Trước khi bị địch bắn chết, chị đã kịp giành lại đứa con 10 tháng tuổi để cho con bú những giọt sữa cuối cùng.
Gần như tất cả những người mộ điệu cải lương đều biết và yêu quý một bài vọng cổ của nghệ sĩ, soạn giả Trọng Nguyễn – bài “Giọt sữa cuối cùng”. Nhưng rất nhiều người không biết rằng, bài ca ấy là câu chuyện có thật được kể bằng âm nhạc – câu chuyện về sự hy sinh anh hùng của liệt sỹ Nguyễn Thị Tư ở ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Câu chuyện của chị Tư được những người làm phim “Bạc Liêu quê hương tôi” và nghệ sĩ, soạn giả Trọng Nguyễn phát hiện, tôn vinh vào năm 1997.
Ngôi nhà cũ của gia đình liệt sỹ Nguyễn Thị Tư
Chuyện kể rằng: Như nhiều vùng quê miền Nam anh hùng khác, xã Vĩnh Hưng của Bạc Liêu trong kháng chiến chống Mỹ là vùng đệm giữa căn cứ Vĩnh Trinh của ta và tiểu khu Bạc Liêu của địch.
Chỉ là xã thôi mà địch đóng ở đây cả cụm pháo 105mm, một tiểu đoàn bảo an và tiểu đoàn cơ động 411 cùng nhiều ác ôn, dân vệ, tề điệp…
Chị Tư bấy giờ là vợ của xã đội trưởng Năm Dỏng – một cán bộ diệt ác ôn nổi tiếng của vùng. Anh Năm Dỏng vào cứ chiến đấu, chị Tư ở nhà thay anh chăm sóc gia đình, nuôi em, nuôi con và mở quán lập đường dây tiếp tế thuốc men, lương thực, bảo vệ cán bộ di chuyển từ cứ ra vùng địch tạm chiếm.
Địch nắm chắc dân Vĩnh Hưng hầu hết thân cách mạng, che chở cho cán bộ nên chúng mở nhiều trận càn quét, lùng sục tìm bắt anh Năm Dỏng và cán bộ lãnh đạo xã nhưng không được. Bởi vậy, chúng quyết định bắt chị Tư để uy hiếp, buộc chị khai ra hầm bí mật của chồng và đồng đội.
Sau hàng loạt đòn tra tấn vẫn không khai thác được gì, chúng ra lệnh giết chết chị Tư, cắt lỗ tai mang về chi khu.
Trước lúc hy sinh, chị đã van nài bọn chúng xin được cho con bú lần cuối… Những người làm phim tài liệu “Bạc Liêu quê hương tôi” ngày ấy đã lấy sự hy sinh anh hùng của chị Tư để đưa làm tứ cho bộ phim.
Câu chuyện ấy cũng làm soạn giả Trọng Nguyễn bấy giờ là Chủ tịch Hội Văn học – nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu rơi nước mắt. Ông trằn trọc suốt 1 tuần trước khi viết thành bài ca “Giọt sữa cuối cùng” như một sự trả nợ ơn nghĩa đối với người mẹ, người phụ nữ anh hùng của đất Vĩnh Hưng.
Chỉ hơn 1 năm sau, khi bộ phim và bài ca cổ đầy xúc động viết về chị Tư ra đời, chị đã được công nhận là liệt sỹ. Phần mộ của chị cũng được quy tập trong nghĩa trang dành cho những người anh hùng của Vĩnh Hưng.
Trọng Nguyễn lấy nút thắt cao trào nhất là giây phút cuối cùng của chị Tư để xây dựng một hình tượng người phụ nữ – một người mẹ – người chiến sỹ tuyệt đẹp:
Bọn giặc gầm lên: “Chồng mày đâu? Đồng đội mầy đâu? ”
Chị lắc đầu: “Tôi không biết”.
Thằng chỉ huy hất hàm ra lệnh: “Bắn!”.
“Khoan! Hãy chờ tôi giây lát”.
Rồi chị gượng đứng lên, giành lại đứa con từ trong tay giặc. Nước mắt tuôn trào, chị thầm gọi con… ơi. Bú nhanh lên kẻo không còn kịp nữa. Ơi con của tôi, ơi bầu sữa. Giọt sữa cuối cùng, con bú cạn nghe con”.
Khi chị Tư hy sinh, bé Lê Mỹ Linh khi ấy mới chỉ hơn 10 tháng tuổi đã bị địch giằng khỏi vòng tay và bầu sữa mẹ. Cô bé ngày ấy năm nay đã ngoài 40 tuổi.
Sau hơn 40 năm kể từ khi chị Nguyễn Thị Tư hy sinh, quê hương Vĩnh Hưng hôm nay đã có những bước đổi thay kỳ diệu. Cô bé bú giọt sữa cuối cùng của mẹ ngày nào giờ đã có 2 con, một cháu học lớp 12, một cháu vừa vào lớp 6. Cô mở một gian hàng tạp hóa nhỏ nơi quê chồng. Căn nhà ngày xưa, giờ giao cho chị Hai thờ má. Đám giỗ má, Mỹ Linh về thắp lên bàn thờ nén nhang với lời nhắn nguyện: “Má hãy an lòng, quê mình giờ đã an bình, chị em con đều đã lớn khôn!”
Tháng 7 tri ân các anh hùng liệt sỹ, chúng tôi càng yêu quý bài ca cổ “Giọt sữa cuối cùng” vì Trọng Nguyễn như đã nói hộ tất cả những ai đồng điệu:
“Hoa cỏ mai ai trồng bên mộ chị
Màu tím rưng rưng gợi nhớ ngày xưa.
Vĩnh Hưng ơi! đất anh hùng mỗi bận tôi qua
Đều có bóng dáng và dấu chân của chị.
Dấu chân xưa vẫn còn nằm trong đất
Đất kiên cường dấu chân ấy cũng trổ hoa.
Chị ơi, tôi đang viết về chị một bài ca mà nước mắt đã làm nhoà trang giấy.
Tôi nghe đâu đây như có dòng sữa ấy,
Chảy giữa quê hương làm cao rộng những công trình.
Mỗi chiến công đổi bao nhiêu xương máu
Chỉ có giọt sữa cuối cùng chị gởi lại cho con.
Đêm Vĩnh Hưng lúa trở mình ngậm sữa,
Dâng hạt gạo cho đời, thêm giọt sữa cho con./.
Các bạn có thể nghe bài “Giọt sữa cuối cùng” qua giọng ca truyền cảm của Nghệ sĩ ưu tú Cẩm Tiên tại đây:
Chúng tôi đã giới thiệu hoàn cảnh bức ảnh "Giọt sữa cuối cùng", đó cũng là hoàn cảnh ra đời ca khúc cùng tên. Kính mời các bạn thưởng thức qua giọng ca Nghệ sĩ ưu tú Cẩm Tiên.Trong clip bài hát này, các bạn sẽ được đến thăm mộ chị du kích Nguyễn Thị Tư ở nghĩa trang Liệt sĩ.
Người đăng: Thông tin chống phản động vào 19 Tháng 10 2017
Theo VOV