Bà Phan Thị Quyên cắm hương lên bàn thờ chồng |
Bà Phan Thị Quyên trở lại quê chồng đúng vào dịp chính quyền địa phương H.Điện Bàn (Quảng Nam) tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh (15.10.1964 – 15.10.2014) vào ngày 14.10. Bà đã rất xúc động khi đứng trước khu lưu niệm khang trang, tôn nghiêm mà H.Điện Bàn đã dành cho anh Trỗi. Lướt qua từng bức ảnh chụp chung với chồng, mắt bà Quyên ngấn lệ. Ký ức về người chồng (chung sống trong 19 ngày) với bà như chỉ vừa mới diễn ra bởi những câu chuyện của bà với chồng vẫn đầy ắp trong trí nhớ, trong trái tim. Bà có thể thuật lại mồn một từng chi tiết.
Bà Quyên kể về bức ảnh bị chụp lén trước mộ chồng vào năm 1964 |
Nhắc lại câu chuyện tình yêu với chồng, bà Quyên cho biết, anh Trỗi là một người yêu mãnh liệt nhưng lại rất kín đáo và bề ngoài có phần lạnh lùng. “Anh là một thanh niên sống rất mạnh mẽ. Từ ngày quen tôi đến khi thương yêu rồi thành vợ thành chồng, anh chưa bao giờ nói và viết thư có những từ “em yêu”, “em thương”, bà mở đầu câu chuyện.
Cô bé Wendy, con gái Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Venezuela tại Hà Nội được bà Quyên nhận là cháu |
Anh Trỗi cũng là người sống triết lí. “Trong một bức thư giận hờn, có lần tôi nói, tôi tầm thường thì anh đã phân tích thế nào là tầm thường. Tôi nhớ anh phân tích rất nhiều, trong đó anh nói đến giá trị con người. Rồi anh dẫn chứng ông bộ trưởng và người xích lô, mỗi người đều có giá trị khác nhau”, bà Quyên kể.
Bà Quyên cùng anh hùng Nguyễn Văn Trỗi khi cưới nhau |
Và đặc biệt, theo bà Quyên, anh Trỗi là người rất ghét nói dối. Mặc dù quen bà Quyên đã lâu, kể cả khi đám cưới rồi nhưng nhiều lần anh vẫn thử bà về sự trung thực. Bà Quyên kể tiếp, bà làm ở hãng bông Bạch Tuyết và họ thường trả lương vào ngày 15 và 30 hằng tháng. Mỗi lần nhận lương, bà thường cùng các chị em đi ăn. “Hôm đó ngày 30.4, lãnh lương xong, mấy chị em rủ nhưng tôi không đi. Các chị bảo sao sợ chồng dữ vậy, bữa nay đi với tui tao đi. Tôi nghĩ, thôi thì quần đùi của anh cũng thiếu nên tôi mới đi, nhân tiện mua ít vải để về may cho anh ấy”, bà nhớ lại.
Mọi lần, bà Quyên đều về nhà trước chồng. Nhưng hôm đó thấy bà chưa về, anh Trỗi mới nói với đứa cháu sẽ đi đón bà. Anh đến và hỏi ông gác cổng thì ông này cho biết, lĩnh lương xong mọi người về hết. Đến khi anh về nhà lại thì bà Quyên vẫn chưa về. “Sau đó, tôi về thì anh hỏi tôi: Chắc ngày mai lễ 1.5 nên bữa nay em ở lại làm thêm giờ à? Tôi thật lòng bảo không, rồi nói tiếp: Bữa nay lãnh lương nên cùng mấy chị đi ăn rồi sẵn mua luôn ít vải về may quần đùi cho anh. Lúc này, cháu của anh Trỗi mới nói: Chú Tư (tức anh Trỗi-NV) nói đi đón thím, sao lại hỏi vậy. Bà Quyên quay qua hỏi: “Đã biết em về rồi sao anh còn hỏi vậy”. Anh Trỗi bảo: “Anh hỏi coi em trả lời sao”, bà Quyên nhớ lại.
Những bức ảnh liên quan đến anh Trỗi được bà Quyên đem tặng lại cho khu lưu niệm |
Tìm đúng mộ chồng sau 3 ngày
Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi yêu bà Quyên hơn 1 năm thì cưới, cưới được 19 ngày thì anh bị bắt. Trong suốt thời gian anh hoạt động cách mạng, bà Quyên không hề biết. Bà chỉ biết anh có tình cảm với cách mạng vì nhiều khi anh đọc sách báo, thấy Việt cộng chiến thắng lớn (ví dụ như trận đánh tàu lửa ở Sài Gòn), anh Trỗi khen.
