Xin đừng phủ nhận quá khứ hào hùng về những thế hệ cha anh quên mình cho Tổ quốc

share on:

Biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống để đổi lấy sự tự do và hòa bình cho Tổ quốc. Là công dân 1 quốc gia tự do và độc lập, chúng ta không bao giờ được lãng quên quá khứ.

Chỉ còn vài ngày nữa, cả nước sẽ kỷ niệm 75 năm ngày ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 1 nhà nước công nông đầu tiên của Đông Nam châu Á. 75 năm qua, từ 1 nhà nước non trẻ với đầy rẫy những khó khăn, nước ta giờ đây đã và đang ngày càng phát triển, có vị thế và uy tín trên trường quốc tế. 75 năm qua cũng là 75 chứng kiến những nỗ lực hy sinh hết mực của lớp lớp thế hệ cha anh để bảo vệ và xây dựng đất nước. Hàng chục vạn anh hung liệt sỹ đã ngã xuống qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, qua các cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía bắc hay những trận chiến ở chiến trường Tây nam. Cùng với đó là hàng triệu thương bệnh binh đã để lại 1 phần thân thể mình nơi chiến trường, đóng góp cho sự phát triển như ngày nay. 75 năm đã trôi qua nhưng chúng ta – những người đang được sống, làm việc và học tập trong một môi trường hòa bình, là công dân của 1 đất nước độc lập tự do không bao giờ được lãng quên những sự hy sinh ấy.

Khi đối mặt với cái chết, chẳng ai nghĩ về mình

Côn Đảo, trước năm 1975 từng là hệ thống nhà lao lớn nhất Đông Dương. Ở đây có những căn phòng đặc biệt giam giữ các chiến sĩ cách mạng và sĩ phu yêu nước mà “nổi tiếng” nhất là căn phòng “chết điển hình”. Nhưng dù có bị đày đọa, tra tấn chết đi sống lại, những người chiến sỹ cộng sản vẫn kiên trung với Cách mạng, với cuộc chiến mà mình đã chọn lựa.

“Nó bắt tôi, nó đánh đập, nó tra tấn, châm điện có, đổ nước có. Đánh dùi cui vô đầu gối nè. Bẻ tay, bẻ chân. Dứt khoát không khai ai. Thà là tôi chết một mình chứ bây giờ tôi khai hai, ba người, mỗi người khai hai, ba người nữa… Khai lòng vòng, khai sạch trơn làm sao chịu nổi” – bà Nguyễn Thị Ni (tức Tư Ni) – cựu tù Côn Đảo nói.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cũng từng là một cựu tù Côn Đảo. Bà chia sẻ về những năm tháng gian khổ ấy: “Có hai cái điều mà chúng tôi vẫn phải khẳng định. Một là cách mạng nhất định phải chiến thắng bởi vì chúng ta có chính nghĩa, chúng ta có Bác Hồ, chúng ta có Đảng lãnh đạo. Cho nên mọi sự dụ dỗ tra tấn đe dọa của kẻ thù đó chúng ta đều có thể vượt qua được. Cái thứ hai chúng tôi cũng phải có một cái xác định nữa là ngày Cách mạng chiến thắng chưa chắc đã có mình”.

Cựu tình báo Tư Cang ở tuổi 93 chưa từng quên những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng ấy.

Ông Tư Cang, từng là Cụm trưởng Cụm tình báo H63, năm nay đã 93 tuổi vẫn tranh thủ viết sách về cuộc đời làm tình báo của mình và đồng đội cùng thời.Trong đó,có câu chuyện ông thoát chết ngoạn mục khi bị một trung đội cảnh sát dã chiến truy tìm Việt Cộng sau trận Mậu Thân – “Nó gần mình 4-5 m, tôi lấy ra một viên đạn bỏ vô trong túi. Tôi nghĩ, mình ở trong chiến khu, có khi nó lép, thì mình lấy viên nữa, bỏ vô túi áo sơ mi 2 viên, lấy 2 cây súng, còn 2 viên đó mình vô đặt lên lỗ tai cho rồi. Tính vậy. Cụm trưởng chết thì ta thay cụm trưởng khác thôi, miễn là mấy điệp viên nó tồn tại”.

