Bài viết của Đại tá Phan Trọng Bằng, nguyên Tổng biên tập báo Biên Phòng giúp độc giả hiểu hơn về tính chất tàn bạo cuộc chiến phi nghĩa quân đội Trung Quốc thực hiện tháng 2/1979 và sự chống trả quyết liệt, ngoan cường, dũng cảm của quân dân ta bảo vệ biên giới phía Bắc.
4 giờ 17 phút ngày 17/02/1979, Trung Quốc mở đầu cuộc chiến tranh chống Việt Nam trên quy mô lớn với 60 vạn quân gồm 12 quân đoàn chủ lực, 20 sư đoàn bộ binh, nhiều binh chủng kỹ thuật với 1.000 xe tăng, thiết giáp; 800 xe bọc thép; 1.700 khẩu pháo hạng nặng và các loại vũ khí cầm tay tiến công dữ dội trên dọc tuyến biên giới phía Bắc nước ta dài khoảng 1.400km gồm 6 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu.
Mục tiêu đầu tiên của địch là quét sạch các đồn biên phòng Việt Nam trên hướng tiến quân. Mục tiêu tiếp theo là đánh chiếm các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai trong vòng 48 tiếng. Địch mở màn chiến dịch bằng cách đánh tiêu diệt, đánh ồ ạt cấp tập; đánh tràn qua 47 đồn biên phòng trong số 60 đồn biên phòng của ta trên tuyến Việt- Trung. Hướng tiến công của địch xa nhất về hướng đông là đồn biên phòng Pò Hèn (Quảng Ninh); xa nhất về phía tây là đồn biên phòng Ma Lù Thàng (Lai Châu). Hai cánh Quảng Ninh và Lai Châu giữ vai trò yểm trợ cạnh sườn cho các mũi chính.
Trước sức mạnh tiến công điên cuồng của địch, quân dân ta ở 6 tỉnh đã đánh trả quyết liệt; đồi núi biến thành pháo đài, đường hầm, hố chông ngăn cản bước tiến của chúng. Lực lượng chủ công của ta là bộ đội địa phương, lực lượng Công an nhân dân vũ trang các đồn biên phòng, dân quân tự vệ và các trung đoàn cơ động của Bộ Tư lệnh Công an vũ trang gồm khoảng 50.000 cán bộ, chiến sĩ.
Không khí sục sôi những ngày tháng ấy đã được chứng minh quân dân Việt Nam quyết không sợ. Với kinh nghiệm 30 năm chiến tranh, chúng ta vừa tăng cường sức mạnh tổng hợp đánh trả địch dữ dội, vừa chia thành các phân đội nhỏ, đánh kiểu du kích quần lộn với địch mặt trước, phía sau, hai cạnh sườn chia cắt lực lượng địch, làm chúng hoảng loạn, lúng túng đối phó, bị tiêu hao nhiều sinh lực.
Báo Quân đội nhân dân số thứ sáu ngày 23/02/1979 đã đăng tin: “Trong 5 ngày từ 17/02 đến 21/02 quân dân các tỉnh biên giới đã diệt 12.000 tên địch, diệt và đánh thiệt hại nặng 14 tiểu đoàn, bắn cháy, phá hủy 140 xe tăng, xe thiết giáp, thu nhiều súng và đồ dùng quân sự.”
Địch chiếm đóng thị xã Cao Bằng 24/02; Lào Cai 20/02: Lạng Sơn 02/03 và các thị trấn vùng biên. Đánh chiếm đến đâu, chúng đều đốt nhà cửa, giết hại phụ nữ, trẻ em; đập phá cơ quan, xí nghiệp, nhà máy bệnh xá, trường học, san bằng phố xá,.. mang tính hủy diệt như thời trung cổ. Quân xâm lược dự tính sau khi đã chiếm các thị xã sẽ phát triển thế hợp điểm các mũi tiến công từ các thị trấn về tỉnh lỵ.
