Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Sự thật đã bị xuyên tạc, lòng yêu nước bị lợi dụng”

share on:
Nói về Luật Đặc khu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay ”không ai dại dột, ngây thơ trao đất cho người nước ngoài để người ta vào làm rối mình”.

Sáng 17/6, tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hà Nội sau kỳ họp thứ 5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Luật An minh mạng đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ nhất trí cao. Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu) đã lùi việc thông qua để tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu và hoàn chỉnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 17/6. Ảnh: Hoàng Phong.

Theo Tổng bí thư, khi Quốc hội cho ý kiến vào hai dự luật trên tại kỳ họp thứ 5, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, “lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, một số người đã kích động biểu tình, gây rối, chống đối, phá hoại”.

Ông Trọng cho rằng, Hà Nội làm tốt không để xảy ra biểu tình, chỉ có số ít tụ tập nhưng đã bị giải tán ngay, nhưng “trong Bình Thuận tình hình rất nghiêm trọng”.

Giải thích rõ hơn, Tổng bí thư nói, Việt Nam có chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế từ lâu. Những năm 90 của thế kỷ trước, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi khảo sát Vân Phong ở Nha Trang, Khánh Hoà.

Ông Trọng cho rằng, việc xây dựng đặc khu với tinh thần học tập kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, thu hút đầu tư nước ngoài, thí điểm cơ chế mới… là vấn đề khó, nhạy cảm nên đã được làm rất thận trọng.

“Hiến pháp cũng đã nêu, Nghị quyết của Trung ương và các chỉ thị, chủ trương từ Ban bí thư đều đã có, nhưng làm thế nào cho hiệu quả, vừa phát huy sức mạnh trong và ngoài nước nhưng vẫn giữ được chủ quyền quốc gia, đó là chủ trương nhất quán”, Tổng bí thư nói.

Ông cho biết, Quốc hội đã làm rất thận trọng. Kỳ họp vừa qua các đại biểu đã thống nhất tương đối cao, chuẩn bị thông qua tại kỳ họp vừa rồi nhưng vì có một số ý kiến đóng góp, Đảng, Nhà nước, Quốc hội thấy cần lắng nghe, tiếp thu, bao giờ hoàn thiện tốt thì mới thông qua. Do đó, Quốc hội đã biểu quyết và lùi việc thông qua tại phiên làm việc ngày 8/6.

“Nhưng ngày 10/6, một số đối tượng vẫn kích động người dân đi biểu tình, phản đối Luật, chứng tỏ có ý đồ khác”, Tổng bí thư nêu.

Theo Tổng bí thư, nhiều ý kiến băn khoăn về quy định cho thuê đất 99 năm, nhưng đó không phải bàn giao đất cho nước A, nước B để người ta vào tự do mà phải có dự án đầu tư cụ thể. Pháp luật hiện hành (Luật Đất đai) cho thuê đến 70 năm, với đặc khu thì dự kiến không quá 99 năm song phải theo quy trình và được Thủ tướng phê duyệt.

“Đối tượng xấu xoáy vào quy định này, cho rằng để cho Trung Quốc vào thuê 99 năm thì mất nước, vì thế kích động đi biểu tình để biểu thị lòng yêu nước. Rõ ràng sự thật đã bị xuyên tạc, bị lợi dụng, kích động để chống đối”, Tổng bí thư nêu quan điểm.

Ông Trọng cho rằng, bản chất sâu xa của sự việc trên là xuyên tạc sự thật, kích động và có “bàn tay của những phần tử phá hoại”. Ông mong cử tri và nhân dân bình tĩnh, tỉnh táo, tuyệt đối tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Ông nhấn mạnh: “Không ai dại dột trao đất cho người nước ngoài để người ta vào làm rối mình, không ai ngây thơ thế”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với cử tri quận Thanh Xuân, Hà Đông. Ảnh: Hoàng Phong.

Với Luật An ninh mạng, Tổng bí thư cho rằng, trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ phát triển tạo ra nhiều lợi ích, cần khai thác tối đa ưu thế của cách mạng công nghệ, nhưng “cũng cần cảnh giác nếu không sẽ rất nguy hiểm”.

“Một số phần tử xấu lợi dụng công nghệ để xuyên tạc, kích động, gây rối, biểu tình đường phố, làm cách mạng màu lật đổ chính quyền nên phải có Luật An ninh mạng để bảo vệ an ninh quốc gia và quyền công dân”, ông nêu.

Trước đó, tại phiên họp sáng 11/6, với trên 85% đại biểu nhất trí, Quốc hội đã đồng ý rút nội dung biểu quyết thông qua dự án Luật và nghị quyết về thi hành Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc ra khỏi lịch trình thông qua tại kỳ họp lần này.

Dự Luật trên sẽ được Quốc hội tiếp tục xem xét theo quy định tại kỳ họp cuối năm vào tháng 10.

Ngày 10/6, lấy cớ phản đối dự thảo Luật Đặc khu, hàng nghìn người dân tập trung nhiều tuyến đường ở TP Biên Hòa (Đồng Nai)… trưng băng rôn, biểu ngữ, hò hét khiến giao thông ùn tắc. 18 người đã bị tạm giữ để điều tra hành vi gây rối trật tự công cộng.

Tại địa phương lân cận như Bình Thuận, TP HCM, nhiều người cũng bị tạm giữ, khởi tố vì hành vi kêu gọi người dân biểu tình trái phép, gây rối an ninh trật tự, tấn công cảnh sát.

VNEXPRESS

Facebook Comments