Đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN năm 2020 trong bối cảnh đầy thách thức và khó khăn, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong vai trò dẫn dắt, cùng ASEAN tự tin vững bước vào thập niên thứ 6.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan đã kết thúc sau 4 ngày làm việc. Lễ bế mạc và chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Quốc gia Brunei Darussalam, hơn 20 phiên họp cấp cao, có trên 80 văn kiện đã được thông qua – khối lượng sự kiện và văn kiện lớn nhất từ trước đến nay.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN-Việt Nam đã chia sẻ với báo chí về kết quả và những nội dung liên quan đến hội nghị.
Thương hiệu chung của ASEAN
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp. Đạt được những mục tiêu đặt ra, trong đó có tất cả những sáng kiến, đề xuất cùng những ưu tiên của cả năm đều được thể hiện trong cuộc họp lần này và đã được các nhà lãnh đạo thông qua, phê chuẩn.
“Điều hết sức phấn khởi là trong những lĩnh vực được thông qua có nội dung xây dựng cộng đồng ASEAN, công tác ứng phó với Covid-19 và những bước phục hồi của các nước ASEAN”, Thứ trưởng đánh giá.
Những vấn đề Việt Nam đặt ra cho chương trình nghị sự được hoàn thành và nhận được hưởng ứng rất mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo trong ASEAN cũng như các nước đối tác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao chiếc búa gỗ cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam – nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2021.
Đánh giá về kết quả của những sáng kiến do Việt Nam triển khai, các nước ASEAN cho rằng chủ đề mà Việt Nam đưa ra rất chính xác và đã trở thành một thương hiệu của ASEAN, đó là một ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng”.
Thứ trưởng Ngoại giao cho hay: Các nước cũng cho rằng những ưu tiên Việt Nam đặt ra cho xây dựng cộng đồng ASEAN là rất thỏa đáng, phù hợp. Khi Việt Nam chuyển trọng tâm sang ứng phó với Covid-19, các biện pháp hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Các đối tác đều đánh giá việc này là chính xác và hưởng ứng rất mạnh mẽ đề xuất của Việt Nam.
Nhờ đó, những sáng kiến như: Quỹ ASEAN ứng phó dịch, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực hay Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi đều được các nước hưởng ứng và đóng góp rất nhiệt tình.
Quyết tâm của ASEAN – Trung Quốc trong tiến trình COC
Trong một năm đầy khó khăn và thách thức, Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng hết sức, ông Nguyễn Quốc Dũng điểm lại: “Ngay từ đầu năm, dịch Covid-19 xảy ra khiến chúng ta phải thay đổi nhiều kế hoạch, đồng thời tìm cách tạo sức thuyết phục cho các nước trong khu vực.
Khi chuyển đổi hình thức họp đều có sự hoài nghi, không biết liệu có làm được không trong một bối cảnh phức tạp như vậy.
Thêm nữa, trong bối cảnh các nước đều đang bận tâm chống lại dịch bệnh và ngăn ngừa tác động trong khuôn khổ quốc gia thì liệu các công việc về xây dựng cộng đồng còn phù hợp nữa hay không? Hay như các vấn đề về hòa bình, ổn định có còn thích hợp để bàn thảo lúc này không khi người dân vẫn tiếp tục nhiễm bệnh hoặc tử vong”.
Đó là những thách thức đặt ra cho Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, tuy nhiên, Việt Nam đã thuyết phục được các nước bạn bằng những hành động, việc làm cụ thể.
Từ những cuộc họp, những diễn biến đầu tiên, Việt Nam đều chứng tỏ được rằng mọi việc đều có thể thực hiện được, kể cả những vấn đề “không tưởng” như việc ký kết hay những vấn đề cần phải có sự giao dịch trực tiếp như việc thỏa thuận giữa các nước…
Việc này không chỉ nhờ những nỗ lực cố gắng mà còn đòi hỏi sự sáng tạo rất lớn.
Nói về tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), Thứ trưởng cho biết quyết tâm của các nước ASEAN và Trung Quốc đều rất mạnh. “Tất cả đều mong muốn sớm có được một bộ quy tắc ứng xử để sau đó điều tiết, bảo đảm có quy định để tiến hành chi phối các hành vi của các nước ở khu vực Biển Đông, một khu vực hết sức quan trọng”, ông Dũng nêu.
Tuy nhiên, việc thương lượng trước hết bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cùng với đó, các bên đều mong muốn nội dung thương lượng này được thực hiện thông qua gặp trực tiếp.
“Do đó, cho đến nay, không có một cuộc đàm phán thực chất nào về COC nên cũng khó có thể nói được khi nào văn bản này có thể hoàn thiện. Chúng ta đều muốn đẩy nhanh tiến trình này nhưng còn phụ thuộc vào thiện chí cũng như lập trường của các bên”, ông Dũng nói những lý khiến tiến trình bị chậm lại.
Thành Nam – Ảnh: Phạm Hải