Năm 2017, trung tá Lê Ngọc Sơn là một trong 5 sĩ quan thuộc Cục Gìn giữ hoà bình Việt Nam được cử sang Phái bộ Minusca thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc. Trong đó có 3 vị trí luân phiên và 2 vị trí mới là Sĩ quan tham mưu phân tích thông tin tình báo và Quan sát viên quân sự. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, những sĩ quan Việt Nam luôn được chỉ huy phái bộ và đồng nghiệp các nước đánh giá cao. Có nhiều người đã nói vui rằng sĩ quan Việt Nam “hot” nhất phái bộ.
Điển hình nhất là khi tới phái bộ, các sĩ quan Việt Nam đã nhanh chóng hoàn thành tốt kỳ thi sát hạch kỹ năng lái xe hai cầu, huấn luyện đầu vào, phỏng vấn tiếng Anh. Nhờ tiếp cận nhanh và làm chủ công việc, tích cực hỗ trợ sĩ quan các nước ở phái bộ, sĩ quan Việt Nam được lựa chọn giữ vai trò Trưởng nhóm Quan sát viên quân sự, Trưởng ban tình báo Phân khu và nhiều vị trí khác khi sĩ quan ở vị trí đó vắng mặt…
Trung tá Lê Ngọc Sơn trong thời gian công tác tại Cộng hoà Trung Phi. Ảnh: baoquocte.vn
Bên cạnh nhiệm vụ phái bộ giao, trung tá Sơn còn dạy học cho 6 lớp học với hơn 150 trẻ em nơi đây. Chia sẻ về “sự nghiệp gieo chữ” cho những học sinh ở Cộng hoà Trung Phi, trong khi đó không phải là nhiệm vụ, chức trách của một sĩ quan gìn giữ hoà bình, trung tá Sơn tâm sự: “Trước hết, đó là truyền thống của người Việt Nam và bộ đội Việt Nam. Chúng ta luôn muốn chia sẻ yêu thương, chia sẻ những khả năng mình có được với người khác. Khi tôi sang đó làm nhiệm vụ, nhìn trẻ em ở đây rất nghèo khổ, kinh tế khó khăn, an ninh bất ổn nên không có điều kiện để tới trường, nhiều học sinh phải nghỉ học vì bạo loạn, xung đột sắc tộc Tôi có khả năng hỗ trợ các em về toán, lý, hoá nên mong muốn các em cải thiện kiến thức, tăng thêm tri thức để có cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn”.
Dấu ấn Việt Nam ở Minusca
Kể về những gian nan và sự ham học của trẻ em Trung Phi, trung tá Sơn nhớ tới hình ảnh những em nhỏ nhễ nhại mồ hôi vì phải đi bộ quãng đường dài đầy bất ổn và cái nóng như thiêu đốt để tới lớp học của “thầy giáo Sơn”, có em phải đi bộ mất hai tiếng rưỡi đồng hồ tới lớp. Mặc dù vậy, kể cả trong ngày nghỉ, các em cũng chịu khó đến lớp để được trung tá Sơn truyền đạt kiến thức.
Về những nguy cơ đối với trẻ em ở Cộng hoà Trung Phi, đặc biệt là các trẻ em gái, trung tá Sơn nói thêm: “Tính mạng các em luôn bị đe doạ vì an ninh bất ổn, dễ bị sát hại bởi tên bay đạn lạc. Nhiều em còn bị lôi kéo tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang và các nhóm tội phạm. Các em gái thường có nguy cơ bị hãm hiếp nên tôi càng thấy quý trọng môi trường hoà bình như ở đất nước chúng ta”.
Theo trung tá Sơn, những sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam ở phái bộ Minusca có một đặc trưng khác biệt so với sĩ quan các nước là sau khi xong nhiệm vụ thì về tiếp tục hỗ trợ người dân địa phương rất nhiều hoạt động như bổ củi, xách nước, làm vườn, hướng dẫn trồng rau xanh cải thiện đời sống. Thậm chí sĩ quan phái bộ còn khuyến khích họ trồng rau để đặt mua nhằm giúp họ có thêm thu nhập.
Để có được những ấn tượng tích cực trên, công tác chuẩn bị cho các sĩ quan đi làm nhiệm vụ tại các phái bộ được Cục Gìn giữ hoà bình Việt Nam thực hiện rất tốt như các khoá học đào tạo ngoại ngữ, nghiệp vụ gìn giữ hoà bình, khoá học tiền triển khai, kỹ năng sinh tồn… Nên ngay từ những ngày đầu tiên tới phái bộ, sĩ quan Việt Nam đã khẳng định được khả năng, năng lực so với sĩ quan các nước.
“So về tính chuyên nghiệp và khả năng hoàn thành nhiệm vụ tại phái bộ thì Việt Nam không thua kém nước nào, thậm chí có nhiều điểm nổi trội. Qua đó, chúng ta đã thể hiện được tính ưu việt của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế”, trung tá Sơn nói.