Sau mỗi vụ xả súng, nước Mỹ sẽ xôn xao với những lời kêu gọi siết chặt kiểm soát súng đạn. Thế nhưng, diễn biến gần 10 năm qua cho thấy tình trạng “đâu lại hoàn đó” sẽ tiếp diễn.
“Tại sao? Tại sao chúng ta lại cam chịu sống với cảnh giết chóc này? Tại sao chúng ta cứ để nó xảy ra?”, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước toàn nước Mỹ sau vụ xả súng ở một trường tiểu học bang Texas khiến 19 học sinh thiệt mạng. “Chúng ta phải hành động”.
Nhiều chính khách đảng Dân chủ và các nhà hoạt động cũng yêu cầu Quốc hội Mỹ cần xem xét thông qua dự luật mới về kiểm soát súng đạn nhưng những gì xảy ra trong 10 năm qua cho thấy những lời kêu gọi ấy tới cuối cùng sẽ không có tác động đáng kể.
“Đã gần một thập kỷ trôi qua kể từ vụ xả súng Sandy Hook nhưng các quy định an toàn súng đạn liên tục bị ngăn chặn”, Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar của đảng Dân chủ viết trên Twitter. “Quá phi lý”.
Nhưng điều tưởng chừng như phi lý ấy lại là một thực tế đang diễn ra ở Mỹ. Thực tế ấy bắt nguồn từ sức ì của hệ thống chính trị và tầm ảnh hưởng của những nhóm vận động hành lang đại diện cho lợi ích của nhà sản xuất súng đạn.
10 năm thất bại
Bối cảnh và mức độ thương vong của vụ xả súng hôm 24/5 tại thị trấn Uvalde, Texas khiến nhiều người liên tưởng tới vụ thảm sát xảy ra vào ngày 14/12/2012, khi một tay súng 20 tuổi giết chết 20 trẻ em tại trường tiểu học Sandy Hook ở thị trấn Newtown, bang Connecticut.
Khi ấy, cũng như lúc này, trong lòng nước Mỹ nổi lên làn sóng yêu cầu các nhà lập pháp có hành động kiểm soát súng đạn. Đáp ứng lời kêu gọi ấy, một dự luật được đưa ra trước Quốc hội Mỹ nhằm mở rộng phạm vi kiểm tra lý lịch người mua súng, cấm súng trường tấn công và cấm băng đạn có sức chứa lớn.
Nhưng dự luật năm 2013 đã chết ngay tại Thượng viện, một trong hai viện của Quốc hội Mỹ, vì 46 thượng nghị sĩ, bao gồm 5 người từ đảng Dân chủ, bỏ phiếu chống. Một dự luật ở Mỹ cần 60 trên 100 phiếu để trở thành luật.
An ủi một đồng nghiệp sau khi dự luật Sandy Hook đổ bể, ông Biden từng nói cuộc bỏ phiếu thất bại sẽ khiến người Mỹ tức giận và thúc giục họ có hành động ngăn chặn bạo lực súng đạn, theo Washington Post.
Nhưng có lẽ ông Biden đã quá lạc quan. Nếu cái chết của 20 đứa trẻ không thể khiến nước Mỹ thay đổi luật kiểm soát súng đạn vào năm 2013, liệu lần này có khác?
Kể từ sau vụ Sandy Hook tới vụ Uvalde, nước Mỹ đã xảy ra hơn 3.500 vụ xả súng hàng loạt, theo Gun Violence Archive, tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi bạo lực súng đạn.
Nhưng cũng trong khoảng thời gian đó, các nỗ lực của Quốc hội Mỹ nhằm tạo ra thay đổi đáng kể đều liên tục đổ bể, bất chấp các kết quả thăm dò ở cấp quốc gia cho thấy sự ủng hộ cao đối với quy định kiểm soát súng đạn.
Theo một thống kê của CBS News, từ năm 2011 tới năm 2016, có hơn 100 dự thảo kiểm soát súng đạn được trình lên Quốc hội Mỹ nhưng tất cả đều thất bại.
Trên Conversation, Christopher Poliquin, phó giáo sư nghiên cứu chính sách súng đạn thuộc Đại học California, Los Angeles, chỉ ra rằng các dự luật kiểm soát súng đạn được đảng Dân chủ ủng hộ nhiều hơn đảng Cộng hòa, trong khi mỗi dự luật lớn có thể sẽ cần sự ủng hộ của ít nhất 10 thượng nghị sĩ Cộng hòa.
