Xin giới thiệu bài viết của trang The Atlantic, trong đó phân tích chi tiết điều gì lý giải cho thực tế đáng buồn đang diễn ra ở Mỹ thời gian qua. Bài viết được thực hiện bởi George Parker, bản dịch này được thực hiện bởi ông Trần Vũ Hoài.
Khi virus corona lan đến nước Mỹ, nó thấy một nước Mỹ với những vấn đề nội tại nghiêm trọng, và nó đã tận dụng thực trạng này không nương tay. Những căn bệnh trầm kha – một giới chính trị tham nhũng, một bộ máy chính quyền xơ cứng, một nền kinh tế không có trái tim, một công chúng chia rẽ và phân tâm – những căn bệnh này đã kéo dài rất nhiều năm mà không được chữa trị. Chúng ta đã học được cách sống chung với những hội chứng đó dù không thoải mái. Quy mô và cú giáng trực tiếp của đại dịch Covid 19 làm lộ rõ mức độ trầm kha của những căn bệnh này, khiến người Mỹ bị shock khi ngộ ra rằng họ đang thuộc nhóm rủi ro nhiễm bệnh cao!
Khủng hoảng đại dịch lần này đòi hỏi một kế hoạch ứng phó nhanh, hợp lý và đồng lòng. Nhưnh trên thực tế, nước Mỹ phản ứng như thể mình là Pakistan hay Belarus, nơi cơ sở hạ tầng ọp ẹp, nơi chính quyền ốm yếu và giới lãnh đạo hoặc quá tham nhũng hoặc quá kém cỏi dẫn dắt quốc gia qua khỏi cơn khủng hoảng qui mô lớn. Chính quyền Mỹ bỏ phí mất 2 tháng lẽ ra đã được tận dụng để chuẩn bị đối phó đại dịch, với một vị tổng thống mù quáng duy ý chí, luôn đổ lỗi cho người khác, khoe khoang và dối trá.
Từ phát ngôn của ông ta, thuyết âm mưu và phép lạ là liều thuốc chữa. Một vài thượng nghị sĩ và lãnh đạo doanh nghiệp hành động nhanh, nhưng không phải để ngăn chặn đại họa đang tới, mà để thu lợi từ nó. Khi một bác sĩ của chính phủ cố gắng cảnh báo dân chúng về mối hiểm nguy đang rình rập, Nhà Trắng cướp micro và chính trị hóa thông điệp.
Mỗi buổi sáng tháng 3 kéo dài lê thê đến vô vọng đó, người dân Mỹ thức dậy và thấy mình đã trở thành công dân của 1 nhà nước thất bại – không kế hoạch hành động quốc gia, không 1 lời chỉ dẫn rõ ràng từ chính quyền. Gia đình, trường học, công sở bị bỏ mặc và tự quyết định xem có nên đóng cửa, có nên cách ly.
Khi phát hiện thấy thiết bị thí nghiệm, khẩu trang, quần áo bảo hộ và máy thở bị thiếu nghiêm trọng, thống đốc các bang cầu xin nguồn cung cấp từ Nhà Trắng, vốn đã bất động, rồi kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân trợ giúp nhưng cũng bất lực không giúp được gì. Các bang và các thành phố bị đẩy vào cuộc chiến tranh giành mua thiết bị, bị ép giá, khiến doanh nghiệp thêm lợi nhuận. Người dân dùng máy khâu tự may nhằm nỗ lực giúp bảo vệ đội ngũ y tế và bệnh nhân. Nga, Đài loan và Liên Hiệp quốc gửi viện trợ nhân đạo tới cường quốc giàu nhất thế giới – một quốc gia ăn mày đang trong tình trạng hỗn loạn cùng cực!
Donald Trump nhìn nhận cuộc khủng hoảng này hoàn toàn từ giác độ cá nhân và chính trị. Lo lắng cho việc tái cử của bản thân, Trump tuyên bố đại dịch corona virus là 1 cuộc chiến tranh và bản thân mình là tổng thống của thời chiến. Nhưng vị thống chế mà Trump khiến mọi người nghĩ tới chính là Philippe Pétain, vị thống chế của nước Pháp đã ký hòa ước với nước Đức năm 1940 khi thất thủ và sau đó đã lập nên chính quyền Vichy thân phát xít.
