Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, có hàng chục nghìn tấn gà thải loại mỗi tháng được nhập lậu vào Việt Nam làm thực phẩm cho người.
Trao đổi với Zing ngày 17/5, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết hiệp hội vừa có đơn kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng cùng các bộ, ngành liên quan về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm.
Theo đó, VIPA cho biết hiện nay do ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của dịch Covid-19, chi phí vật tư đầu vào tăng cao kỷ lục, thị trường tiêu thụ bất ổn và giá sản phẩm đầu ra xuống sâu khiến ngành gia cầm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
“Nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gia cầm đang có nguy cơ phá sản. Hàng nghìn cơ sở chăn nuôi gà, vịt phải giảm quy mô sản xuất, hoặc phải tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài”, văn bản nêu thực trạng.
Đáng chú ý, VIPA cho biết tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà sống thải loại được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam.
“Đây không những là một trong các nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm các chủng virus cúm gia cầm thể độc cực cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước”, hiệp hội nhìn nhận.
Mặt khác, có rất nhiều phụ phẩm chăn nuôi giá rất rẻ như chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm, đặc biệt gà đẻ loại thải đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng không sử dụng làm thực phẩm cho người ở các nước phát triển vẫn được nhập khẩu với khối lượng rất lớn vào thị trường Việt Nam làm thực phẩm cho người.
“Nếu tình trạng này không được kiểm soát thì không những sản xuất gia cầm trong nước ngày càng khó khăn hơn mà còn có thể gây hậu quả cho sức khỏe của người tiêu dùng”, VIPA cảnh báo.
Theo đó, hiệp hội đề nghị các bộ ngành cùng các địa phương thường xuyên, liên tục tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới.
Đồng thời, VIPA kiến nghị Chính phủ kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine.
Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan triển khai ngay các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng. Theo đó, sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu gia cầm, sản phẩm gia cầm.
Ngoài ra, VIPA kiến nghị các giải pháp rà soát cắt giảm một số phí kiểm dịch, các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí sản xuất; xây dựng và triển khai chương trình trọng điểm xuất khẩu sản phẩm gia cầm; chuẩn hóa dữ liệu thống kê về sản xuất và thương mại của ngành gia cầm và chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.
Thanh Thương/Zing