Ở Cao Bằng, chúng định hợp điểm các mũi Hà Quảng, Trà Lĩnh, Phục Hòa, Đông Khê tại thị xã Cao Bằng. Ở Lạng Sơn, chúng phát triển cuộc tiến công để hợp điểm các mũi Thất Khê, Na Sầm ở Đồng Đăng và Lạng Sơn; hợp điểm cánh Đình Lập, Tiên Yên (Quảng Ninh) với cánh Lộc Bình, Lạng Sơn.
Từ thị xã Lạng Sơn chúng định đánh ra đường 1A và 1B. Do bị quân dân ta đánh trả quyết liệt; quân số của chúng bị tiêu diệt, tiêu hao nhiều; thời gian chiến tranh phải kéo dài; địch phải điều động thê đội hai vào chiến dịch, nhưng khi chúng chưa thực hiện được kế hoạch hợp điểm thì đã bị quân dân ta đánh chia cắt; chúng lại rơi vào tình trạng lúng túng về hậu cần, vũ khí, trang bị, quân số hao hụt nặng. Chúng phải chờ quân tăng viện mới ra được Sapa, xuống Phố Lu, Cam Đường (Hoàng Liên Sơn), Phong Thổ (Lai Châu). Cuối cùng tất cả các mũi tấn công của chúng đều bị sa lầy.
Ngày 05/03/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng công bố “Lệnh Tổng động viên toàn quốc để bảo về Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc”. Chấp hành lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước, Bộ Quốc phòng đã khẩn trương điều động một số sư đoàn quân chủ lực từ mặt trận chống bè lũ diệt chủng Pôn-Pốt ở Campuchia lên tuyến biên giới phía Bắc trực tiếp tham gia cùng các lực lượng tiến công đè bẹp các mũi chiến đấu của quân xâm lược Trung Quốc vốn đã bị đánh tơi bời đang trong thế khủng hoảng, bị động.
Các cơ quan, đoàn thể, lực lượng thanh niên xung phong; các cơ quan thông tấn báo chí, văn nghệ sĩ đều lên đường theo nhiệm vụ của mình, tiếp sức cho tiền tuyến, tiếp lửa cho ý chí chiến đấu của quân dân 6 tỉnh phía Bắc chống quân xâm lược Trung Quốc.
Sau gần một tháng đưa 60 vạn quân, thời gian cao đểm lên tới 80 vạn quân cùng xe tăng, thiết giáp, pháo binh hạng nặng hòng đánh chiếm ồ ạt 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam trong khoảng mười ngày, nhưng mưu toan của bọn xâm lược đã bị thất bại hoàn toàn.
Chính Trung Quốc phải thừa nhận 7.000 quân bị tử vong và 15.000 binh sỹ bị thương (khác với số hiệu báo chí Phương Tây nói lên con số cụ thể: 28.000 quân bị giết và 43.000 binh lính bị thương, hàng trăm xe tăng, thiết giáp, pháo hạng nặng bị bắn cháy và hư hỏng. Thất bại nặng nề cộng với dư luận quốc tế lên án về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, ngày 16/3/1979, Trung Quốc buộc phải rút quân về nước.
Nhận định tình hình đất nước trước biến động lớn lao, cố Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đã nêu lên nhận xét tổng quát: “Nước Việt Nam ta bị kẹp giữa hai gọng kìm chiến lược: Một gọng kìm của quân đội Pôn-Pốt iêng Xari vùng biên giới Tây Nam; một gọng kìm phía Bắc của quân đội Trung Quốc ở trong tư thế sẵn sang tiến công, vượt qua biên giới Việt Nam tiến hành xâm lược,…
Theo quy luật của chủ nghĩa bánh trướng đại dân tộc đối với Việt Nam, họ lặp lại chiến lược tiến công Việt Nam của các triều đại phong kiến Trung Quốc đã diễn ra nhiều lần trong lịch sử. Đánh thẳng vào chính diện, kết hợp với đánh vòng ở sau lưng,… nhưng nếu lần đó, chiến lược hai gọng kìm và chiến lược đánh vòng đã thất bại thảm hại, thì lần này, những chiến lược đó cũng thất bại nốt”.
Đại tá Phan Trọng Bằng/VTC.VN