Có một mẫu số chung là khi đối mặt với cái chết, rất nhiều người đã không nghĩ về mình. Rất nhiều, rất nhiều lớp thanh niên hăm hở nhập ngũ, tình nguyện vào chiến trường nhưng khi trở về thì đội hình đã không còn nguyên vẹn.

Trong ký ức của nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt – cựu chiến binh LỮ đoàn 203, Quân đoàn 2, khi vào đến dinh Độc Lập trưa ngày ngày 30/4/1975 thì kíp xe tăng của ông chỉ còn lại 2 người. Trên xe vẫn còn loang vết máu của đồng đội đã ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn.

“Đã đi đánh nhau thì rất có thể trong trận này mình sẽ ngã xuống. Thế nhưng, chấp nhận coi nó như một cái gì đó nó hết sức bình thường. Bao nhiêu người trước mình, rồi bao nhiêu người sau mình nữa họ cũng đều như thế cả.

Cảm động trước sự hy sinh tôi cũng có viết bài thơ như một cái tâm sự thôi:

Người ta chết thì về với đất

Còn lính xe tăng chúng tôi thành khói bốc lên trời

Chỉ để lại muôn vàn thương nhớ

Và những bài ca bi tráng đến muôn đời….

Có lẽ không nơi nào mà nghĩa trang liệt sĩ cứ trải dài từ Bắc vào Nam, có những sự hy sinh đã trở thành biểu tượng của 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, nhưng có những hy sinh thầm lặng, không phải ai cũng biết đến. Có những tên liệt sỹ được ghi trên những ngôi mộ trong những nghĩa trang. Nhưng cũng còn biết bao chiến sỹ vĩnh viễn nằm lại chiến trường xa và chưa biết đến bao giờ mới được về với đất mẹ. Đất nước và nhân dân luôn biết ơn sự hy sinh của hàng triệu hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống và hy sinh một phần máu thịt của mình cho Tổ quốc.

Thể hệ trẻ phủ nhận quá khứ?

Trên đây là chia sẻ của những người đã trải qua chiến tranh. Còn những người sinh ra trong thời bình thì sao? Đa phần thế hệ những con người này và thanh niên Việt Nam bây giờ đều không lãng quên quá khứ. Có thể không chứng kiến trực tiếp nhưng những gì họ được học, được xem, được kể cũng giúp họ hình dung được phần nào sự thảm khốc của chiến tranh, của sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước. Thế hệ chúng tôi hiện nay nghĩ gì về sự hy sinh ấy? Nếu đọc, nếu tìm hiểu để trả lời cho câu hỏi này một cách nghiêm túc thì chúng ta sẽ hiểu được giá trị của độc lập ngày nay. Nhưng nếu dao động, thích ăn theo những bài viết có tính kích động, những luồng tư tưởng phá hoại thì sẽ rơi vào tình trạng hoang mang, nghi ngờ về tính chính nghĩa của các cuộc đấu tranh của người dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó cũng là 1 biểu hiện của sự lãng quên.

“Ai đó nói rằng, biển Đông nói rằng Biển Đông là của Việt Nam, Trường Sa là của Việt Nam thì đó là những tuyên truyền trái với luật pháp Quốc tế, không đúng với công ước về luật biển năm 1982” – Thật khó tin, đây lại là phát biểu của ông Bùi Tiến Lợi, khi còn đang đương chức Chủ nhiệm Bộ môn Chủ nghĩa Xã hội khoa học của Trường Sỹ quan công Binh và là thượng tá QĐND Việt Nam.

Với tư cách là giảng viên, là Đảng viên, những tư tưởng, nhận thức sai lệch của vị quân nhân này càng nghiêm trọng; nhất là khi đứng trước các học viên – những sĩ quan tương lai của quân đội. Nó cũng là sự xúc phạm lớn với những anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tháng 7 vừa qua, ông này đã chính thức bị khai trừ Đảng.

