Xây dựng Nhà hát Giao hưởng để phát triển văn hóa tương xứng phát triển kinh tế xã hội

share on:

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và yêu cầu phát triển tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội, việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tP Hồ Chí Minh là phù hợp xu thế phát triển văn hóa nghệ thuật, góp phần khẳng định vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu của cả nước và phục vụ cho lợi ích chung, nhu cầu thụ hưởng văn hóa nghệ thuật của cộng đồng.

Phù hợp với yêu cầu phát triển

Sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, việc đáp ứng nhu cầu giải trí, thụ hưởng các không gian, hoạt động văn hóa, nghệ thuật của người dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn rất hạn chế, đến nay, vẫn chưa có công trình văn hóa nghệ thuật tạo điểm nhấn tương xứng với vị thế của thành phố.

Vừa qua, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX đã thống nhất thông qua dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2 với tổng đầu tư xây dựng dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng.

Đây là thông tin được đông đảo giới chuyên môn, văn nghệ sỹ đón nhận với hy vọng có một nơi xứng tầm để thể hiện tài năng của mình; đồng thời góp phần cho thành phố có một công trình văn hóa xứng tầm.

Tại Nghị quyết 16 – NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 đã nhận định: “Phát triển văn hóa chưa tương xứng với vai trò, vị trí của thành phố là một trung tâm văn hóa lớn của vùng và cả nước”.

Nhà hát Giao hưởng – Nhạc, Vũ kịch (HBSO) tại quận 1 hiện tại là một trong những công trình kiến trúc, văn hóa tiêu biểu của thành phố. Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam

Vì vậy, trong 5 năm trở lại đây, Thành phố Hồ Chí Minh và các cấp quản lý nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, tọa đàm, tập trung “mổ xẻ”, phân tích thực trạng, khó khăn, thách thức trong việc phát triển văn hóa nghệ thuật, trong đó, đề cập đến sự xuống cấp của các thiết chế văn hóa, công trình nhà hát của thành phố; thiếu đội ngũ kế thừa; thiếu các chính sách đầu tư cơ sở vật chất; hỗ trợ cho nghệ sĩ và những người làm nghệ thuật…

Trong các lần thị sát thực tế gần đây tại một số bảo tàng, một trong những thiết chế văn hóa quan trọng đang dần “lỗi thời” của thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong băn khoăn: Thành phố là trung tâm kinh tế và văn hóa, đầu tư rất nhiều tiền vào hạ tầng giao thông, cầu, đường, bệnh viện, trường học… nhưng so với đầu tư vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là không đáng kể, chưa tương xứng tiềm năng và vị thế.

Thực tế cho thấy, công trình văn hóa là các nhà hát phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân hiện nay chỉ duy nhất Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh (hơn 100 tuổi) là còn giá trị của một nhà hát đúng nghĩa, đang vận hành hết công suất và chức năng.

Các nhà hát được thành phố xây dựng sau khi đất nước giải phóng như Nhà hát Hòa Bình (Quận 10) và Nhà hát Bến Thành (Quận 1) đã và đang xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn để tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên sâu hay có quy mô lớn.

Dù vậy, các thế hệ nghệ sĩ vẫn miệt mài cống hiến tài năng và sức lực để mang đến cho người dân những tác phẩm văn hóa nghệ thuật tinh thần có sự đầu tư và tâm huyết. Đơn cử là các nghệ sĩ của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh sau hơn 20 năm hoạt động và phát triển, đã trở thành đơn vị biểu diễn nghệ thuật hàn lâm chuyên nghiệp quy mô nhất tại thành phố, là niềm tự hào của cả thành phố khi thường xuyên tổ chức hàng trăm hoạt động biểu diễn nghệ thuật đẳng cấp quốc tế, thu hút được sự quan tâm và hợp tác biểu diễn của nhiều nghệ sĩ, nhạc trưởng, biên đạo nổi tiếng trong nước và thế giới như: Nhạc trưởng nổi tiếng Colin Metters (Vương quốc Anh); nhạc trưởng Yoshikazu  Fukumura (Nhật Bản); nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, “huyền thoại” dương cầm Đặng Thái Sơn…

Đáng buồn là trong hơn 20 năm hình thành và cống hiến cho nền âm nhạc hàn lâm thành phố và cả nước, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không có cơ sở vật chất tương xứng để phát triển hoạt động và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế thừa. Việc tập luyện của diễn viên và nhạc công rải rác ở các cơ sở nhỏ trên địa bàn thành phố và Văn phòng Nhà hát nằm “lọt thỏm” ngay trong tầng hầm của Nhà hát thành phố.

