Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp

share on:

Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Cộng hòa Pháp, hai bên đã ra tuyên bố chung. Dưới đây là nội dung toàn văn tuyên bố chung:

Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp
Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

1- Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 25-27/3/2018. Các cuộc trao đổi cấp cao đã đề cập những vấn đề lớn của quốc tế và khu vực, cũng như những tiến triển trong quan hệ hai nước với dấu ấn trong năm 2018 kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và năm năm quan hệ đối tác chiến lược.

2- Hai bên tái khẳng định vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế cũng như thúc đẩy thịnh vượng và phát triển bền vững. Hai bên tái khẳng định coi trọng Hiến chương Liên hợp quốc và cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Hai bên nhất trí theo đuổi nỗ lực chung nhằm thúc đẩy sự phát triển của một thế giới đa cực và chủ nghĩa đa phương dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, công bằng và hợp tác trên tinh thần cùng có lợi.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với những cam kết quốc tế mà hai bên cùng tham gia ký kết, vì sự phát triển của mỗi nước. Việt Nam và Pháp nhắc lại sự coi trọng các mục tiêu và nguyên tắc mà các cơ quan của Liên hợp quốc theo đuổi, trong đó có tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc.

3- Hai bên nhấn mạnh cam kết tạo thuận lợi cho tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, đồng thời coi trọng vai trò của Tổ chức Thương mại thế giới. Hai bên bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác nhằm cải thiện cơ chế quản trị toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

4- Hai bên tái khẳng định chủ nghĩa khủng bố, dưới mọi hình thức và biểu hiện, là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất chống lại hòa bình và an ninh, mọi hành vi khủng bố đều là tội ác và không thể biện minh. Hai bên bày tỏ ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố.

5- Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng nền tảng của quan hệ giữa ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) và hoan nghênh kết quả của Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-EU. Hai bên ủng hộ các nỗ lực hướng tới việc nâng cấp quan hệ ASEAN-EU lên đối tác chiến lược và khuyến khích sự tham gia ngày càng tích cực của Liên minh châu Âu vào các cấu trúc chiến lược do ASEAN đóng vai trò chủ đạo.

Hai bên bày tỏ mong muốn sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu trong năm 2018 và đưa Hiệp định vào thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. Hai bên cho rằng Hiệp định này cùng với Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) sẽ tạo ra những triển vọng mới làm sâu sắc thêm các cơ chế đối thoại hiện có.

Hai bên nhấn mạnh Hiệp định thương mại tự do sẽ đóng vai trò động lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Pháp và Liên minh châu Âu với các nước ASEAN. Hai bên nhất trí tăng cường quan hệ đối tác Việt Nam-EU trên các vấn đề chính trị và an ninh, kể cả trong lĩnh vực an ninh biển.

6- Việt Nam và Pháp mong muốn tăng cường hợp tác và đối thoại nhằm góp phần tích cực thúc đẩy tính kết nối tại Đông Nam Á nhằm tạo thuận lợi trao đổi giữa châu Âu với châu Á và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm. Hai bên hoan nghênh hoạt động kết nối trong Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục các dự án kinh tế dựa trên các nguyên tắc cạnh tranh công bằng, minh bạch, bền vững về kinh tế, tài chính, môi trường và xã hội cùng có lợi, có tính đến các nguyên tắc, mục tiêu và mục đích của Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững.

7- Hai bên hoan nghênh vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy một cách hòa bình hợp tác quốc tế biển. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng đầy đủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh và tự do hàng hải và hàng không tại mọi vùng biển và đại dương, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Hai bên cũng khẳng định ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc nhằm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

8. Hai bên tái khẳng định coi trọng mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên ghi nhận những tiến triển gần đây góp phần giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên kêu gọi thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan đến Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và nhắc lại sự ủng hộ đối với một tiến trình ngoại giao nhằm thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Việt Nam và Pháp sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm bảo vệ quy định quốc tế không phổ biến hạt nhân dựa trên Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

9- Hai bên hoan nghênh sự phát triển mẫu mực của mối quan hệ song phương trong 45 năm qua, nhấn mạnh mong muốn phát triển và làm sâu sắc hơn tất cả các lĩnh vực của quan hệ đối tác chiến lược được ký kết vào năm 2013 giữa Việt Nam và Pháp. Hai bên tái khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, khoa học và công nghệ, giáo dục-đào tạo, Pháp ngữ, pháp luật và tư pháp, y tế, hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch.

10- Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tăng cường trao đổi và tiếp xúc cấp cao. Hai bên hoan nghênh chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư và tiếp theo là các cuộc gặp và trao đổi song phương cấp cao trong năm 2018. Hai bên hoan nghênh các kết quả của Đối thoại kinh tế thường niên cấp cao về kinh tế và Đối thoại chính sách quốc phòng diễn ra vào tháng 1/2018 tại Việt Nam.

Hai bên nhất trí duy trì thường xuyên các cơ chế song phương và mở rộng các cơ chế tham vấn, trong đó có Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng hai nước. Hai bên hoan nghênh tăng cường hợp tác giữa các cơ quan nghị viện của hai nước.

11- Hai bên khẳng định mong muốn làm sâu sắc hơn hợp tác quốc phòng trong quan hệ đối tác chiến lược. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí tăng cường đối thoại chiến lược và hợp tác quốc phòng, tiếp tục hợp tác đào tạo sĩ quan, nhất là trong lĩnh vực học tiếng Pháp, đào tạo cơ bản và chuyên sâu và các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Hai bên cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực trang thiết bị quốc phòng trên cơ sở nhu cầu và khả năng đáp ứng của mỗi bên và tái khẳng định mong muốn thúc đẩy trao đổi về an ninh hàng hải và hàng không cũng như về quân y. Hai bên hoan nghênh việc các tàu quân sự Pháp thăm xã giao hoặc ghé đậu kỹ thuật tại Việt Nam và hoan nghênh việc ký Ý định thư về việc ký Tuyên bố về Tầm nhìn chung hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giai đoạn 2018-2020 và hoan nghênh gia hạn Thỏa thuận trong lĩnh vực thủy đạc, hải dương học và bản đồ biển.

12- Hai bên cam kết thúc đẩy thực hiện hiệu quả các hiệp định song phương về dẫn độ và tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự khi các hiệp định này có hiệu lực. Hai bên hoan nghênh các chương trình hợp tác để giải quyết thách thức tội phạm có tổ chức trong môi trường an ninh khu vực và quốc tế đang diễn biến nhanh chóng.

13- Hai bên bày tỏ quyết tâm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời tiếp tục nỗ lực thúc đẩy doanh nghiệp hai nước thâm nhập vào thị trường của nhau. Hai bên tái khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ đối tác kinh tế và công nghiệp dài hạn, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng và vũ trụ.

Hai bên đặc biệt hoan nghênh sự hợp tác hình mẫu trong lĩnh vực hàng không, thể hiện qua việc ký các hợp đồng mới giữa Hãng hàng không Tre Việt và Airbus, giữa Hãng hàng không quốc gia Việt Nam và Công ty kỹ thuật bảo dưỡng máy bay Air France, cũng như hợp đồng liên doanh giữa Hãng hàng không quốc gia Việt Nam và Air France. Hai bên nhất trí ủng hộ các giải pháp phù hợp nhằm đẩy nhanh hoàn thành dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội.

14- Hai bên mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và đánh bắt cá, tôn trọng những quy chuẩn quốc tế mà Việt Nam và Pháp thừa nhận, nhất là trong: phòng chống thảm họa thiên nhiên và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng với sự phát triển của một nền nông nghiệp thích ứng dựa trên nền tảng nông-sinh thái và nông nghiệp sinh học; tăng cường hợp tác nghiên cứu ứng dụng và phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sinh học và chuyển giao sáng chế; thúc đẩy đánh bắt cá bền vững và có trách nhiệm, nhất là đi cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực đánh bắt cá, đào tạo giám sát quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc thủy sản; di truyền thực vật và động vật, nhất là lợn và bò sữa; phát triển các kênh phân phối sản phẩm nông nghiệp thông qua sự phát triển một hệ thống chợ đầu mối. Hai bên nhấn mạnh tính chất quan trọng của các công trình do Trung tâm hợp tác quốc tế của Pháp về nghiên cứu nông học vì phát triển đang thực hiện tại Việt Nam.