Phát biểu củaông Bùi Tiến Lợi, đã vấp phải sự chỉ trích của rất nhiều người. Nhà báo, Đại tá Nguyễn Văn Minh, Báo Quân đội nhân dân nói: “Những lời đó được viết ra bởi những người thầy đang hàng ngày, hàng giờ giảng hàng nghìn, hàng vạn sinh viên. Đấy chính là những liều thuốc độc đầu độc ngay tâm hồn, ngay tư tưởng của các thế hệ trẻ. Và những thế hệ trẻ đó đang trong quá trình hình thành nhân cách, họ có những suy nghĩ sai lệch như vậy thì họ không thể hành động đúng được. Thậm chí khi có những tình huống xấu ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì rất có thể từ những sai lầm đó, họ lại tham gia vào những việc có hại cho đất nước.

“2 năm trước, một bài viết đăng trên Facebook cá nhân đã gây phản ứng giận dữ với nhiều người, khi có nội dung: Chủ nghĩa xã hội là quả bom nhiệt hạch lớn nhất mà các trí thức thế kỷ 19 từng nghĩ ra. Muốn hủy diệt một dân tộc, hãy dùng loại bom đó. Quan điểm này là của một người sinh năm 1977, khi đó là Viện trưởng một Viện Nghiên cứu về kinh tế. Không thể phủ nhận, đây là người có học vấn, năng lực và trí tuệ. Nhưng thật đáng tiếc, tài năng và trí tuệ đang đi ngược lại với lợi ích quốc gia”.

Trung ướng Nguyễn Hữu Khảm, Nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam bình luận: “Tôi đã đọc một số bài báo trên mạng, thì tôi thấy rõ rằng, đây là những bài viết rất mơ hồ. Và những bài viết mang tính kích động là chính, chứ không dựa trên những cơ sở về khoa học, về lịch sử. Mà những bài này, cái nguy hiểm của nó chính là là nó làm dư luận xã hội luôn luôn chú ý đến…”

Bằng những thủ đoạn “đánh tráo giá trị”, làm cho “thật-giả, trắng-đen lẫn lộn”, một số người đã cố tình xuyên tạc mục đích, ý nghĩa và tính chất của các cuộc kháng chiến mà nhân dân ta tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực chất của chiêu trò ấy không gì khác là nhằm phủ nhận công lao, sự hy sinh xương máu của lớp lớp thế hệ người Việt Nam yêu nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đáng buồn là đã có một số ít bạn trẻ, có thể là do thiếu thông tin, thiếu chính kiến, thiếu bản lĩnh đã hùa theo, rồi chia sẻ, bình luận tiêu cực về lịch sử đất nước. Mạng xã hội thì ngày càng phát triển, những bài viết, quan điểm xấu độc đó nhờ thế đã có cơ hội lây lan rộng hơn, nhanh hơn.

Không phải tự dưng lại có những luồng tư tưởng đó. Nó phần lớn đều nằm trong âm mưu của các thế lực thù địch. Của những đảng viên biến chất, của những trí thức lưu vong. Chúng tạo dựng sự kiện hoặc hướng dư luận suy nghĩ theo 1 hướng, khác với bản chất của sự kiện sự việc. Mục đích của chúng là gì? Mục đích của chúng chính là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc lãnh đạo thành công 2 cuộc kháng chiến chống pháp và chống Mỹ. Từ đó phủ nhận luôn vai trò lãnh đạo của Đảng trong bảo vệ và xây dựng đất nước ngày nay. Gây rối loạn trong tư tưởng cũng là mục tiêu mà chúng nhắm tới. Những hoạt động này càng điên cuồng vào các thời điểm đất nước kỷ niệm những ngày lễ lớn hoặc các sự kiện quan trọng sắp diễn ra như đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.

Hàng chục vạn các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trong những cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc bảo vệ tổ quốc trong thế kỷ 20 ở đất nước ta. Xương máu của họ đã góp phần to lớn để đất nước được độc lập và phát triển như hiện nay. Trong khi triệu triệu người dân Việt Nam ghi ơn những hy sinh ấy thì cũng có không ít kẻ quay lưng lại với lịch sử, với đóng góp của các anh hùng, liệt sỹ, các thương bệnh binh. Chống lại sự lãng quên với lịch sử, với những người có công là điều mà tất cả chúng ta nên làm và phải làm.

Theo VTV

Facebook Comments