lam, xa hoa, lãng phí trong cán bộ, đảng viên đâu đến mức nghiêm trọng như những gì đang diễn ra!

Mới đây, khi cùng đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý phải tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí, không thể để tình trạng “áo mặc quá đầu”, “vung tay quá trán”. Tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí, ngay từ những việc cụ thể, như cái chỗ ngồi hạng thương gia trên máy bay của những “thứ trưởng của chúng ta”, cũng nên nghiêm túc xem xét, sửa đổi. Làm cán bộ của Đảng, công bộc của dân tức là tự nguyện gắn bó máu thịt với đời sống nhân quần, là “Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu”(Xuân Diệu); tức là “Đã rằng vì nước vì dân/ Nước, dân còn khổ thì thân sướng gì!”(Tố Hữu)./.

Uông Ngọc Dậu/VOV

Facebook Comments