Nhân kỷ niệm 128 năm Ngày sinh và 49 năm Ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội tổ chức tọa đàm “Thế giới hát về Người” với sự tham gia của các khách mời trong nước và quốc tế. Buổi tọa đàm nhằm tưởng nhớ và ca ngợi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của dân tộc Việt Nam và cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Vị lãnh tụ suốt đời vì dân, vì nước
Tại buổi tọa đàm, GS, TS Hoàng Chí Bảo đã kể những câu chuyện xúc động về Bác với một tấm lòng kính yêu vô hạn. GS, TS Hoàng Chí Bảo kể: Đồng chí Vũ Kỳ là người thư ký đặc biệt của Bác, từng gắn bó, giúp việc cho Bác suốt một phần tư thế kỷ, nhất là giai đoạn ở Pác Bó, Tân Trào. Đồng chí Vũ Kỳ cũng là “tay hòm chìa khóa” của Bác. Mỗi lần đi lĩnh lương cho Bác, thanh toán những khoản chi tiêu cho Bác xong, còn thừa đồng nào, đồng chí Vũ Kỳ lại giữ cho Bác. Sau này, khi báo cáo với Trung ương về việc chuẩn bị Quốc tang cho Bác, đồng chí Vũ Kỳ đã báo cáo về số tiền đó. Qua câu chuyện thấy rằng, Bác Hồ của chúng ta đã sống suốt một đời thanh cao, giản dị. Bác đã lo cho đồng bào, cho dân tộc, ngay cả số tiền lương ít ỏi Bác cũng không giữ cho riêng mình.
Trước khi Bác mất, để dân không lo lắng, Bác dặn đồng chí Vũ Kỳ: “Chú nhớ giữ bí mật cho Bác, chỉ khi nào Bác đi rồi chú hãy báo với Trung ương cho Bác là Bác có bức thơ để lại”. Bác viết Di chúc và đề là “Tuyệt đối bí mật”. Bác khiêm tốn chỉ gọi Di chúc là “một bức thơ”. Bản thảo Di chúc của Bác mà đồng chí Vũ Kỳ nộp cho Trung ương để Trung ương thảo luận trong phiên họp đặc biệt bàn về Lễ Quốc tang cho Bác và công bố một đoạn Di chúc trong Lễ truy điệu Bác cách đây 49 năm lúc đó còn là tờ giấy rời, Bác tiết kiệm viết ở mặt sau tờ bản tin Thông tấn xã. Qua câu chuyện của GS, TS Hoàng Chí Bảo, hình ảnh Bác Hồ hiện lên vô cùng giản dị, gần gũi và đáng kính.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người luôn sống trong muôn triệu trái tim của các thế hệ nhân dân Việt Nam đã sống một cuộc đời giản dị như thế. Lúc sinh thời, trên hành trình đi tìm đường cứu nước, Người đã bôn ba qua rất nhiều nước trên thế giới. Ở những quốc gia Bác đã đi qua và ngay cả nơi Bác chưa kịp đến, người dân ở đó đều dành một tình cảm quý mến và kính trọng đặc biệt đối với Người. Hình ảnh của Người đã trở thành một biểu tượng đặc biệt, thân thuộc và sống động trong ký ức của nhân dân Việt Nam và của bạn bè trên khắp năm châu. Như Tiến sĩ M. Ácmét, Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của UNESCO nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một phần của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số đó”.
Người nối nhịp cầu hữu nghị giữa nhân dân các nước
Trong hành trình bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều quốc gia. Bác để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới, đồng thời nhận được sự ủng hộ lớn lao, cũng như tình cảm nồng ấm của nhân dân thế giới.
Ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam (thứ ba, từ phải sang) chia sẻ những câu chuyện về Bác Hồ.
Ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam chia sẻ câu chuyện xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Việt với một lối nói vô cùng gần gũi, ông luôn gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Bác”: Trong thời gian ra đi tìm đường cứu nước, Bác đã ở Trung Quốc, nhất là ở Quảng Tây trong thời gian rất dài. Bác đã đến rất nhiều nơi ở Trung Quốc, trong đó có Thượng Hải, Quảng Châu, Quảng Tây… Năm 1942, Người bị bắt tại tỉnh Quảng Tây. Chỉ trong hơn một năm, Người đã bị giải qua hơn 30 nhà lao của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây. Trải qua những ngày tháng giam cầm đày ải, Bác đã viết tập thơ bằng chữ Hán: “Ngục trung nhật ký”. “Nhân dân nước tôi đều biết đến cuốn nhật ký đó. Cuốn nhật ký là tập thơ chữ Hán gồm 133 bài. Chúng tôi đã nghiên cứu về tác phẩm văn học này. Trong tập thơ này tôi thích nhất bài thơ “Tự khuyên mình”, ông Bành Thế Đoàn chia sẻ.
