Giờ đây, người dân càng tin tưởng khi “lò đã nóng”, không chỉ “củi tươi” mà cả củi to, củi nhỏ đều cháy và có thể sẽ còn nhiều “củi” nữa sắp sửa cháy.
Có lẽ chưa bao giờ trong hai kỳ Hội nghị liên tiếp, Ban chấp hành Trung ương Đảng đưa ra hai vụ kỉ luật nặng và ở cấp cao như thế.
Tại Hội nghị 6 lần này, nhiều cán bộ và tổ chức Đảng bị kỉ luật ở mức cao. Trong đó, một Ủy viên Trung ương, Bí thư Thành ủy không chỉ bị cho thôi chức Ủy viên Trung ương mà còn cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.
Tuy là một việc đau xót nhưng lại được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tại sao vậy?
Trước hết, việc kỉ luật các đơn vị, cá nhân là “đúng người, đúng tội”, được tiến hành có tình, có lý, có nhìn nhận khách quan cả mặt được và chưa được như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phiên bế mạc: “Dư luận đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng đây là mức kỷ luật vừa nghiêm khắc vừa nhân văn, thấu lý đạt tình, tâm phục khẩu phục, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa chung rất sâu sắc”.
Sở dĩ Tổng Bí thư nói nghiêm khắc bởi một người vừa lúc trước đường đường đứng đầu một địa phương, chỉ lúc sau mất hết cả chức vụ, trở thành đảng viên thường.
Nói nhân văn bởi hoàn toàn có thể với những vi phạm, ông Nguyễn Xuân Anh còn phải chịu hình thức kỉ luật, thậm chí có thể về chi bộ còn bị khai trừ Đảng hoặc cao hơn nữa?
Về tâm phục, khẩu phục, nhớ lại khi bị kỉ luật, ông Đinh La Thăng đã gửi lời xin lỗi đến Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Nhân dân: “Quyết định thi hành kỷ luật của Ban Chấp hành Trung ương đối với tôi là có lý, có tình. Tôi đã nhận trách nhiệm của người đứng đầu trước những sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và gửi lời xin lỗi đến Đảng, Tổng Bí thư và nhân dân. Dù trên cương vị nào, tôi cũng sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. Ông Thăng nói.
Về tính giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa thì những ai đang “bên bờ tha hóa” không thể không “run” mà kịp thời dừng bước.
Song, Tổng Bí thư còn đặt câu hỏi: “Vì sao việc xử lý một số vụ án, xử lý kỷ luật một số cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp trong thời gian gần đây lại được đông đảo cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, cán bộ hưu trí và nhân dân đồng tình, ủng hộ đến như thế?” Và khẳng định: “Cần khẳng định, việc làm hợp lòng dân thì dân tin và dân tin thì chế độ ta còn, Đảng ta còn. Nếu làm việc gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.
Vâng, điều mà người dân tin ở đây không chỉ là hình thức xử lý có tình, có lý, có tính răn đe mà còn ở chỗ “hợp lòng dân”, đem lại niềm tin của nhân dân vào công cuộc chỉnh đốn Đảng, chống tham ô, tham nhũng.
Đúng như lời Tổng Bí thư: “Dân tin thì chế độ ta còn, Đảng ta còn. Nếu làm việc gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả” bởi từ hơn 700 năm trước, cụ Nguyễn Trãi đã từng căn dặn: “Đẩy thuyền cũng là Dân, lật thuyền cũng là Dân”.
Giờ đây, người dân càng tin tưởng khi “lò đã nóng”, không chỉ “củi tươi” mà cả củi to, củi nhỏ đều cháy và có thể sẽ còn nhiều “củi” nữa sắp sửa cháy.
Thúy Vy/ báo chính luận