Hình thành các thiết chế văn hóa hiện đại

Dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh được xem là “gian truân”, bởi phải mất tới 20 năm để từ ý tưởng đến quyết định chủ trương xây dựng của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua.

Mục tiêu ưu tiên được đặt ra đây phải là một công trình văn hóa nghệ thuật chuyên ngành, hiện đại, xứng tầm với một trung tâm kinh tế văn hóa xã hội lớn của đất nước, góp phần khẳng định vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà hát còn là nơi tổ chức biểu diễn các chương trình âm nhạc hàn lâm, nhạc kịch, vũ kịch của Việt Nam và quốc tế; nơi bồi dưỡng, đào tạo tài năng nghệ thuật trong cả hai lĩnh vực sáng tác và biểu diễn; đảm bảo phục vụ dàn dựng và biểu diễn những chương trình nghệ thuật hiện đại.

Nghệ sĩ ưu tú Tạ Minh Tâm, Phó Giám đốc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, quyết định về việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh là mong mỏi từ rất nhiều năm nay của giới nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật trong cả nước.

Nhiều năm qua, giới nghệ sĩ thành phố vẫn thường xuyên biểu diễn và cống hiến nghệ thuật cho công chúng tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, nơi được xây dựng từ những thế kỷ trước. Đến nay, Nhà hát thành phố vẫn hoạt động rất hiệu quả, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của một thành phố với tư cách là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội và giao lưu quốc tế hàng đầu của cả nước.

“Chính vì vậy, việc xây dựng một nhà hát xứng tầm, đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội hiện nay là rất cần thiết. Điều quan trọng là xây dựng như thế nào, quản lý làm sao để nhà hát đạt được hiệu quả, phù hợp với mục đích và yêu cầu đề ra. Về lâu dài, nhà hát không chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần mà còn mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho ngân sách thành phố, góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa nghệ thuật, tạo dựng vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước”, nghệ sĩ ưu tú Tạ Minh Tâm chia sẻ.

Quan tâm vấn đề này, kiến trúc sư Đặng I – Ghen chia sẻ: Từ năm 1959, dàn nhạc giao hưởng Việt Nam với hơn 100 nhạc công đã được thành lập. Người Việt Nam cũng đã thưởng thức những tác phẩm kinh điển của thế giới do chính nghệ sĩ Việt Nam thể hiện.

Đặc biệt, vào năm 1980, nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, người từng được đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội đã mang lại niềm tự hào cho dân tộc, là nghệ sĩ dương cầm châu Á đầu tiên đoạt giải nhất tại Cuộc thi Piano quốc tế Frederic Chopin. Vì vậy, việc đầu tư và xây dựng nhà hát để các nghệ sĩ biểu diễn và bồi dưỡng tài năng là điều đương nhiên, dù rằng đến nay là khá trễ.

Tán thành xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2), ông Đặng I – Ghen cho rằng, khu vực quy hoạch xây dựng nằm bên sông Sài Gòn, đối diện trung tâm Quận 1, có tầm nhìn quan sát hướng đến Phố đi bộ Nguyễn Huệ, khả năng lan tỏa đến cộng đồng người dân và du khách quốc tế rất lớn.

Vì vậy, cần tập trung xây dựng thiết kế nhà hát mới xứng tầm nghệ thuật; xây dựng cơ chế quản lý phù hợp. Đồng thời, lựa chọn người quản lý cần có chuyên môn, làm đúng yêu cầu và chức năng để không có sự lãng phí, phục vụ yêu cầu được thụ hưởng nghệ thuật của người dân và du khách tại thành phố.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của rất nhiều người dân, Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình, cụ thể hóa từng hành động một cách hiệu quả; đáp ứng nhu cầu sống, làm việc và thụ hưởng giá trị văn hóa tinh thần của người dân thành phố, hướng tới mục tiêu chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.

Gia Thuận – Thu Hoài (TTXVN)
Facebook Comments