Việt Nam có cơ sở để sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi

share on:

Chiều 5/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Bộ Khoa học Công nghệ và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức cuộc họp bàn giải pháp nghiên cứu vắc xin dịch tả lợn châu Phi.

Các đơn vị chức năng đang nghiên cứu sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, sau hơn 2 tháng xảy ra dịch tả lợn châu Phi, đến nay các đơn vị chức năng đang nghiên cứu và bước đầu đã có nhiều cơ sở để sản xuất được vắc xin phòng bệnh này. Mặc dù đây là việc rất khó nhưng phải làm, bởi không bỏ được ngành chăn nuôi.

Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, sau một thời gian nghiên cứu, Học viện đã có được một số kết quả khả quan, tạo tiền đề cho các bước tiếp theo để có thể sản xuất vắc xin. Cụ thể, sau khi phân lập được vi rút dịch tả lợn châu Phi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã sản xuất được 3 loại tế bào. Cả 3 loại tế bào này đều phân lập thành công vi rút dịch tả lợn châu Phi.

“Hiện các nhà nghiên cứu đã có được dòng tế bào có tiềm năng nhân được vi rút số lượng lớn. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục gây nhiễm vi rút trên dòng tế bào này, nếu thích nghi được trên dòng tế bào này thì đây là tín hiệu rất tốt để có thể sản xuất được vắc xin với quy mô lớn” – bà Lan thông tin.

Cũng theo bà Lan, hiện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang tiếp tục thí nghiệm và phân tích xem dòng tế bào nào tốt nhất để giúp cho đặc tính di truyền và tính kháng nguyên của vi rút và sẽ sớm có kết quả. Đến nay, nhóm nghiên cứu cũng đã phân lập được 14 nhóm vi rút dịch tả lợn châu Phi từ các mẫu bệnh phẩm, và phân lập thành công trên cả 3 loại tế bào sản xuất. Đồng thời, cũng xác định được hiệu giá của vi rút, đây là nội dung quan trọng trong quá trình sản xuất vắc xin…

Bà Lan cũng kiến nghị, bổ sung thêm đề xuất nghiên cứu về môi trường, đây là vấn đề quan trọng do đó cần phải có nghiên cứu để làm tốt vấn đề môi trường.; nghiên cứu vắc xin vô hoạt vì loại này dễ làm. Bên cạnh đó, cần sớm ưu tiên đầu tư vốn để xây dựng phòng an toàn sinh học cấp 3 để phục nghiên cứu, dự án này đã được phê duyệt nhưng chưa có vốn.

Bộ trưởng Bộ Khoa Học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, hiện có đủ các doanh nghiệp có khả năng, tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực này; trong nước đã có 9 cơ sở sản xuất vắc xin đủ điều kiện… Qua đó, tập hợp lực lượng này lại để tập trung nghiên cứu, sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ luôn đồng hành và sẵn sàng huy động mọi nguồn lực phối hợp cùng các bộ, ngành để thực hiện đến cùng việc sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quốc gia nghiên cứu các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo Cục Thú y, đến nay bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 23 tỉnh, thành phố trên cả nước; tổng số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu huỷ là trên 85.000 con.

Thành Trung
Facebook Comments