Một trong những vụ lộ tài liệu mật nghiêm trọng nhất của tình báo Mỹ bắt đầu với những bài đăng ít được chú ý trên kênh Discord chuyên về thông điệp đùa cợt.
Một thành viên ẩn danh bắt đầu chia sẻ loạt tài liệu, trong đó có những văn bản đóng dấu “tuyệt mật”, với nhóm hơn 10 thành viên trên kênh liên lạc Discord từ hồi tháng 1. Các tài liệu này cung cấp chi tiết về tình hình chiến sự Ukraine, thông tin chặn thu liên lạc về các đồng minh của Mỹ, trong đó có Israel và Hàn Quốc, cũng như hoạt động xâm nhập của tình báo Mỹ vào nội bộ Nga và nhiều quốc gia khác.
Hàng trăm tài liệu này ít được chú ý và chỉ lưu truyền trong nội bộ nhóm Discord chuyên về ảnh chế, các câu chuyện đùa cợt trong suốt hai tháng, trước khi một người đăng lại hàng chục văn bản trong số đó trong một nhóm khác đông thành viên hơn vào đầu tháng 3. Kể từ đó, ít nhất 10 tài liệu đã được phát tán đến kênh Discord chuyên về game Minecraft với đông đảo người theo dõi.
Ngày 5/4, trong lúc chính phủ Mỹ dường như chưa biết chuyện gì xảy ra, các tài khoản ủng hộ chiến dịch của Nga tại Ukraine bắt đầu chia sẻ những tài liệu này.
Tổng cộng hơn 100 tài liệu mật đã bị phát tán. Một số tài liệu là đánh giá của tình báo Mỹ về năng lực phòng không của Ukraine đang ngày càng suy giảm, cũng như đề cập thời gian viện trợ vũ khí, sức mạnh các đơn vị quân đội Ukraine và tiến độ đào tạo 12 lữ đoàn mới với tổng quân số khoảng 50.000 – 60.000 người. Tài liệu không nêu cụ thể kế hoạch tác chiến, thời gian và địa điểm Ukraine mở chiến dịch phản công.
Số khác được soạn thảo cuối tháng 2 và dán nhãn “bí mật, cấm chia sẻ với nước ngoài”. Báo cáo về Trung Quốc, chiến lược quân sự Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tình hình Trung Đông và cuộc chiến chống khủng bố nằm trong số thông tin bị phát tán.
Bộ Tư pháp, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Lầu Năm Góc đang tiến hành điều tra nguyên nhân và nguồn gốc của vụ rò rỉ.
Nhiều quan chức Mỹ giấu tên thừa nhận đây sẽ là một trong những vụ rò rỉ giáng đòn nghiêm trọng nhất với tình báo nước này trong hàng chục năm qua, cảnh báo lượng tài liệu bị lộ cùng mức độ nhạy cảm của những nội dung trong đó có thể gây hậu quả nặng nề cho cả Mỹ lẫn đồng minh.
Nó có thể đặt ra nhiều thách thức cho chiến dịch phản công tiềm tàng của Ukraine, khiến đồng minh của Washington ngần ngại chia sẻ dữ liệu nhạy cảm, thậm chí làm lộ mạng lưới thu thập tin tức tình báo của Mỹ tại Nga và nhiều nước khác.
Một quan chức tình báo cấp cao Mỹ nói đây là “ác mộng với nhóm Ngũ Nhãn”, đề cập liên minh tình báo gồm Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada.
“Vụ rò rỉ là lỗ hổng an ninh đáng kể, có thể cản trở kế hoạch hỗ trợ cho Ukraine. Hàng loạt ảnh chụp tài liệu được công bố, cho thấy ai đó đã cố tình tuồn chúng ra ngoài, nhằm gây tổn hại cho Mỹ, NATO và Ukraine”, Mick Mulroy, cựu quan chức cấp cao Lầu Năm Góc, nhận định.
