Mấy ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ca sĩ Lê Cát Trọng Lý trả lời phỏng vấn về việc “bảo tồn văn hóa”. Trong clip, Lê Cát Trọng Lý cho rằng “văn hóa không thể bảo tồn được, vì không liên quan gì đến đời sống hiện tại”; đồng thời ví “văn hóa chỉ như xác ướp hay những món đồ cổ cũ kỹ không có gì là đẹp, là giá trị”…
Chùa Một Cột, biểu tượng văn hóa của Thủ đô Hà Nội
Trước phát ngôn này, nhiều ý kiến bức xúc chỉ ra, nữ ca sĩ trẻ không hiểu thế nào là khái niệm “văn hóa” và phải được học lại một cách có hệ thống để hiểu đúng, sử dụng đúng chữ “văn hóa”; định nghĩa được văn hóa và thể hiện hiểu biết chuẩn mực về văn hóa Việt Nam.
Quá ấu trĩ, ngây ngô và tùy tiện
Cụ thể, trong đoạn clip ca sĩ Lê Cát Trọng Lý nói, “chắc gì những cái chúng ta đang bảo tồn hiện nay là nguyên gốc, vì nó vẫn luôn phát triển”; “chúng ta đang tưởng tượng mình bảo tồn nhưng thực tế là đang giữ một cái gì đó mà mình không thực sự hiểu, không thực sự thích. Ví như, tại sao phải giữ một cái bình cổ trong nhà khi không thấy được giá trị của nó. Ngày xưa, thời bà tôi cũng có một vài món đồ cổ nhưng đã bị mang bán ve chai, bởi con cháu không thấy nó có ích, có giá trị và không thấy nó đẹp. Vì thế, mình chỉ giữ những thứ gì mình cảm thấy đẹp, hay và thích thú”.
Dù lời nói của Lê Cát Trọng Lý chỉ là quan điểm cá nhân, nhưng TS Hà Thanh Vân (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã lên tiếng thể hiện sự không đồng tình. Theo TS Hà Thanh Vân, một nguyên tắc của đời sống là bất cứ ai cũng có thể phát biểu ý kiến riêng, nhưng vấn đề nằm ở chỗ người phát biểu là ai và phát biểu trong bối cảnh nào. Những nhận xét của Lê Cát Trọng Lý về văn hóa chỉ có thể “tán gẫu” với bạn bè ở không gian riêng tư. Trong khi cô này là người được công chúng dành cho nhiều thiện cảm và ưu ái, thì quan điểm đơn chiều và cực đoan này lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội là rất nguy hiểm.
“Các lý thuyết nghiên cứu về tiến trình phát triển của văn hóa đều chỉ ra rằng, văn hóa có hai phương diện: Một là bảo tồn truyền thống và hai là tiếp biến, tức là tiếp nhận cái mới theo thời gian và biến đổi theo hoàn cảnh. Thời gian chính là thước đo cho những cái gọi là truyền thống. Điều chúng ta coi là mới hôm nay, có thể vài trăm năm nữa trở thành truyền thống, đó chính là dòng chảy liên tục của văn hóa. Khi áo dài ra đời trước năm 1945, người thời đó gọi là “áo tân thời”, còn bây giờ chúng ta gọi là áo dài truyền thống. Lê Cát Trọng Lý nói vậy là phủ nhận sạch trơn quá khứ”, TS Hà Thanh Vân nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ, văn hóa phải được xem là bộ phận cấu thành quan trọng bậc nhất trong kho tàng di sản Việt Nam. Đó là những giá trị quý giá đã được hun đúc, kết tinh và lưu truyền qua hệ giá trị của từng cá nhân/con người; được tích hợp và “vật chất hóa” vào trong các loại hình di sản. Không chỉ Việt Nam mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều có một nền văn hóa với bản sắc riêng cần được quan tâm, bảo tồn, bảo vệ, phát huy và phát triển. Đặc biệt, những giá trị văn hóa ấy đã đóng góp vào kho tàng giá trị văn hóa chung của nhân loại, được UNESCO ghi danh.