Đây là bức ảnh do một họa sĩ Cu Ba vẽ sau khi anh Trỗi bị xử tử. Đây cũng là bức ảnh bà Quyên ưng ý nhất vẽ về chồng mình. Tháng 7.1969, bà sang Cu Ba và được tặng bức ảnh này |
Chỉ tay vào hiện vật giấy thăm nuôi treo trên tường khu tưởng niệm có ghi ngày 15.10.1964, bà Quyên tiếp lời, hôm anh Trỗi bị xử bắn thì đúng ngày bà nhận được giấy thăm nuôi. Nhưng khi vào khám Chí Hòa thì quân cảnh không cho gặp, họ bảo buổi chiều bà Quyên quay lại nên bà ra về. Khi bà về thì thấy một tiểu đội quân cảnh mang súng ca-bin, đi một đoạn thì thấy có một xe nhà binh chở một cái hòm vào. Ra đến cổng giữa, bà thấy nhà báo, phóng viên rất đông.
Hình ảnh bà Quyên khóc trước mộ chồng vào năm 1964 |
“Ra ngoài rồi, tôi lấy xe đạp đã gửi. Chị giữ xe hỏi tôi có gặp được chồng không, tôi nói đến chiều mới gặp được. Lúc này, chị ấy mới nói: Họ xí gạt cô đó, chứ chút nữa đem anh ra xử đó. Lúc này, tôi mới biết”, mắt bà Quyên rưng rưng. Sau đó, bà Quyên đã tìm cách vào gặp chồng nhưng bị “công an mật đến giải tán hết” và bà phải ra về.
Theo bà Quyên, ngày anh Trỗi ra pháp trường, anh vẫn không biết quân cảnh đưa anh đi xử tử bởi, bạn của bà có chồng bị giam kế bên phòng anh Trỗi sau này có kể lại câu chuyện: Hôm anh Trỗi bị đưa đi xử bắn, anh có nhắn là chuyển đi chỗ khác. Anh Trỗi nhờ anh này nhắn lại cho vợ biết, và nói đi đến đâu thì anh sẽ viết thư về.
“Khi chúng đưa anh đi xử, anh hoàn toàn không biết. Sau khi anh Trỗi bị xử bắn. Tôi đã đi tìm nhưng không biết anh được chôn ở đâu. Rồi tôi đọc được một tờ báo đăng tỉ mỉ lúc anh ra pháp trường ra sao, lúc anh hô như thế nào. Tôi đi tìm thì gặp 3 ngôi mộ còn mới trong Nghĩa trang Đô Thành nhưng do 3 ngôi mộ đều giống nhau nên không biết ngôi nào là chính xác”, bà Quyên kể lại.
Theo phong tục, phải mở cửa mã sau 3 ngày nên ngày thứ 4 bà vô lại thì 2 mộ bên cạnh có người cắm bia. Mộ không có bia chính là của anh Trỗi. Phần mộ anh Trỗi được trên khu đất buộc phải di dời trong 3 năm nếu không sẽ bị đem chôn chỗ khác nên trước khi thoát ly, bà Quyên đã dặn dò ba mình bốc hài cốt chồng về. Sau đó, ba bà Quyên và ba anh Trỗi đã cất bốc đem về chôn tại khu mộ như hiện nay, trong làng bà Quyên.
Một số ảnh tư liệu do bà Quyên tặng cho khu lưu niệm anh hùng Nguyễn Văn Trỗi |
Bức ảnh bà Quyên khóc trước mộ anh Trỗi được chụp lén
Nói về bức ảnh bà Quyên khóc trước mộ anh Nguyễn Văn Trỗi, bà cho biết, bức ảnh này chụp vào thời điểm anh Trỗi được chôn cất sau khi bị xử bắn 3 ngày. Theo bà Quyên, khi đó, có người đến xưng với bà là phóng viên muốn gặp gia đình để viết thiên phóng sự. “Tôi trả lời anh hoạt động tôi không biết gì hết, muốn tìm hiểu thì gì thì các ông tự đi tìm hiểu. Rồi tôi đứng khóc và họ chụp mà tôi không biết”, bà Quyên nói. Bà Quyên cho biết thêm, từ khi anh Trỗi hy sinh đến nay, cả nước, nhất là thanh niên, tuổi trẻ lúc nào cũng hâm mộ về anh Trỗi. Đó cũng là niềm động viên, niềm tự hào cho gia đình bà bởi đã có người con, người em, người chồng đã hy sinh tuổi xuân cho đất nước để cùng toàn dân giải phóng dân tộc. |
Tin, ảnh: Hoàng Sơn/Báo Thanh niên