15- Hai bên tái khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam hoan nghênh Hội nghị cấp cao “Một Hành tinh” diễn ra vào tháng 12/2017 tại Paris mà Việt Nam tham gia. Pháp hoan nghênh kế hoạch của Việt Nam trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cho giai đoạn 2016-2030. Hai bên nhất trí đối thoại Talanoa (Ta-la-noa) là một cơ chế phù hợp để đánh giá và củng cố các mục tiêu về khí hậu nhằm thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Hai bên nhất trí ủng hộ các cuộc đàm phán tại Tổ chức hàng hải quốc tế IOM và Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO nhằm hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến từ hàng không dân dụng và vận tải biển. Việt Nam và Pháp mong muốn tiếp tục đối thoại xây dựng trong việc xây dựng một hiệp ước toàn cầu về môi trường. Việt Nam và Pháp tái khẳng định quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và tiếp tục hợp tác nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững.

16- Hai bên thừa nhận vai trò chủ chốt của các thành phố và các vùng lãnh thổ trong ứng phó với biến đổi khí hậu và cam kết tăng cường trao đổi chuyên gia ở cả trung ương và địa phương nhằm thúc đẩy sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, năng lượng và cung cấp các dịch vụ đô thị đầy đủ và bền vững cho người dân, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, nhà ở, nước và vệ sinh môi trường.

17- Thông qua các hoạt động của Cơ quan Phát triển Pháp AFD, Pháp cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt tăng trưởng các-bon thấp và bền vững. Hai bên hoan nghênh việc ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và AFD nhằm tăng cường hợp tác về tăng trưởng xanh và ứng phó với các thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, đặc biệt là thông qua phát triển chương trình Gemmes Việt Nam và việc chuẩn bị xây dựng dự thảo luật về biến đổi khí hậu.

18- Hai bên hoan nghênh quan hệ đối tác dài hạn giữa AFD và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác phát triển; khuyến khích tiếp tục các nỗ lực nhằm tạo thuận lợi cho các chương trình và dự án mới phù hợp với những ưu tiên của Việt Nam. Trên tinh thần đó, hai bên hoan nghênh các dự án ưu tiên chống xói lở bờ biển và phát triển cơ sở hạ tầng ứng phó cho 4 tỉnh ven biển khu vực Bắc Trung Bộ.

Hai bên nhất trí thực hiện có hiệu quả các dự án thông qua đẩy nhanh giải ngân tài chính trợ giúp hợp tác phát triển của Pháp và cải thiện năng lực quản lý dự án. Hai bên hoan nghênh Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và AFD ký kết Bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác trên cơ sở tầm nhìn mới của quan hệ đối tác chiến lược dài hạn.

19- Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác nghiên cứu trong lĩnh vực hợp tác phát triển và hoan nghênh vai trò của Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD) trên lĩnh vực này. Hai bên hoan nghênh việc ký Thỏa thuận hợp tác về Khoa học và Công nghệ giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và IRD.

20-Hai bên nhấn mạnh ưu tiên hợp tác khoa học và công nghệ và nhất trí thường xuyên trao đổi các chính sách quốc gia của hai nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nghiên cứu và đổi mới. Trên cơ sở Ý định thư ký ngày 5/9/2016 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ giảng dạy Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới của Pháp, hai bên tái khẳng định mong muốn xây dựng khuôn khổ hợp tác mới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ phù hợp với lợi ích chung. Hai bên hoan nghênh việc Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam ký bản ghi nhớ hợp tác với Viện quốc gia sở hữu công nghiệp Pháp.

21- Hai bên khẳng định mong muốn thúc đẩy sử dụng tiếng Pháp tại Việt Nam và trong tổng thể không gian Pháp ngữ, nhất là thông qua Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và các cơ quan Pháp ngữ, đặc biệt là Cơ quan Đại học Pháp ngữ. Việc thúc đẩy giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp tại Việt Nam, đặc biệt tại các lớp song ngữ, cũng như việc giảng dạy tiếng Việt tại Pháp sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi, trong đó bao gồm việc sinh viên sang học tập ở hai nước; thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực, kể cả văn hóa và kinh tế và góp phần tăng cường giao lưu nhân dân hai nước. Hai bên hoan nghênh việc ký kết một văn bản hợp tác về tiếng Pháp và Pháp ngữ.