Giống như Petain, Trump đã bắt tay với ngoại xâm và bỏ mặc đất nước mình rơi vào đại họa. Và giống như nước Pháp của năm 1940, nước Mỹ của năm 2020 bị sốc bởi cơn suy sụp còn rộng hơn và sâu hơn so với 1 nỗi họa có 1 thủ lĩnh hèn kém. Các cuộc mổ xẻ trong tương lai về đại dịch Covid 19 tại nước Mỹ có thể được đặt tên là “Sự thua trận lạ lùng”, theo tác phẩm cùng tên nghiên cứu về sự sụp đổ của nước Pháp năm 1940 của Marc Bloch, sử gia và thành viên của lực lượng kháng chiến Pháp.
Mặc dù nước Mỹ vẫn có vô vàn tấm gương về sự dũng cảm và hy sinh của từng cá nhân người dân Mỹ, sự thất bại này là của quốc gia. Và điều này buộc chúng ta phải hỏi câu hỏi mà phần lớn người dân Mỹ chưa từng bao giờ hỏi: liệu chúng ta có tin vào các nhà lãnh đạo của chúng ta, và đủ tin tưởng lẫn nhau để đủ sức chung tay đáp trả lại mối đe dọa sống còn này? Liệu chúng ta có còn khả năng tự quản?
Đây là đại khủng hoảng thứ 3 của nước Mỹ trong thế kỷ 21. Lần thứ nhất là ngày 11/9/2001 khi nước Mỹ trong tâm trí vẫn sống ở thế kỷ trước, khi ký ức về đại khủng hoảng kinh tế, thế chiến, và chiến tranh lạnh vẫn còn chưa phai mờ. Vào ngày 11/9 đáng nhớ đó, những người nông dân ở khắp nước Mỹ không nghĩ về New York như một hòn đảo xa lạ, toàn dân nhập cư tứ xứ và dân tự do đáng bị số phận như vậy, mà là như 1 thành phố vĩ đại đứng ra chịu họa thay cho toàn nước Mỹ. Lính cứu hỏa từ Indianna vượt 800 dặm đường tới NY để tham gia cứu giúp nạn nhân tại Ground Zero. Toàn nước Mỹ cùng phản ứng để xót thương và chung tay.
Chế độ chính trị đảng đối lập và các chính sách kém hiệu quả, đặc biệt là cuộc chiến Iraq, đã xóa bỏ tinh thần đoàn kết quốc gia, nuôi dưỡng thái độ bất mãn chưa bao giờ nguôi của người dân đối với giới chính trị gia. Cuộc khủng hoảng lần 2 vào năm 2008 làm trầm trọng thêm điều này. Với tầng lớp thượng lưu, cuộc hoảng tài chính này có thể được coi như 1 thắng lợi. Quốc hội thông qua đạo luật giúp cứu trợ hệ thống tài chính với sự đồng thuận của 2 Đảng. Các quan chức chính quyền Bush, đang trong thời kỳ quá độ chuyển giao quyền lực hợp tác với các quan chức của chính quyền Obama. Các chuyên gia của Quỹ dự trữ Liên bang và Bộ ngân khố sử dụng các chính sách tài chính và tiền tệ giúp ngăn chặn 1 cuộc Đại khủng hoảng lần thứ 2. Các ngân hàng to đầu bị chỉ trích nhưng không ai bị hành quyết. Phần lớn đều bảo toàn được gia sản của mình. Một số còn giữ được nguyên vị trí. Và chẳng bao lâu hệ thống ngân hàng vận hành trở lại. Một tay môi giới chứng khoán ở Wall Street có nói: với họ cuộc khủng hoảng tài chính đó chỉ giống như một cái “làn chắn giảm tốc”.
Nỗi đau dai dẳng của cuộc khủng hoảng đó nằm lại với tầng lớp trung và hạ lưu, gồm những người dân Mỹ sống bằng nợ tín dụng, bị mất việc, mất nhà và tiền tiết kiệm hưu trí. Rất nhiều người trong số họ không thể hồi phục, và thế hệ trẻ hơn, lớn lên trong thời kỳ đại suy thoái phải chịu nhận số phận nghèo hơn cả cha mẹ mình. Sự bất bình đẳng – vấn đề chính trong đời sống nước Mỹ kể từ cuối thập kỷ 70 ngày càng trở nên trầm trọng.