Bảo tồn văn hóa luôn đi đôi với phát huy, bảo vệ đi đôi với phát triển. Phát huy là dựa trên di sản văn hóa đã có để nâng cao nhận thức và phát huy giá trị của nó, để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Ví dụ như chùa Một Cột là di sản văn hóa vật chất của người Việt Nam, chúng ta không thể sửa sang tùy tiện, phát triển thành “chùa Hai Cột” mà chỉ có thể bảo tồn hình hài nguyên thủy của nó và tìm cách nâng cao, phát huy giá trị di sản đó cho người đời sau chiêm bái và ngưỡng mộ.
Trên thế giới đã có biết bao công trình văn hóa cổ đã được bảo tồn và phát huy theo cách thức căn cơ ấy, nếu không, người ta đâu có cất công du lịch và khám phá, chiêm ngưỡng vịnh Hạ Long của Việt Nam, Vạn lý Trường Thành Trung Quốc, Kim tự tháp Ai Cập, Cung điện Mùa đông, Cung điện Mùa hè của nước Nga… Và như thế, văn hóa không phải là “ba cái thứ lẻ tẻ” mà Lê Cát Trọng Lý đưa ra theo cách hiểu ấu trĩ, ngô nghê và tùy tiện. “Phát ngôn không chuẩn mực từ một nhân vật nổi tiếng trong làng văn nghệ thì cần có sự điều chỉnh và phải được giáo dục lại. Lê Cát Trọng Lý đang không hiểu rằng chúng ta có cả một nền văn hóa mang bản sắc Việt Nam, đã trải dài hàng nghìn năm hình thành và đã xác lập được hai loại giá trị văn hóa vật chất và giá trị văn hóa tinh thần”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.
Cần nhận thức lại và gấp gáp khắc phục, sửa sai
Phát ngôn của Lê Cát Trọng Lý, theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái là do xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về khái niệm văn hóa, nên đã dẫn tới nhầm lẫn cơ bản giữa “bảo tồn” và “phát huy”, “bảo vệ “và “phát triển” ngay trong văn cảnh mà cô này dùng. Tuy nhiên, là một người như cô, Lê Cát Trọng Lý không nên nói về cái mà mình không hiểu trên phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, bởi việc phủ nhận “bảo tồn văn hóa” đã thể hiện sự xúc phạm đến nền văn hóa Việt Nam.
TS Hà Thanh Vân cũng cho rằng, Lê Cát Trọng Lý đang dùng quan điểm cá nhân để phán xét nên rất thiên kiến, lệch lạc. Có những truyền thống vẫn luôn được bảo tồn và kêu gọi bảo tồn, ví dụ như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thắp hương ngày Tết… Và khi Lê Cát Trọng Lý nói vậy, dù vô tình, cũng đã xúc phạm đến sở thích, thói quen của nhiều người. Điều quan trọng nhất, Lê Cát Trọng Lý là người của công chúng, phát ngôn của cô có thể khiến cho một bộ phận công chúng phẫn nộ lên án, nhưng đồng thời cũng có thể làm cho nhiều người hiểu sai về văn hóa truyền thống, từ đó phủ nhận những giá trị di sản của quá khứ.
Có thể nói, càng là người của công chúng thì lại càng phải nhận thức được trách nhiệm của mình trước cộng đồng, dư luận. Đây là cách ứng xử văn hóa cần thiết đối với mỗi công dân, đặc biệt là văn nghệ sĩ. “Sự thiếu vắng căn bản một phông nền văn hóa dẫn đến phát ngôn thiếu cẩn trọng chính là điều mà Lê Cát Trọng Lý cần nhận thức lại và gấp gáp khắc phục, sửa sai”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái thẳng thắn chỉ ra.
THANH NGỌC – HIỀN LƯƠNG/Báo Văn hoá