Những nơi Bác đã từng đi qua, nhân dân Trung Quốc rất trân trọng, họ giữ gìn và đây là cách để họ thể hiện tình cảm trân trọng đối với Bác Hồ. Cụ thể, Trung Quốc đã xây dựng “Tuyến du lịch đỏ Việt – Trung” để giúp khách du lịch đến thăm những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua. “Tuyến du lịch đỏ Việt – Trung” là một biểu hiện sinh động cho tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân hai nước.
Bà Natalia Shafinskaya, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội rất xúc động khi kể về dấu ấn của Bác Hồ tại Nga. Tại thủ đô Moscow có một quảng trường rất đặc biệt mang tên vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam: Quảng trường Hồ Chí Minh. khi ghé thăm nơi đây, du khách sẽ ấn tượng với tượng đài Bác Hồ tọa lạc tại trung tâm quảng trường rộng lớn, bên dưới có dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” bằng tiếng Nga. Nơi đây đã trở thành một địa chỉ rất quan trọng đối với người dân Việt Nam cũng như người dân Nga. Những chuyên gia Nga từng làm việc ở Việt Nam vẫn có truyền thống vào ngày sinh nhật Bác, họ đến quảng trường Hồ Chí Minh để cùng nhau chia sẻ những khoảng thời gian ở Việt Nam và bày tỏ lòng yêu quý đối với Bác Hồ. Còn tại thành phố Saint Petersburg, Trường Đại học Tổng hợp Saint Petersburg đã thành lập Học viện Hồ Chí Minh, viện nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Các vị khách mời chụp ảnh lưu niệm.
Còn biết bao tình cảm của những người bạn quốc tế dành cho Người. Hiện nay ở Pháp có khoảng 45 điểm di tích lưu giữ nhiều tài liệu và hiện vật quý liên quan đến sự nghiệp hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh từ năm 1911 đến 1927. Trong đó, nổi bật là Ngôi nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, Paris. Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp có thể kể đến Bản Yêu sách của nhân dân An Nam do Nguyễn Ái Quốc ký tên gửi tới Hội nghị Véc-xây; hay tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua lịch sử, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Và với việc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa và tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria), Nguyễn Ái Quốc đã góp phần thổi một luồng gió mới đến nhân dân các nước bị áp bức, đoàn kết họ trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc.
Cũng có những quốc gia Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa kịp đến nhưng tình cảm của người dân dành cho Bác rất đặc biệt. Lúc sinh thời, tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có dịp đến thăm Cuba, nhưng nhân dân Cuba đã dành rất nhiều tình cảm trân quý cho Người. Đặc biệt, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt tại trung tâm Công viên Hòa bình trên Đại lộ 26, một trong những con đường lớn nhất tại thủ đô La Habana. Công viên này được người dân La Habana trìu mến gọi là công viên Hồ Chí Minh.
Hay tình cảm rất sâu đậm của nhân dân Lào đối với Người. Ngày nay, tại tỉnh Sê Kông, Lào trên bàn thờ của hầu hết các gia đình đều đặt di ảnh Bác Hồ. Mỗi dịp lễ quan trọng, họ đều thắp hương lên bàn thờ, mong được Bác phù hộ. Tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được lưu lại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Lào. Bài hát “Hồ Chí Minh kính yêu muôn đời” của nhạc sĩ Buangeun Saphouvong là bài hát thường được biểu diễn trong các sự kiện kết nối hai nước.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 của nhân dân Việt Nam và nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ người Anh Ewan MacColl viết bài hát “The ballad of Ho Chi Minh” (Bài ca Hồ Chí Minh). Bài hát đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và trở nên thân thuộc trong các sự kiện quốc tế về Bác. Bài hát đã đi vào trái tim, thấm vào tâm hồn của biết bao người. Có lẽ, bất kỳ ai khi nghe bài hát này đều không thể kìm được cảm xúc của mình, vì bài hát chứa đựng tình cảm sâu sắc của bạn bè thế giới dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Bài, ảnh: TƯỜNG VY/Báo QĐND