Nhưng nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa lại đại diện cho những khu vực dân cư chống đối kiểm soát súng đạn. Bất cứ thượng nghị sĩ nào có thái độ ủng hộ sẽ đi ngược lại quan điểm của những cử tri đã bỏ phiếu bầu họ vào Thượng viện.
Phía phản đối kiểm soát súng đạn thường chỉ ra rằng các quy định mới sẽ chỉ xâm phạm tới quyền được sở hữu súng đã được hiến định trong hiến pháp Mỹ. Luật pháp cũng sẽ không ngăn ngừa tội phạm khi chúng quyết tâm gây án mà chỉ làm khó dễ “người tốt” cần mua súng tự vệ.
Không có quy định kiểm soát súng đạn bao trùm ở cấp liên bang, trách nhiệm ra luật rơi vào vai từng bang của nước Mỹ. Điều này tạo ra tình trạng thiếu thống nhất, quy định ở mỗi nơi mỗi khác.
Hệ thống hiện tại cần thay đổi
Một trong những điểm tương đồng giữa những vụ thảm sát bằng súng từng xảy ra ở nước Mỹ là việc các khẩu súng gây án đều được mua hợp pháp.
Từ năm 1966 tới năm 2019, 77% các tay súng hàng loạt đều mua vũ khí gây án bằng cách thức hợp lệ, theo khảo sát toàn diện do Viện Tư pháp Quốc gia, thuộc Bộ Tư pháp Mỹ tổng hợp.
Nhiều nghi phạm xả súng hàng loại coi việc gây án là một dạng “diễn xuất”. Những người này lên kế hoạch tấn công một cách âm thầm để có thể thu hút sự chú ý tối đa, từ đó khiến chúng càng khó bị phát hiện, kể cả ở bang có luật kiểm soát súng đạn tương đối mạnh như New York.
“Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta không thể ngăn người dân mua súng trừ khi họ từng phạm tội nghiêm trọng hoặc từng bị cưỡng chế điều trị tại bệnh viện tâm thần”, James Densly – người đồng sáng lập Dự án Bạo lực, một trung tâm nghiên cứu chuyên tổng hợp dữ liệu về bạo lực súng đạn – nói với New York Times.
“Kể cả khi nghi phạm có các hành động đáng báo động cũng không có tác dụng vì tiêu chuẩn pháp lý được đặt ra ở ngưỡng rất cao”, ông Densly nói.
Chẳng hạn, tay súng 19 tuổi giết hại 17 người ở một trường cấp 3 tại thành phố Parkland, bang Florida hồi năm 2018 đã mua súng trường từ nơi bán hợp lệ. Anh ta đã vượt qua bài kiểm tra lý lịch, dù nhân viên trường học cảnh báo người này từng có lời đe dọa bạo lực và phân biệt chủng tộc.
Đầu tháng 5, một tay súng 18 tuổi đã giết 10 người tại thành phố Buffalo, bang New York. Người này đã mua được súng sau khi vượt qua bài kiểm tra lý lịch, dù anh ta gần đây từng có phát ngôn đe đọa bạn học và đã bị yêu cầu đánh giá tâm lý bắt buộc.
Ông T. Christian Heyne, phó chủ tịch nhóm vận động kiểm soát súng đạn Brady, nói cách duy nhất để ngừng các vụ thảm sát diện rộng là áp dụng quy định kiểm tra lý lịch phổ quát ở cấp liên bang. Luật này sẽ bù lại được việc quy định cấp tiểu bang và địa phương quá khác biệt.
Nhưng đề xuất ấy cũng đã bị trì hoãn ở Thượng viện Mỹ.
“Dựa vào những gì đã biết về vụ xả súng ở Buffalo, người ta đã làm đúng theo hệ thống nhưng chính hệ thống này có vấn đề”, ông Fred Guttenberg, người mất con gái 14 tuổi trong vụ xả súng ở Parkland năm 2018, nói. “Thực tế cuộc sống ở Mỹ là còn quá ít rào cản ngăn những người này có súng”.
Quốc Đạt/Zing.vn