Vụ vận chuyển ma túy qua đường hàng không về Việt Nam thời gian qua đang khiến dư luận trong nước đặc biệt quan tâm. Cơ quan chức năng vẫn đang làm rõ các tình tiết của vụ việc để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng vụ việc để tung tin sai sự thật gây hoang mang cho người dân. Do đó, mọi người dân cần phải hết sức cảnh giác trước những thủ đoạn của tội phạm ma túy qua đường hàng không cũng như cần bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin trên mạng Internet.
Sáng 26/4/2023, Công an TP Hồ Chí Minh đã thông tin chính thức vụ liên quan đến các tiếp viên hàng không xách ma túy. Theo đó, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về việc giao Công an TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố khẩn trương điều tra truy xét, làm rõ bản chất vụ án, nguồn gốc số ma túy thu giữ để xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan theo quy định, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an thành phố huy động nhiều lực lượng điều tra viên, trinh sát của các phòng nghiệp vụ Cảnh sát; Công an quận, huyện và TP Thủ Đức tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ điều tra, truy xét toàn bộ đường dây vận chuyển trái phép chất ma tuý từ Pháp về Việt Nam (phát hiện vào ngày 16/3/2023 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất).
Các nữ tiếp viên hàng không sẽ bị Cục Hàng không Việt Nam xử lý.
Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố tổng cộng 22 vụ án, khởi tố bị can 65 đối tượng để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, không tố giác tội phạm và che giấu tội phạm; xử lý vi phạm hành chính 12 đối tượng; thu giữ gần 50kg ma túy tổng hợp các loại, 2 khẩu súng và nhiều tang vật khác có liên quan…
Tuy nhiên, dù vụ việc đã được thông báo rõ ràng nhưng trên không gian mạng vẫn tiếp tục bùng nổ hàng loạt những tin giả, hình ảnh gán ghép tiếp viên hàng không để câu view, câu like bình luận. Điều đáng lên án là cả những tiếp viên không liên quan cũng bị lấy hình ảnh gán ghép vào câu chuyện để câu view, câu like. Thậm chí, nhiều đối tượng còn dựng lên những thuyết âm mưu rồi đặt ra các nghi vấn về mối liên hệ đến chính trị, họ hàng với một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Vụ việc vận chuyển ma túy qua đường hàng không vẫn đang trong quá trình điều tra và chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. Thế nhưng, trên mạng xã hội đã lan truyền rất nhiều phân tích, bình luận đẩy vụ việc theo chiều hướng tiêu cực tác động không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự.
Trước đó, trong buổi họp báo chiều 30/3/2023, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh đã thông tin thêm tới báo chí về vụ việc liên quan đến 4 nữ tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về Việt Nam. Theo ông Lê Mạnh Hà, ngày 17/3/2023, Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất chuyển giao hồ sơ và vật chứng của vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 21/3/2023, các cơ quan chức năng đã họp, đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ thu thập được và đối chiếu các quy định của pháp luật, bước đầu xác định: Khi 4 tiếp viên hàng không nêu trên đang lưu trú tại Pháp thì có 1 đối tượng người Việt Nam nhờ chuyển hàng tiêu dùng là 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất để gửi cho người nhà. Các tiếp viên này không biết bên trong 327 tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển có 157 tuýp bị đối tượng trà trộn, cất giấu ma tuý; do vậy, chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Trên thực tế, hiện nay việc những tin giả, tin sai sự thật liên quan đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người nổi tiếng đều được dư luận quan tâm và phát tán trên không gian mạng gắn với các tính năng của mạng xã hội như bình luận, chia sẻ, phát trực tiếp (livestream), chỉ trong thời gian rất ngắn, những thông tin này đã trực tiếp tác động đến nhận thức, suy nghĩ, tình cảm và hành vi của người dùng mạng xã hội. Trong khi đó, Việt Nam hiện có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73% dân số.
Điều này lý giải vì sao, sự xuất hiện, lan truyền các tin giả đã và đang tác động không nhỏ đến tâm lý, đời sống cộng đồng. Nếu không xử lý tốt, rất có thể tin giả sẽ là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với công tác điều tra của cơ quan chức năng và hình ảnh của Việt Nam đối với bè bạn quốc tế; gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội; làm phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Thậm chí, có những thông tin xuyên tạc, gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây mâu thuẫn trong xã hội.
Nhiều người vẫn nhớ thời điểm những năm 2016, 2017 trên mạng xã hội rộ lên hàng loạt tin đồn vô căn cứ về các vụ bắt cóc trẻ con xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… Trên trang facebook của một số tài khoản có địa chỉ không rõ ràng thường xuyên đăng tải những câu chuyện có nội dung ly kỳ, rùng rợn liên quan đến các vụ bắt cóc trẻ em như thủ phạm dùng phép thôi miên hoặc thuốc mê để khống chế nạn nhân, hay việc có một “đội quân” chuyên đi bắt cóc trẻ em để “kinh doanh nội tạng”… khiến không ít người tin theo.
Thực tế cho thấy, những tin đồn có nội dung gây sốc hoặc liên quan đến người của công chúng thường nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng như: “chập điện trong khu công nghiệp làm chết hàng chục người”; “kẻ biến thái chuyên đi rạch đùi các cô gái trẻ”; “máy bay rơi tại sân bay Nội Bài”, “Hàng loạt trẻ em nhập viện vì ngộ độc thịt lợn có chứa thuốc an thần”, “trường mầm non sử dụng thịt lợn nhiễm sán lợn”… hay tin đồn về một nghệ sĩ nào đó ngoại tình, thậm chí vừa qua đời trong khi vẫn đang còn sống;… Không ít người dùng mạng xã hội do nhiều nguyên nhân khác nhau như thiếu thông tin, nhẹ dạ, thích tìm kiếm các thông tin giật gân… đã bị cuốn vào vòng xoáy tin giả để rồi gánh chịu những hậu quả khó lường.
Ðiều đáng phê phán hơn là thay vì tự rút kinh nghiệm, cảnh tỉnh bản thân, thận trọng khi tiếp nhận các thông tin chưa được kiểm chứng xuất hiện trôi nổi trên các diễn đàn, mạng xã hội, một số người do bản tính hiếu kỳ hoặc mục đích khác vẫn tiếp tục tìm kiếm các tin giật gân, thậm chí tiếp tay cho nạn tin giả hoành hành.
Thực trạng trên đang đặt ra những vấn đề rất đáng lo ngại, nguy cơ ảnh hưởng tác động trực tiếp đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Bởi bên cạnh những tin đồn thất thiệt có nội dung nhảm nhí thì mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến tình hình chính trị của đất nước, đời sống dân sinh, các chính sách kinh tế_xã hội, đời tư của các chính trị gia cũng như các nhân vật có tầm ảnh hưởng…
Bình Nguyễn/Báo CAND