Dẫn ví dụ đô thị lấn biển ở Hạ Long, Phó tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị lo tương lai “chẳng còn gì” nếu chỉ tập trung xây nhà ở, bỏ qua phát triển bền vững, bảo tồn di sản.
Quan điểm trên được ông Trương Văn Quảng nêu tại diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam do Bộ Xây dựng tổ chức, chiều 8/11. Ông Quảng cho rằng phát triển đô thị đang bị biến tướng vì tình trạng phát triển nhà ở, đất ở quá nóng. Tốc độ phát triển bất động sản nhanh và mạnh song không phục vụ nhu cầu nhà ở mà chủ yếu cho đầu cơ, tích lũy đất của một nhóm người giàu.
Ông Quảng dẫn chứng thông tin dự án đô thị lấn biển trong vùng đệm vịnh Hạ Long gây xôn xao dư luận gần đây. Theo ông, nguyên nhân tình trạng này đến từ quyết định chủ trương đầu tư không chuẩn.
Ông nói, nhiều đô thị lớn phủ kín các dự án nhà ở, song phần lớn là phân khúc giá trị cao, không đáp ứng nhu cầu của phần lớn người dân. Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, vùng quy hoạch tiếp tục mở rộng ra vùng ven, xuất hiện thêm nhiều dự án trong khi khu đô thị ở trung tâm còn chưa được lấp đầy. “Do đó tồn đọng nhiều khu đô thị ma dù người dân có nhu cầu ở lớn”, ông Quảng nói.
Ngoài ra, tình trạng thiếu nhà ở bình dân, nhiều khu đô thị nhưng thiếu tiện ích như trường học, sân chơi dẫn đến cảnh người dân xếp hàng từ sáng sớm bốc thăm mua nhà ở xã hội hay bốc thăm giành suất vào trường công cho con. Việc phát triển mô hình khu đô thị xuất hiện nhiều điểm yếu như thiếu đồng bộ trong kết nối hạ tầng kỹ thuật, xã hội.
Ông Đỗ Hậu, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cũng nhìn nhận giải pháp quy hoạch tại nhiều nơi mâu thuẫn với lợi ích của cư dân địa phương vì quá trình lập quy hoạch thiếu sự tham gia của cộng đồng. Thậm chí, công tác quản lý chưa kiểm soát được sự phát triển của đô thị.
Ông Hậu cho biết thêm việc quản lý quy hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập về phân loại đất đô thị, xây dựng bản đồ quy hoạch sử dụng đất do quy định chồng chéo. Ngoài ra, khó khăn phát triển nhà ở một phần do dự báo phát triển đô thị không chính xác. Lý do là dân số đô thị phát triển rất nhanh và thường vượt xa dự báo, gây mất cân bằng hạ tầng xã hội.
“Sai lầm khi dự báo tốc độ phát triển kinh tế của một số đô thị dẫn đến quy hoạch tổng thể bị lạc hậu, thiếu chính xác”, ông nói.
Ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cũng cho rằng các đô thị lớn đang bị quá tải vì tốc độ phát triển nhanh chóng trong 25 năm qua. Nếu năm 1998, Việt Nam có 688 đô thị thì nay, con số này đã tăng 1,4 lần. Tỷ lệ đô thị hóa tăng gần gấp đôi, đạt hơn 42% vào tháng 10/2023.
Tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến kết cấu, chất lượng hạ tầng bị quá tải ở các đô thị lớn. Số lượng đô thị nhiều nhưng thiếu tính liên kết, chất lượng cải tạo không gian công cộng và khu dân cư cũ thấp. Nguyên nhân một phần do năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm đổi mới, ông nói.
Cục trưởng Cục Phát triển đô thị đề nghị phân loại và quản lý đô thị theo mạng lưới, phân bổ phù hợp với từng vùng miền, đồng thời thúc đẩy khai thác không gian ngầm để đa dạng hóa phát triển đô thị. Còn ông Trương Văn Quảng kiến nghị cần thay đổi quy trình lập quy hoạch, linh hoạt theo từng loại đô thị. Trong đó đồ án quy hoạch đô thị phải có giá trị pháp lý, công bố công khai, minh bạch để tránh việc điều chỉnh tùy tiện hay dàn trải.
Ngọc Diễm/VNE