Đã 50 năm trôi qua kể từ khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, những chiến công và những trận đánh vang dội ở nội đô Sài Gòn vẫn in đậm trong ký ức mỗi người về một thời “hoa lửa”, đặc biệt là những “con người của lịch sử”.
Lính Mỹ khiêng xác đồng bọn (bên phải) bị lực lượng vũ trang cách mạng tiêu diệt trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu TTXGP
Đêm trước trận đánh Tòa Đại sứ Mỹ
Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, Đại tá Trần Minh Sơn (bí danh Bảy Sơn, hiện đã 92 tuổi), nguyên Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Phân khu Biệt động Sài Gòn – Gia Định (An ninh T4), vẫn minh mẫn khi kể cho chúng tôi nghe về những ký ức hào hùng của những chiến sỹ Biệt động Sài Gòn. Ông đã có mặt ở nội thành trong cả hai chiến dịch Mậu Thân 1968 và đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong những năm làm công tác tham mưu từ thời kỳ đánh Pháp đến kháng chiến chống Mỹ, ông đã có nhiều kinh nghiệm về xây dựng, tổ chức, chỉ đạo thực hiện trang bị và huấn luyện lực lượng biệt động.
Đã 50 năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc lại sự kiện Xuân Mậu Thân 1968, ông Bảy Sơn lại bồi hồi xúc động khi nhớ tới trận đánh Tòa Đại sứ Mỹ. Ông kể, ban đầu Tòa Đại sứ Mỹ không nằm trong kế hoạch ban đầu của Bộ Tư lênh Quân khu Sài Gòn – Gia Định mà sau đó mới được bổ sung, vì thế thời gian và lực lượng chuẩn bị cho trận đánh này rất gấp rút. “Tính toán một hồi, tôi quyết định gặp đồng chí Ngô Thanh Vân (bí danh Ba Đen) để giao phụ trách chỉ huy đánh trận này và được anh ấy đồng ý”.
Kiếm được người chỉ huy mình tin tưởng, lo xong vũ khí, thì một nỗi lo khác là kiếm người tham gia. Ông Bảy Sơn hồi tưởng: “Lúc ấy tôi nói với Ba Đen, lực lượng mình được phân công các mục tiêu khác hết rồi, chỉ còn Ban tham mưu của tôi còn 16 anh em nhưng toàn người chưa đánh trận mạc bao giờ. Ba Đen khi ấy cười nói với tôi rằng không sao đâu anh Bảy, mình đưa lên Thanh An cho anh em tập bắn các loại súng của ta và địch là được rồi”.
Nhớ tới những đồng đội của mình, ông Bảy Sơn xúc động: “Hôm đó là chiều 29 Tết, tôi vào nội thành kiểm tra các mục tiêu, trong đó có mục tiêu Tòa Đại sứ Mỹ. Sau khi đi trinh sát mục tiêu về, tôi đã gặp các anh em biệt động và ăn Tết với họ rất vui vẻ. Lúc đó, tôi hỏi anh em có điều gì lo lắng không? Anh em rất bình tĩnh, thoải mái lại còn vui vẻ. Một người còn nói rằng chú Bảy yên tâm, nuôi quân ba năm sử dụng một giờ, chúng tôi sẵn sàng hy sinh, sống mái với quân thù trong trận chiến này. Mặc dù nghe anh em nói như vậy nhưng trong lòng tôi cảm thấy rất lo lắng”.
Cuộc tấn công vào Tòa Đại sứ Mỹ kéo dài đến sáng mùng 2 Tết thì tất cả các anh em đã hy sinh, chỉ còn Ba Đen bị thương nặng và bị địch bắt. Vị đại tá cho biết: “Các chiến sỹ cảm tử đã tấn công chiếm được mục tiêu, giữ vững trận địa tới giây phút cuối cùng. Trận tấn công oanh liệt này, đã tạo ảnh hưởng lớn đến cục diện của cả chiến dịch”.