Cuộc khủng hoảng lần thứ 2 này làm khoét sâu sự phân cách trong nước Mỹ: giữa giới thượng lưu và hạ lưu, giữa Dân chủ và Cộng hòa, giữa đô thị và nông thôn, giữa dân chính gốc và dân nhập cư, giữa dân thường với giới lãnh đạo. Mối giao kết xã hội trong nội tại nước Mỹ, vốn đã ngày càng căng thẳng trong nhiều thập kỷ, giờ bắt đầu tan vỡ.
Các cải cách dưới thời Obama trong lĩnh vực chăm sóc y tế, điều chế tài chính, năng lượng sạch … dù quan trọng tới đâu, cũng chỉ có tác dụng giảm nhẹ. Sự hồi phục kéo dài trong suốt thập kỷ qua chỉ giúp làm giàu cho giới doanh nghiệp và đầu tư, giới làm thuê lương cao khôn ngoam và ngày càng bỏ mặc tầng lớp lao động tụt lại phía sau. Tác hại lâu dài của sự suy thoái xã hội này làm tăng thêm sự phân cực, coi thường uy lực, đặc biệt là của chính quyền.
Cả hai Đảng đều chậm trong việc nhận thức uy tín của họ đã bị xói mòn ra sao. Kết quả là chủ nghĩa dân túy lên ngôi. Kẻ báo hiệu cho sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy không phải là Barack Obama mà là Sarah Palin, 1 ứng cử viên tranh chức Phó tổng thống non nớt đến mức kỳ lạ, coi thường kiến thức và thèm khát sự nổi tiếng. Cô ta chính là John the Baptist, vị tiên tri báo hiệu sự thắng cử của Donald Trump!
Trump lên cầm quyền như là 1 đứa con bị chối bỏ của đảng Cộng hòa. Nhưng đảng chính trị bảo thủ này và vị tổng thống mới ngay lập tức đạt được sự đồng nhất. Bất kể họ có bất đồng về vấn đề gì, thương mại hay nhập cư, hai bên đều có 1 mục đích chung: đào mỏ tài sản chung để mang lợi cho tư nhân. Các chính trị gia đảng Cộng hòa và các mạnh thường quân, những người muốn chính phủ càng làm ít càng tốt để phục vụ cho lợi ích chung, đã chung sống rất hạnh phúc với 1 thể chế hầu như không biết cách quản trị, và chính họ đã biến bản thân mình thành kẻ hầu của Trump.
Giống như 1 đứa trẻ hiếu động, chuyên ném diêm vào các cánh đồng chất đầy rơm khô, Trump bắt đầu hủy diệt nốt những thứ còn sót lại trong đời sống dân sự quốc gia. Trump chưa bao giờ thèm tỏ ra rằng mình là tổng thống của quốc gia, mà chia rẽ người dân trên mọi vấn đề của đời sống: chủng tộc, giới tính, tôn giáo, quốc tịch, giáo dục, địa phương, và chính đảng (hầu như liên tục mỗi ngày). Công cụ quản trị chính của Trump là nói dối. 1/3 quốc gia giam mình trong phòng gương, tự nhủ đó là thực tế; 1/3 phát điên với nỗ lực tìm kiếm sự thật và 1/3 chấp nhận đầu hàng.
Trump tiếp nhận một chính quyền liên bang đã nhiều năm bị tê liệt bởi sự tấn công của cánh tả, xu hướng chính trị hóa của cả 2 Đảng, và cắt giảm ngân sách liên tục. Trump coi công việc của mình là đặt dấu chấm hết cho cơ thể tê liệt này và tiêu hủy bộ máy dân chính chuyên nghiệp. Ông ta sa thải một số quan chức tài năng và kinh nghiệm nhất, bỏ trống rất nhiều vị trí trọng yếu, và đưa đệ tử trung thành vào bộ máy với vai trò như chính ủy quản giáo đám người sống sót khỏi cuộc thanh trừng của ông ta, với một mục đích duy nhất: phục vụ cho lợi ích của riêng mình.
