Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 1-6 yêu cầu Tòa án Tối cao khôi phục lệnh cấm người nhập cư từ 6 quốc gia có phần đông người Hồi giáo sinh sống vào Mỹ.
Theo đài CNN, Washington đã đề nghị 9 thẩm phán Tòa án Tối cao xem xét tính hợp pháp của sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Donald Trump ban hành hồi tháng 3 năm nay, trong đó cấm công dân từ 6 nước có phần đông là người Hồi giáo sinh sống gồm Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 90 ngày.
Sắc lệnh đầu tiên của Tổng thống Donald Trump từng bị tòa án liên bang cấp khu vực (tòa phúc thẩm) phản đối nên chính quyền của ông ký ban hành sắc lệnh nhập cư mới vào ngày 6-3 dù không còn cứng rắn như phiên bản đầu tiên.
Đáng chú ý, những công dân là thường trú nhân (có thẻ xanh) ở Mỹ không bị tác động bởi sắc lệnh mới sau khi các thẩm phán liên bang bày tỏ ra lo ngại về chuyện sắc lệnh cũ cấm các đối tượng này vào Mỹ. Toàn bộ 6 nước mà sắc lệnh nhắm đến có hơn 90% dân số là người Hồi giáo. Thậm chí, tỉ lệ này tại 3 nước Iran, Somalia và Yemen là hơn 99%.
Tuy nhiên, một điều bất thường là sắc lệnh không cấm công dân đến từ Iraq dù đây là quốc gia đang có các phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoạt động.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump yêu cầu Tòa án Tối cao khôi phục lệnh cấm người nhập cư. Ảnh: CBS NEWS
Người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ Sarah Isgur Flores cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu Tòa án Tối cao lắng nghe trường hợp quan trọng này và tin tưởng rằng sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump thuộc thẩm quyền của ông cũng như hợp pháp trong việc giữ an toàn cho đất nước và bảo vệ cộng đồng khỏi khủng bố”.
“Tổng thống không chấp nhận những người từ các quốc gia tài trợ hoặc che chở khủng bố cho tới khi ông xác định được họ đã trải qua quá trình sàng lọc và không gây nguy hiểm cho nước Mỹ”.
Chuyên gia pháp lý kiêm GS ngành Luật Trường ĐH Texas Steve Vladeck nhận xét bước đi trên cho thấy Washington muốn sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực ngay bây giờ, trong khi Tòa án Tối cao muốn xem xét tính hợp pháp của sắc lệnh vào cuối năm nay.
“Hiện cần 5/9 thẩm phán thông qua để lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức hoặc nó sẽ bị đóng băng cho đến khi Tòa án Tối cao ra phán quyết cuối cùng” – GS Vladeck lưu ý.