Ông Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Capella Holdings đã nhận định như trên trong cuộc gặp gỡ với Đoàn ĐBQH TP.HCM vào ngày 3/10 tại TP.HCM.
Buổi làm việc này Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự với vai trò của các ĐBQH.
Ông Nguyễn Cao Trí |
Cổ phần nhà nước tại Vinamilk có thể được định giá 10 tỷ USD
Mở đầu bài phát biểu ông Trí nhấn mạnh rằng: “Giới doanh nhân không xin nhà nước bất cứ vấn đề gì về tiền bạc, mà cái họ cần nhất là một hệ thống pháp luật, chính sách, đường lối chủ trương rõ ràng, thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Tiếp đó, trong khi nhiều doanh nhân khác đều có cái nhìn khá bi quan về những khó khăn mà nhà nước gặp phải thì ông Trí cho biết mình có cái nhìn rất lạc quan vì “hầu như không có một quốc gia nào trên thế giới có thuận lợi như Việt Nam”.
Ở đây ông Trí muốn đề cập đến việc nhà nước đang sở hữu những tập đoàn, tổng công ty có nguồn gốc nhà nước có giá trị rất lớn và “trên thế giới chắc không có cái này”.
“Nhà nước sở hữu một nguồn lực về đất đai, hạ tầng rất lớn mà trên thế giới cũng khó tìm thấy. Ở các nước Châu Âu, khi chúng ta chỉ vào miếng đất nào, khu rừng nào thì ở đó đều có chủ vài trăm năm, còn chúng ta chỉ cần quy hoạch, mở đường và làm hạ tầng thì sẽ trở thành giá trị rất lớn” – ông Trí cho hay.
Theo ông, sở dĩ nói như vậy là để thấy rằng nguồn lực cả của doanh nghiệp và nhà nước đều có thể giải quyết được bằng cơ chế chính sách.
“Ví dụ hiện nay nhà nước đang chuẩn bị bán tiếp 9% cổ phần của Vinamilk (trên tổng số 45% sở hữu) với giá khởi điểm khoảng 900 triệu USD, và khi đấu giá số tiền này có thể lên đến 1,3 hay 1,5 tỷ USD. Nhưng nếu có 1 cách nhìn khác, nếu chúng ta dám bán đấu giá nguyên 1 lô 45% thì giới chuyên môn có thể đánh giá lên đến 10 tỷ USD” – ông Trí nhận định, và cho biết ngoài Vinamilk nhà nước vẫn còn hàng loạt công ty như thuốc lá, Sabeco (Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn), ngân hàng, viễn thông.
“Liên tưởng một chút chúng ta sẽ thấy rằng nợ công hiện nay trên dưới 100 tỷ USD, đó là con số lớn nhưng nếu nhìn về nguồn lực quốc gia để cân đối thì hoàn toàn không lớn, thậm chí có thể bán và giải quyết nợ đó một cách khả thi. Nói vậy để thấy rằng nguồn lực quốc gia rất lớn và vấn đề là có cơ chế luật pháp như thế nào để khai thác được” – ông Trí nêu quan điểm.
Nếu… thì Big C đã không về tay người Thái?
Liên quan đến thị trường bán lẻ, ông trí cho biết từ đầu năm 2016 hiệp hội doanh nhân TP đã rất quyết liệt kiến nghị Thủ tướng và đã có cảnh báo với Chính phủ và các bộ ngành trong bảo vệ hệ thống bán lẻ.
Theo ông thời điểm đó có người nói rằng: “Tại sao các anh la to quá, có gì đâu mà ghê gớm, nhưng đến giờ phút này tất cả đã thấy hệ lụy.
“Hiện nay, những công ty phân phối lớn từ Metro, Big C, Nguyễn Kim hay Kinh Đô đều vào tay các nhà tài phiệt Thái Lan, và chúng tôi cũng có thể nói rằng tới đây Vinamilk hay Sabeco đều đã có nhà đầu tư đặt hàng và hầu hết từ Thái Lan. Khi những hệ thống phân phối lớn như thế rơi vào tay Thái Lan thì chắc chắn rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất khó khăn” – ông Trí cho hay.
Lấy ví dụ về thương vụ bán hệ thống siêu thị Big C giá 1 tỷ USD, ông Trí cho biết mình đã nói chuyện với ông Phạm Phú Quốc – Thành viên HĐQT Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) và biết rằng: “Nếu được quan tâm chỉ đạo nhảy vô từ đầu thì chắc chắn HFIC có thể hợp lực để mua hệ thống này”.
Từ đó ông Trí còn bày tỏ lo ngại rằng nếu lãnh đạo không quan tâm đến cơ chế cho các doanh nghiệp thì tới đây Sabeco, viễn thông hay các công ty thuốc lá, ngân hàng… đều sẽ thuộc các tập đoàn nước ngoài.
“Chúng ta là người bán, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra luật chơi, có thể chọn các nhà đầu tư có ích lợi cho đất nước mà không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp Việt Nam” – ông Trí chia sẻ.
“Kênh phân phối lẻ hiện bị nước ngoài chi phối, do đó doanh phải thông qua hệ thống phân phối đó cả. trong khi đó hiệp hội chưa làm hết sức để doanh nghiệp đoàn kết, có tiếng nói chung nhưng chỉ khi gặp rất nhiều khó khăn mới ngồi lại” – bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food.
Nguyễn Cường/Infornet