Khoảng 50 tài liệu xếp loại “mật” và “tuyệt mật” đã xuất hiện trên mạng. Câu hỏi quan trọng nhất lúc này là ai có quyền tiếp cận chúng và hàng trăm văn bản khác được đăng lên mạng suốt ba tháng qua, cũng như mức độ quan trọng của những bí mật trong đó.
Cộng đồng tình báo Mỹ sẽ phải áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ nguồn tin và phương thức thu thập dữ liệu trong các báo cáo. “Luôn phải xác định những dữ liệu này có thể bị lộ bất cứ lúc nào. Nhưng cho rằng đối phương nắm được chúng khác hẳn với biết rõ họ đã tiếp cận được”, Thomas Rid, giáo sư ngành nghiên cứu chiến lược tại Đại học Johns Hopkins của Mỹ, nhận xét.
“Tại sao chúng ta vẫn rơi vào tình trạng này? Những vụ lộ dữ liệu tình báo nghiêm trọng như vậy đáng lẽ đã phải trở thành vấn đề của quá khứ. Nhiều biện pháp kiểm tra mới đã được áp dụng, nhưng rõ ràng là chưa đủ và chúng ta cần xem xét lại quy trình bảo vệ dữ liệu mật”, Brett Bruen, cựu quan chức Nhà Trắng dưới thời chính quyền Barack Obama, nêu quan điểm.
Joshua Skule, cựu quan chức cấp cao FBI, cho biết điều tra vụ rò rỉ sẽ là ưu tiên hàng đầu của cơ quan này, nhằm xác định ai tiếp cận được dữ liệu và có động cơ tung nó lên mạng. “Họ sẽ làm nhanh nhất có thể và không tiếc nguồn lực. FBI đang tiếp cận sự việc theo hướng có người đang phạm tội phản quốc”, ông nói.
Những tài liệu gây thiệt hại nặng nhất là báo cáo tổng hợp dữ liệu hoạt động của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Báo cáo này liệt kê những cuộc liên lạc bị Mỹ chặn thu từ chính phủ các nước đồng minh, trong đó có cơ quan tình báo Mossad của Israel và Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc.
Nhạy cảm hơn nữa là thông tin đúc rút từ những điệp viên luồn sâu trong chính phủ Nga, cho thấy cách tin tặc nước này chia sẻ ảnh chụp màn hình với Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) về các trao đổi trong Bộ Quốc phòng Nga về cung cấp đạn dược cho tập đoàn an ninh tư nhân Wagner, cũng như kế hoạch của tình báo Nga nhằm triển khai chiến dịch chống phương Tây ở châu Phi.
Các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ từng siết chặt hoạt động kiểm soát thông tin sau vụ Edward Snowden, nhà thầu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) rời đất nước với lượng lớn tài liệu mật và chia sẻ chúng cho truyền thông. Snowden nói rằng động thái này nhằm hé lộ những góc khuất và hành động lạm dụng của tình báo Mỹ.
Đến nay chưa có lời giải thích hợp lý nào cho động cơ của vụ rò rỉ hơn 100 tài liệu mật. Giới chức Mỹ đang xem xét hàng loạt khả năng, trong đó có quan chức cấp cao làm lộ dữ liệu hoặc hệ thống của Mỹ bị tin tặc xâm nhập.
Marc Raimondi, cựu quan chức Bộ Tư pháp Mỹ, cho biết số người được tiếp cận những tài liệu mật cấp cao nhất đã tăng đáng kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Ủy ban quốc hội Mỹ phụ trách điều tra cuộc tấn công chỉ ra rằng việc thiếu chia sẻ dữ liệu tình báo là một trong những lý do khiến Washington không phát hiện ra âm mưu của những kẻ khủng bố.
“Chính phủ đã tăng cường nỗ lực chia sẻ tin tình báo, nhưng đi kèm với đó là nguy cơ một trong số những người được tiếp cận sẽ không tuân thủ lời tuyên thệ giữ bí mật và để lộ dữ liệu ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Chỉ rất ít người vi phạm cam kết này, nhưng họ để lại hậu quả rất nghiêm trọng”, Raimondi nói.
Vũ Anh (Theo Wall Street Journal)