Tổng bí thư, Chủ tịch nước viết thư tay chúc tết cô giáo thời tiểu học

share on:

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khiến cô giáo dạy học từ thời tiểu học của mình thực sự cảm động khi viết thư tay chúc tết cô với tình cảm ấm áp, giản dị.

Tổng bí thư đến nhà thăm cô giáo cũ năm 2011/ ẢNH GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Bức thư của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi cô giáo cũ của mình viết:
“Kính thưa cô giáo Đặng Thị Phúc, nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc – Xuân Kỷ Hợi 2019 – em xin có mấy lời kính thăm Cô và gia đình.
Kính chúc Thày Cô sang năm mới sức khỏe, trường thọ; chúc toàn thể gia đình an khang, mọi việc hanh thông, tốt đẹp, có nhiều niềm vui mới”.
Bên trên chữ ký, tên người viết chỉ đề giản dị “Học trò cũ của cô” mà không một chữ đề cập tới những trọng trách mà ông đang đảm nhiệm.
Điều khiến cô Phúc cảm động hơn cả khi cuối bức thư, người “học trò cũ” không quên gửi lời tri ân: “Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được Cô dạy bảo”.
Thư của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc Tết cô giáo cũ từ thời tiểu học

ẢNH GIA ĐÌNH CUNG CẤP
Cô Đặng Thị Phúc (86 tuổi) là giáo viên dạy toán năm lớp 4 khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng học tiểu học xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội). Ông là một trong những học trò đầu tiên của cô Phúc trong quãng đời gần 40 năm gắn bó với nghề dạy học.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, gia đình cô Phúc cho biết, dù vẫn biết Tổng bí thư, Chủ tịch nước là người sống rất ân tình nhưng khi nhận được bức thư tay của ông với những lời lẽ chân thành, giản dị như vậy vẫn khiến cô vô cùng cảm động.
Cô Phúc nhớ lại: lớp 4 cô dạy hồi ấy, số lượng học sinh của xã Mai Lâm ít quá nên phải kết hợp với xã Đông Hội để đủ một lớp. Mai Lâm 33, Đông Hội 15 em với nhiều độ tuổi khác nhau, cùng tụ tập về mái đình thôn Mai Hiên học tập. Trò Nguyễn Phú Trọng là học trò nhỏ tuổi nhất trong lớp.
Nhỏ tuổi nhất, nhưng trò Nguyễn Phú Trọng thời ấy lại học chăm chỉ, thông minh nhất lớp, chữ viết rất đẹp. Giờ học nào cũng hăng hái giơ tay phát biểu và hiếm khi nào trả lời sai – cô Phúc kể.
Cách đây khoảng 15 năm, vào năm 2005, một hôm cô Phúc bất ngờ nhận được điện thoại của học trò Nguyễn Phú Trọng năm nào. Dù lúc này đã là Chủ tịch Quốc hội nhưng khi nói chuyện với cô, người học trò cũ vẫn tình cảm, lễ phép thưa: “Cô ơi, gần 50 năm rồi em mới được nghe tiếng nói của cô, em vẫn còn giữ học bạ có chữ viết của cô đấy ạ, em xin phép được đến thăm cô…”.
Lúc đó cô Phúc ngạc nhiên đến sững sờ và rất vui vì lời đề nghị đến thăm của trò Nguyễn Phú Trọng nhưng vì nghĩ người giữ vị trí trọng đại, bận nhiều việc nước nên nói: “Anh đã làm việc lớn, phục vụ nhân dân là quý lắm rồi, anh bận nên không phải đến thăm cô đâu”.
Mặc dù vậy, mấy ngày sau ông vẫn giữ lời hẹn và tìm đến nhà thăm cô khiến cả cô và trò đều xúc động. Ông quan tâm hỏi thăm tới cuộc sống của thầy cô và từng thành viên trong gia đình.
Sau đó ít hôm, thư ký của ông mang ảnh cô trò chụp chung đến tận nhà để tặng cô. Từ đó đến nay, dịp lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam và tết Nguyên đán năm nào ông cũng gọi điện hoặc gửi hoa, quà chúc mừng tới cô Phúc.
Tết năm đầu tiên ông nhận cương vị Tổng bí thư, đúng ngày mùng 3 tết, theo quan niệm là “tết Thầy”, ông gọi điện chúc tết cô giáo cũ vào buổi tối muộn vì ông vừa có chuyến công tác xa trở về nhưng vẫn không quên gọi điện chúc tết cô giáo cũ của mình.
Theo dõi trên các phương tiện truyền thông về những việc ông đã làm vì nước, vì dân trong suốt thời gian qua, cô Phúc càng thêm tự hào vì đã có một người học trò như vậy.
Chị Trần Thị Xuân Phương, giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, con gái của cô Đặng Thị Phúc, tâm sự khi nhận được bức thư của Tổng bí thư, không chỉ mẹ tôi mà cả gia đình đều rất cảm động vì tình cảm quá đỗi chân thành, giản dị trong thư của người đứng đầu đất nước.
Chị Phương còn chia sẻ: Mẹ tôi năm nay đã 86 tuổi, sức khỏe đã yếu nhiều nhưng nhận được tình cảm, sự quan tâm của những người học trò cũ như bác Nguyễn Phú Trọng trong thời điểm cả nước đang háo hức đón một năm mới khiến bà được tiếp thêm rất nhiều sức lực, niềm vui trong cuộc sống.
“Những ngày vừa qua, mỗi khi có dịp cả gia đình ở bên nhau, chúng tôi đọc đi đọc lại từng chữ trong thư và luôn nói với các con các cháu hãy xem đây là một bài học sâu sắc nhất về đạo đức, lối sống, bài học về tôn sư trọng đạo”, chị Phương nói.
Tuệ Nguyễn/Báo Thanh niên
Facebook Comments