Thành tích lập pháp lớn nhất của Trump, một trong những quyết định giảm thuế lớn nhất trong lịch sử, giúp mang lại hàng trăm tỷ USD cho giới doanh nghiệp và nhà giàu. Những kẻ được hưởng lợi bâu vào đặt chỗ nghỉ tại các resort của Trump và đóng góp tiền cho chiến dịch tái cử. Nếu nói dối là phương tiện chính của Trump để sử dụng quyền lực, tham nhũng là mục đích cuối cùng của ông ta.
Đó chính là bối cảnh của nước Mỹ, phơi mình trước đại dịch virus corona: tại những đô thị phồn vinh, một giai cấp những công dân bàn giấy gắn kết toàn cầu bị phụ thuộc vào một giai cấp cung cấp dịch vụ dân chính mỏng manh, vô hình; tại nông thôn, các cộng đồng tan rã đang nổi loạn chống lại thế giới hiện đại; trên mạng xã hội, tràn lan sự thù địch và cãi vã giữa các nhóm người khác nhau; trong nền kinh tế, là khoảng cách ngày càng lớn giữa giới có tiền thắng thế và giới lao động vất vả; và tại Washington, một chính phủ trống rỗng, được điều hành bởi 1 kẻ lừa đảo và đám cận thần trí tuệ phá sản của ông ta. Trên khắp cả nước là trạng thái kiệt sức kéo dài, không thấy đâu một bản sắc hay tương lai chung.
Nếu đại dịch Covid thực sự là 1 cuộc chiến, đây sẽ là cuộc chiến đầu tiên diễn ra trên đất Mỹ trong vòng 150 năm trở lại đây. Sự xâm chiếm của giặc ngoại xâm làm lộ rõ những điểm yếu của xã hội bị chiếm đóng, thổi phồng những điều đã không được nhận thấy hoặc đã được chấp nhận trong thời bình, làm rõ thêm những sự thật quan trọng, làm dậy mùi của những xác chết đã thối rữa……
Cuộc chiến chống đại dịch Covid 19 cũng phải là cuộc chiến phục hồi lại sức khỏe của nước Mỹ và xây dựng lại từ đầu, nếu không những khó khăn và đau khổ mà chúng ta đang phải gánh chịu sẽ không bao giờ được bù đắp. Với sự lãnh đạo như hiện tại, sẽ không có thay đổi nào xảy ra.
Nếu các cuộc khủng hoảng 9/11 hay năm 2008 làm giảm lòng tin của chúng ta vào thể chế chính trị cũ, năm 2020 là lúc chúng ta phải từ bỏ quan điểm rằng anti-politics (tạm dịch: phản chính trị) là cứu cánh của chúng ta. Chấm dứt chính thể hiện tại, một việc rất cần thiết và dân Mỹ xứng đáng được có, mới chỉ là bắt đầu.
Chúng ta đang đương đầu với 1 sự lựa chọn mà Covid 19 làm sáng rõ hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể lẩn trốn trong cách ly, sợ hãi, xa lánh tất cả, triệt tiêu mối giao kết chung của xã hội. Hoặc chúng ta có thể dùng khoảng dừng này trong cuộc sống thường nhật của mình để chú ý hơn tới đội ngũ y bác sĩ đang giơ điện thoại để bệnh nhân có thể nói những lời sau cuối với người thân; tới những y bác sĩ bay từ Atlanta đến cứu giúp New York; tới những công nhân ngành hàng không bang Masachusetts đòi nhà máy của mình được biến thành nơi sản xuất máy thở; tới những người dân Florida xếp hàng dài chờ việc vì họ không thể được nối máy liên lạc với văn phòng giới thiệu việc làm…
Chúng ta có thể học được bài học từ những ngày gian khó này rằng sự ngu dốt và bất công chính là vũ khí giết người, rằng tại 1 quốc gia dân chủ, làm đúng vai trò của một công dân là công việc thiết yếu; và không đoàn kết nghĩa là chết. Sau khi đã ra khỏi nơi lẩn trốn và cởi bỏ khẩu trang đeo mặt, chúng ta không nên quên khoảng thời gian cô đơn một mình mà mình đã trải qua.
Virus Corona không phá vỡ nước Mỹ. Nó chỉ làm lộ rõ một nước Mỹ vốn đã vỡ!