Những tấm gương dũng cảm
Có cách đánh địch, diệt địch trong lòng địch có nhiều nét giống với Biệt động Sài Gòn, lực lượng trinh sát vũ trang nội đô An ninh Khu Sài Gòn – Gia Định (An ninh T4) đã lập nhiều chiến công dũng cảm trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Là một người trinh sát vũ trang Ban An ninh T4, Thiếu tá Lê Việt Bình (bí danh Trần Văn Cường, Hai Đường) được cấp trên phân công cùng đồng đội hỗ trợ cho lực lượng địa phương tiến công và nổi dậy.
Ông Bình kể, trong chiến dịch Mậu Thân 1968, lực lượng trinh sát vũ trang được phân công đánh Tòa Đại sứ Philippines. 2 giờ sáng ngày mùng 1 Tết, một tổ trinh sát gồm 6 người, do ông Nguyễn Văn Hưng (Tư Hưng) chỉ huy tập kết mục tiêu.
Thời điểm đã đến, ông Tư Hưng ôm bộc phá, giật nụ xòe cho bộc phá nổ tung cổng chính Tòa Đại sứ. Một đồng chí khác là ông Võ Văn Ngăn (Hai Ngăn) cũng ôm bộc phá lao thẳng vào tòa nhà, tiếng nổ rung chuyển cả một khu vực. Thế nhưng lực lượng định đến yểm trợ lực lượng bảo vệ của Tòa Đại sứ đánh trả quyết liệt, khiến lực lượng ta phải rút lui. Ông Tư Hưng, Hai Ngăn và một đồng chí hi sinh tại chỗ.
Sau đợt Tổng tiến công Mậu Thân, kẻ địch gượng lại, phản công quyết liệt. Khu ủy Sài Gòn – Gia Định chỉ thị: Không để ngưng tiếng súng tấn công địch trong thành phố, diệt bọn cảnh sát ác ôn, đập lại luận điệu khoác lác của bọn cầm đầu Ngụy quyền. Ông Bình cho biết, cuối năm 1968, lực lượng trinh sát vũ trang được giao nhiệm vụ diệt tên tướng tình báo Linh Quang Viên. Ông Bình và 3 đồng đội là Nguyễn Văn Cạn (Út Cạn), Võ Anh Đồng, Trần Hoàng Sinh (Sáu Sinh) được giao nhiệm vụ này.
Ông hào hứng kể, Ban chỉ huy B5 chọn thời điểm thực hiện vụ mưu sát là ngày 1/2/1969. Thời gian, địa điểm cụ thể không quy định trước, ta bố trí bám theo xe Viên và khi nào thuận lợi sẽ ra tay, vũ khí chủ yếu là những trái mìn tự tạo với trọng lượng khoảng 1,5 kg thuốc nổ C4. 8 giờ sáng 1/2/1969, khi xe chở Viên dừng đèn đỏ ở ngã tư Bà Huyện Thanh Quan – Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ), Võ Anh Đồng chở Út Cạn vọt lên để Út Cạn ném quả mìn vào đầu chiếc xe màu đen rồi “vọt thẳng”. Tên tướng trong xe và bọn lính sợ hãi, mở cửa xe nhảy ra ngoài. Lúc này, Sáu Sinh chở Hai Đường (Thiếu tá Lê Việt Bình) phóng lên từ phía sau, ném quả mìn vào ngay sau tên tướng và ném tiếp quả lực đạn, rồi rút lui. Tiếng nổ làm náo động cả khu vực.
Vài giờ sau, Đài Tiếng nói Sài Gòn phát tin, tên tướng bị ám sát là Nguyễn Văn Kiểm, người thay thế Linh Quang Viên làm Tham mưu trưởng An ninh biệt động Phủ Tổng tống. Vụ ám sát tên tướng tình báo Ngụy mới lên đã gây tiếng vang rất lớn ở Sài Gòn lúc bấy giờ và cả ở Mỹ.
Ông Bình bồi hồi: “Thấm thoát đã 50 năm trôi qua, những chiến công và những trận đánh vang dội giữa đô thành Sài Gòn của những chiến sĩ trinh sát vũ trang nội đô mãi mãi in đâm trong ký ức của tôi và các đồng đội”. Còn với chúng tôi – là người thế hệ sau, những huyền thoại trong quá khứ, những câu chuyện anh hùng của Đại tá Trần Minh Sơn, của Thiếu tá Lê Việt Bình sẽ còn được lưu truyền mãi, là một niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.