22- Việt Nam và Pháp tái khẳng định tính chất nền tảng và ưu tiên của giao lưu thanh niên hai nước đối với sự phát triển của quan hệ song phương trong tương lai. Trên tinh thần này, hai bên cam kết tiếp tục tạo điều kiện để các sinh viên sang học tập ở hai nước. Hai bên hoan nghênh việc khai trương cơ sở mới của Trường Pháp Alexandre Yersin tại Hà Nội trong thời gian tới. Phía Pháp cảm ơn Việt Nam đã không ngừng hỗ trợ cho công trình mang tính biểu tượng ưu tiên dành cho giới trẻ này, cũng như đối với dự án mở rộng Maguerite Duras tại Thành phố Hồ Chí Minh.

23- Hai bên nhấn mạnh tính hình mẫu của hợp tác trong lĩnh vực giảng dạy đại học và nghiên cứu. Hai bên ủng hộ dự án phát triển Trung tâm Pháp Việt về Đào tạo và Quản lý (CFVG) thành trường Đại học quản trị châu Âu và hoan nghênh đàm phán nhằm ký lại Hiệp định liên chính phủ về trường Đại học khoa học và công nghệ Hà Nội.

Hai bên hoan nghênh tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề cùng với hiện đại hóa các trung tâm đào tạo chất lượng cao tại Việt Nam và dự án phát triển trường Đại học công nghệ giao thông vận tải (UTT), đặc biệt là việc thành lập một Viện Đại học Công nghệ (IUT).

24- Hai bên hoan nghênh hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp và cam kết nỗ lực thực hiện chương trình hợp tác giai đoạn 2018-2019 giữa hai Bộ Tư pháp. Hai bên hoan nghênh việc ký kết các chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Hội đồng Công chứng tối cao Pháp, cũng như Hội đồng thừa phát lại quốc gia Pháp.

25- Hai bên hoan nghênh sự hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực y tế và nghiên cứu dược phẩm và hoan nghênh Thỏa thuận về HIV/AIDS và viêm gan virus giữa Bộ Y tế Việt Nam và Cơ quan nghiên cứu quốc gia về HIV và virus viêm gan của Pháp (ANRS) đã được ký ngày 18/01/2018 tại Hà Nội. Hai bên cam kết tiếp tục các cuộc trao đổi trong lĩnh vực đào tạo bác sĩ và thúc đẩy hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm. Hai bên hoan nghênh việc khai trương hoạt động của Trung tâm Y tế Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh, là nơi tập hợp tất cả các nhân tố hợp tác Pháp-Piệt trong lĩnh vực y tế, trong đó có Phòng Khám Y tế quốc tế. Hai bên khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ đối tác và ký lại hiệp định hợp tác y tế giữa hai Bộ Y tế của hai nước.

26- Hai nhà lãnh đạo coi hợp tác giữa các địa phương là một trụ cột của hợp tác song phương, góp phần tăng cường mối liên kết và đoàn kết giữa hai nước và nhân dân hai nước. Tiếp theo thành công của Hội nghị hợp tác giữa các địa phương lần thứ 10 tổ chức tại Cần Thơ vào tháng 9/2016, hai bên hoan nghênh tổ chức Hội nghị lần thứ 11 tại Toulouse vào năm 2019 nhằm đề ra các định hướng lớn để tăng cường hợp tác giữa các địa phương trên tinh thần bình đẳng và cùng có lợi.

27- Hai bên coi trao đổi văn hóa là một lĩnh vực chủ chốt trong hợp tác Pháp-Việt, góp phần gia tăng hiểu biết lẫn nhau và tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước. Hai bên hoan nghênh việc cải tạo Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris sau 10 năm hoạt động, cũng như việc thành lập ngôi nhà Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh và khẳng định ủng hộ các sáng kiến quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), mang lại lợi ích cho quan hệ văn hóa song phương.

28- Hai bên tái khẳng định mong muốn gia tăng lượng khách du lịch giữa hai nước. Hai bên hoan nghênh ký kết ý định thư về hợp tác du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Việt Nam và Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp. Pháp khẳng định ủng hộ dự án Ngôi nhà Việt của Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Pháp.

29- Hai bên tin tưởng chuyến thăm sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã mời Tổng thống Cộng hòa Pháp thăm Việt Nam. Tổng thống Emmanuel Macron đã nhận lời mời./.

Theo TTXVN
Facebook Comments