Cũng tại đây, còn trưng bày 250 bức ảnh, tư liệu giới thiệu về hậu quả, nỗi đau do bom mìn gây ra.
Với những hình ảnh, hiện vật, tư liệu… sống động, triển lãm đã cho thấy phần nào bức tranh về cuộc chiến đấu hào hùng, đầy khốc liệt của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Đồng thời qua đó phản ánh về hiểm họa, hậu quả nặng nề của ô nhiễm bom, mìn sau chiến tranh.
Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng lượng bom đạn mà quân đội Mỹ đã trút xuống Việt Nam đến nay vẫn còn sót lại hơn 800.000 tấn; từ sau chiến tranh đến năm 2000, cả nước đã có hơn 100.000 người bị chết và bị thương do bom, mìn sót lại sau chiến tranh.
Triển lãm còn trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh… thể hiện những nỗ lực và thành tích của bộ đội công binh với công tác khắc phục hậu quả bom mìn.
Triển lãm thu hút đông đảo các chiến sĩ bộ đội công binh, bạn trẻ, học sinh. Có hơn 1.200 hiện vật về các chủng loại bom, mìn, đạn, rocket và ngòi nổ các loại còn sót lại từ cuộc chiến tranh được mang đến triển lãm.
Mô hình “Siêu pháo đài bay B52” được ghép lại từ hàng trăm quả bom có khối lượng lớn, nhỏ khác nhau. Quả bom lớn nhất ở giữa là bom phát quang có khối lượng 7 tấn.
Có hàng ngàn đầu đạn các loại khác nhau được xếp thành hàng dài tại triển lãm
Hàng chục vỏ bom bi mẹ CBU:49C/B- loại bom có độ sát thương trên diện rộng
Mỗi quả bom bi mẹ có chứa hàng ngàn quả bom bi con ở bên trong
Bom bi quả dứa CBU 2A/A
Mìn chống tăng cỡ lớn và loại mìn “râu tôm mìn nhảy”
Đầu đạn rocket, đạn cối
Thủy lôi
Mũ phi công của Mỹ lái máy bay F4H, Trung đoàn Công binh 217 bắn rơi tại đèo Phu phơ Lan, Phu phơ-cơ-rai năm 1968
Đầu nổ bom các loại do bộ đội công binh tháo gỡ, vô hiệu hóa
Triển lãm còn dựng mô hình thể hiện nỗi đau do bom, mìn gây ra cho người dân Việt Nam. Trong mô hình có bức ảnh nổi tiếng “Em bé bom napalm” của phóng viên ảnh Nick Út.
Nhiều hình ảnh thương tâm có sức ám ảnh được mang tới triển lãm
Nguyễn Tuấn (thực hiện)