Chuyên gia tội phạm học – Bộ Công an cho rằng, việc khen thưởng ban chuyên án là lời động viên, khích lệ lực lượng phá án, biểu dương sự hi sinh quên mình của họ vì nhiệm vụ, không phải chuyện ăn mừng trước nỗi đau của gia đình nạn nhân.
Công an tỉnh Điện Biên vừa kết thúc chuyên án mang bí số 219D bằng việc khởi tố, bắt tạm giam 5 người liên quan vụ hiếp dâm, cướp tài sản rồi sát hại nữ sinh Cao Mỹ Duyên. Tuy nhiên, xung quanh vụ án này, dư luận cho rằng, không thỏa đáng khi các tập thể, cá nhân tham gia điều tra, bắt các nghi phạm đã được khen thưởng “nóng”.
Dư luận cho rằng “không thỏa đáng” là bởi xung quanh thông tin và quá trình bắt giữ các đối tượng được Công an tỉnh Điện Biên cung cấp còn nhiều nghi vấn. Các thành viên ban chuyên án nhận tiền thưởng trên nỗi đau người nhà nạn nhân. Người chết rồi còn khai quật tử thi, lại thêm đau đớn lần nữa…
Liên quan vấn đề này, nghiên cứu sinh, trung tá Đào Trọng Hiếu – chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an – cho biết, không đồng tình với những chỉ trích của dân mạng dành cho các thành viên ban chuyên án, bởi tại thời điểm tiếp nhận trình báo mất tích tối 30 Tết, các cấp công an đều tập trung cao độ cho việc bảo vệ trật tự tại các địa điểm công cộng, duy trì trật tự trị an chung cho mọi người. Việc gia đình không liên lạc được với cô gái, chưa nói lên điều gì, vì có thể bị tai nạn hoặc sự cố nào đó.
“Chưa biết là chuyện gì, có phải án hay không mà đòi tập trung lực lượng truy tìm ráo riết, là điều không thể. Trong khi cơ quan công an phải tung 100% quân số đang trực làm nhiệm vụ bảo vệ đêm giao thừa”, trung tá Đào Trung Hiếu cho hay.
Theo chuyên gia tội phạm học, ngay sau khi phát hiện tử thi, xác định có dấu hiệu tội phạm, lực lượng điều tra hình sự, công an các huyện, xã đã được huy động vào cuộc, tổ chức rà soát hơn 1.000 người để tìm ra đối tượng Vương Văn Hùng.
“Đó là một nỗ lực tuyệt vời của các thành viên ban chuyên án, để có câu trả lời trước nhân dân về vụ án, để hương hồn nạn nhân được thanh thản, gia đình vơi bớt nỗi đau”, trung tá Hiếu nói và cho biết thêm, trong thời gian phá án, hầu hết các điều tra viên không được ngủ, không được về tạt qua nhà ăn bữa cơm đoàn tụ, hi sinh những riêng tư vì nhiệm vụ chung.
“Rất xứng đáng khi họ được biểu dương, khen ngợi về trách nhiệm công vụ. Những ai nhân danh đạo đức lên tiếng chê bai họ, liệu bản thân có thể bỏ Tết vì việc của người khác không?”, chuyên gia nói.
Theo ông Hiếu, việc khen thưởng là lời động viên, khích lệ lực lượng phá án, biểu dương sự hi sinh quên mình của họ vì nhiệm vụ, không phải chuyện ăn mừng trước nỗi đau của gia đình nạn nhân.
“Vụ án này, xét về mặt phương pháp tổ chức điều tra, thực sự bài bản, sắc nét, có giá trị tham khảo cao về lý luận và thực tiễn”, ông Hiếu cho hay.
Nói về việc khai quật tử thi nữ sinh Cao Mỹ Duyên, theo đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn – chuyên gia tâm lý tội phạm học – là hoạt động bình thường trong quá trình điều tra tội phạm. Theo đó, trong việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, sẽ phát hiện những dấu vết sinh học, hóa học, những dấu vết vật chất khác.
Qua đó, có những chỉ dẫn về những vấn đề liên quan đến hành vi của đối tượng, nạn nhân và những người xung quanh. Từ những chứng cứ đó, cung cấp cho cơ quan điều tra những căn cứ quan trọng phát hiện tội phạm, chứng minh tội phạm và giải quyết vụ án.